Logistics ngược mở lối tái chế bao bì, đẩy mạnh xuất khẩu xanh

date
21/04/2025 10:02

Logistics ngược mở lối tái chế bao bì, đẩy mạnh xuất khẩu xanh

​Khi các thị trường lớn như EU và Mỹ ngày càng chú trọng đến tiêu chuẩn môi trường, việc chuyển đổi sang bao bì thân thiện với môi trường trở thành xu hướng tất yếu. Logistics ngược là một giải pháp kỹ thuật để thu hồi, tái sử dụng và tái chế bao bì; là chiến lược then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam thoát khỏi nguy cơ bị loại khỏi "cuộc chơi" xuất khẩu khắc nghiệt.

Logistics ngược và tầm quan trọng của tái chế bao bì trong xuất khẩu xanh

Theo định nghĩa của Rogers và Tibben – Lembke (1999), logistics ngược là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả dòng chảy của nguyên liệu, bán thành phẩm và thông tin có liên quan từ các điểm tiêu thụ đến điểm xuất xứ với mục đích thu hồi lại giá trị hoặc xử lý một cách thích hợp[1]. Hiểu một cách đơn giản hơn, logistics ngược hay còn gọi là logistics thu hồi, là quá trình vận chuyển sản phẩm, bao bì từ điểm tiêu dùng trở về nguồn gốc hoặc nơi xử lý, nhằm mục đích tái sử dụng, sửa chữa, tái chế hoặc thải bỏ an toàn.

Khi các thị trường lớn ngày càng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu, để đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, xuất xứ, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về lượng khí thải carbon, tái chế bao bì và xử lý chất thải. Chính vì vậy, logistics ngược và tái chế bao bì đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), khi bàn về liên kết vùng cho các doanh nghiệp Việt để hướng đến xuất khẩu xanh, nhấn mạnh 5 vấn đề trụ cột cần giải quyết: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các nhà sử dụng dịch vụ logistics và khung thể chế chính sách[2]. Đặc biệt, với hai trụ cột là các công ty cung cấp dịch vụ logistics và các chủ hàng, ông Minh đề xuất cần có mô hình chuyển đổi xanh kết hợp với chuyển đổi số, một chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường xuất khẩu, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe từ quốc tế.

Thực trạng và triển vọng của tái chế bao bì, logistics ngược tại Việt Nam

Theo thống kê, năm 1990, Việt Nam tiêu thụ khoảng 0.2 triệu tấn nhựa, nhưng đến năm 2022 con số này đã vượt hơn 9 triệu tấn[3]. Dữ liệu từ Future Market Insight ước tính quy mô thị trường nhựa Việt Nam năm 2024 đạt 10.92 triệu tấn và dự kiến tăng lên 16.36 triệu tấn vào năm 2029.

Theo công ty tư vấn quản lý môi trường và chất thải Eunomia Research & Consulting (Anh Quốc), hiện có hơn 728,000 tấn bao bì đồ uống dưới dạng nhựa PET, HDPE, chai PP, chai thủy tinh và lon nhôm đưa ra thị trường hàng năm. Tuy nhiên, không phải 100% bao bì đều được thu gom đúng cách hoặc có thể mang đi tái chế[4].

Xét về mức tiêu thụ nhựa, ông Nguyễn Thi – Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho thấy sự gia tăng báo động, từ mức trung bình 3.8kg nhựa/người/năm vào năm 1990 đã tăng vọt lên 81kg/người/năm vào năm 2019[5]. Ngoài ra, khi xét đến tỷ lệ ứng dụng của nhựa, tổ chức OECD đã cho thấy hai lĩnh vực có tỷ lệ ứng dụng nhựa cao nhất là bao bì và xây dựng, với tỷ lệ lần lượt là 31% và 17%. Những con số này đã cho thấy sự chiếm lĩnh mạnh mẽ của nhựa trong các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng và hạ tầng. Riêng tại Việt Nam, ông Vũ Huy Hùng, Phòng thông tin và xúc tiến thương mại, cũng chỉ ra rằng lĩnh vực nhựa bao bì và nhựa gia dụng là những lĩnh vực dẫn đầu về xu hướng ứng dụng nhựa, với tỷ lệ sử dụng nhựa lần lượt là 39% và 32%.

​Phần lớn hoạt động tái chế rác thải đô thị tại Việt Nam được thực hiện bởi khu vực phi chính thức, với tỷ lệ thu gom dao động từ 40% đến 85% phụ thuộc vào sự khác biệt giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Khả năng tái chế của các loại vật liệu bao bì cũng khác nhau. Bao bì đồ uống bằng nhôm có tỷ lệ tái chế trung bình cao nhất, đạt 77%; trong khi chai thủy tinh, nhựa PET và hộp carton nhiều lớp lần lượt có tỷ lệ tái chế là 45%, 4% và 14%[6]. ​

Trong quá trình tái chế, việc thất thoát nguyên vật liệu là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, lon nhôm có tỷ lệ thất thoát thấp nhất, chỉ khoảng 4%; các nguyên liệu khác như nhựa có tỷ lệ thất thoát 10%, bao bì hộp nhiều lớp hoặc carton lên đến 28%[7]. Nguyên nhân chính là do lon nhôm được làm từ vật liệu đơn, trong khi bao bì nhiều lớp có cấu trúc phức tạp, gây khó khăn cho quá trình tái chế.

Nguồn: Eunomia Research & Consulting

Quy trình logistics ngược trong tái chế bao bì

Quy trình logistics ngược trong tái chế bao bì bao gồm một chuỗi các hoạt động có tính hệ thống, được thiết kế để thu hồi và xử lý bao bì sau khi sử dụng. Quy trình này thường gồm các bước chính sau:

Bước 1: Thu hồi

Tập hợp lại những bao bì đã qua sử dụng, hoặc sản phẩm không bán được, bị lỗi hoặc trả lại và đưa về các điểm thu hồi. Đây là bước then chốt, quyết định lượng bao bì có thể đưa vào chu trình tái chế.

Bước 2: Kiểm tra, phân loại bao bì đã thu hồi.

Tiến hành kiểm tra chất lượng, chọn lọc theo nhiều tiêu chí khác nhau như loại vật liệu, mức độ hư hỏng, khả năng tái sử dụng. Sau đó, phân loại dưới dạng có thể tái chế hoặc không thể tái chế.

Bước 3: Xử lý

Tùy thuộc vào tình trạng của bao bì và mục tiêu tái chế. Có nhiều phương pháp xử lý như tái sử dụng trực tiếp, sửa chữa, tái chế thành nguyên liệu mới, hay cuối cùng là tiêu hủy an toàn.

Đối với sản phẩm không thể tái chế sẽ được chuyển thành năng lượng bằng cách đưa đến các nhà máy để xử lý. Một số nhà máy sử dụng nhựa để làm nhiên liệu sản xuất điện, một số khác sử dụng để sản xuất các nhiên liệu khác như diesel, dầu mazut hoặc hóa chất…

Đối với các sản phẩm có thể tái chế, sau khi đưa đến nhà máy, các loại nhựa sẽ được làm sạch, nghiền và làm thành hạt nhựa tái chế. Cuối cùng, từ hạt nhựa tái chế có thể dùng làm các sản phẩm mới như áo phông, đồ nội thất, túi nylon, chai nhựa,…

Quy trình tái chế rác thải

Nguồn: plasticsmakeitpossible.com

Logistics ngược vận hành khó khăn hơn so với logistics xuôi vì nhiều nguyên nhân: khó dự báo về nhu cầu, việc vận chuyển từ nhiều điểm về một điểm, giá cả và chất lượng hàng hóa không đồng nhất[8].

Chính sách thúc đẩy logistics ngược và tái chế bao bì

Nghị định 05/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/01/2025, sửa đổi một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

Theo quy định mới, tỷ lệ tái chế bắt buộc được định nghĩa là "tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được thu gom và tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trong năm thực hiện trách nhiệm trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu được đưa ra thị trường trong năm có trách nhiệm". Tỷ lệ này được xác định dựa trên nhiều yếu tố như vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, tỷ lệ thu gom của sản phẩm, bao bì; mục tiêu tái chế quốc gia và điều kiện kinh tế-xã hội từng thời kỳ.

Điểm đáng lưu ý, tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng loại sản phẩm, bao bì trong 3 năm đầu tiên được quy định trong Nghị định 05, và sẽ được điều chỉnh 3 năm một lần, tăng dần để thực hiện mục tiêu tái chế quốc gia và yêu cầu bảo vệ môi trường. Nghị định cũng quy định rõ đối tượng phải thực hiện trách nhiệm tái chế là "tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục.

Nghị định quy định trách nhiệm đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế. Trước ngày 31/03 hằng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký kế hoạch tái chế đối với các sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu của năm liền trước và báo cáo kết quả tái chế của năm trước theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định. Nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế.

Lợi ích của việc áp dụng logistics ngược trong tái chế bao bì đối với xuất khẩu xanh

Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế: Nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt là EU và Bắc Mỹ, yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.

Giảm chi phí sản xuất: Tái chế bao bì giúp giảm chi phí nguyên liệu, đặc biệt khi giá nguyên liệu thô tăng cao.

Tạo dựng hình ảnh “xanh” cho doanh nghiệp: Việc áp dụng logistics ngược thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và tạo dựng hình ảnh “xanh” trong mắt người tiêu dùng.

Bài học từ các quốc gia khác

Nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đã đưa ra các quy định trong nỗ lực cải thiện hoạt động logistics ngược nhằm giám sát và kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp đối với việc xử lý và tái chế sản phẩm.

Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra chỉ dẫn về chất thải từ thiết bị điện và điện tử (Weee), đi kèm với chỉ dẫn về các chất cấm trong thiết bị điện, điện tử (RoHS) được thông qua vào tháng 02/2003. Qua đó, thúc đẩy các doanh nghiệp tổ chức và quản lý hoạt động thu hồi để xử lý các sản phẩm bị trả về theo đúng quy cách[9].

Nhật Bản có mô hình "Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" (Extended Producer Responsibility - EPR), yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời sản phẩm, bao gồm cả giai đoạn sau khi sản phẩm đã được tiêu dùng. Hệ thống thu gom rác phân loại nghiêm ngặt của Nhật Bản cũng là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả của logistics ngược và tái chế bao bì[10].

Các quốc gia châu Âu như Đức, Phần Lan, Ireland cũng có những hệ thống tái chế bao bì hiệu quả. Hệ thống đặt cọc cho chai lọ đồ uống đã giúp các quốc gia này đạt tỷ lệ thu hồi và tái chế bao bì đồ uống lên đến hơn 90%[11]. Người tiêu dùng phải trả một khoản tiền đặt cọc khi mua đồ uống đóng chai, và sẽ được hoàn lại khoản tiền này khi trả lại chai rỗng.


[1] https://itslogisticsvn.blog/logistics-nguoc-logistics-thu-hoi/

[2] https://www.bsc.com.vn/tin-tuc/tin-chi-tiet/1188929-mo-loi-xuat-khau-xanh-de-doanh-nghiep-khong-bi-gat-ra-khoi-cuoc-choi-khac-nghiet

[3] https://provietnam.com.vn/tin-tuc/bao-bi-chiem-phan-lon-rac-thai-nhua-doanh-nghiep-gap-rut-day-manh-tai-che/

[4] https://thanhnien.vn/ty-le-tai-che-bao-bi-o-vn-va-cach-thuc-day-nen-kinh-te-tuan-hoan-1851487167.htm

[5] https://provietnam.com.vn/tin-tuc/bao-bi-chiem-phan-lon-rac-thai-nhua-doanh-nghiep-gap-rut-day-manh-tai-che/

[6] https://cantocan.com.vn/recyclingratevn/index_vi.html

[7] https://thanhnien.vn/ty-le-tai-che-bao-bi-o-vn-va-cach-thuc-day-nen-kinh-te-tuan-hoan-1851487167.htm

[8] https://itslogisticsvn.blog/logistics-nguoc-logistics-thu-hoi/

[9] https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/04/21/logistics-nguoc-trong-ban-le-mot-so-luu-y-va-dinh-huong-chien-luoc-toi-uu/

[10] https://cebid.vn/mo-hinh-epr-cua-nhat-ban-tro-thanh-hinh-mau-cho-chau-a/

[11] https://theleader.vn/bi-quyet-cho-ty-le-tai-che-tren-90-cua-cac-nuoc-chau-au-d13355.html

Phạm Hoàng Phúc

FILI - 09:00:00 21/04/2025