Mảng tự doanh và cho vay tích cực, VCI báo lãi quý 1 gấp rưỡi cùng kỳ
VN-Index vượt 1,300 trong quý 1/2025 đã tạo điều kiện thuận lợi để tự doanh VCI hiện thực hóa lợi nhuận của một số khoản đầu tư.
Kết quả kinh doanh quý 1/2025 của VCI ![]() Nguồn: VietstockFinance |
Theo báo cáo tài chính quý 1, CTCP Chứng khoán Vietcap (HOSE: VCI) có doanh thu hoạt động gần 851 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Đà tăng này được đóng góp chính nhờ mảng tự doanh và cho vay.
VCI giải trình rằng thị trường chứng khoán diễn biến tích cực trong quý 1, VN-Index có lúc đạt 1,342.91 điểm so với 1,266.78 điểm đầu năm, do đó, VCI đã hiện thực hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư nên lãi ròng bán các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) của hoạt động tự doanh ghi nhận 247 tỷ đồng, tăng 78 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ tăng mạnh với doanh thu đạt 257 tỷ đồng.
Mảng tư vấn cũng có kết quả tích cực với doanh thu đạt 21 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ.
Tuy vậy, mảng môi giới lại ghi nhận sụt giảm 18% về doanh thu, giảm còn gần 150 tỷ đồng. Đồng thời, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) giảm hơn 30% còn 54.36 tỷ đồng.
Về phần chi phí, Công ty ghi nhận chi phí hoạt động và chi phí quản lý giảm đáng kể. Trong đó, chi phí môi giới giảm 20% còn 132 tỷ đồng và chi phí tư vấn giảm 48% còn 9.5 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng giảm 25% còn gần 23 tỷ đồng.
Với biến động như trên, lãi sau thuế quý 1 của VCI đạt gần 295 tỷ đồng, gấp rưỡi so với cùng kỳ.
Tự doanh tăng tỷ trọng MBB, FPT
Soi danh mục tự doanh của VCI cuối quý 1, Công ty đã tăng quy mô tài sản FVTPL từ 850 tỷ đồng đầu năm lên hơn 1.2 ngàn tỷ đồng (theo giá mua). Trong đó, cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm trái phiếu chưa niêm yết (từ 630 tỷ đồng về còn 198 tỷ đồng) và tăng cổ phiếu (từ 201 tỷ đồng lên 872 tỷ đồng). Công ty không thuyết minh chi tiết về danh mục cổ phiếu FVTPL.
Danh mục tài sản FVTPL của VCI tại thời điểm 31/03/2025 Đvt: Tỷ đồng ![]() Nguồn: BCTC quý 1/2025 VCI |
Ở phần tài sản AFS, tổng quy mô danh mục giảm từ 8.4 ngàn tỷ đồng về còn 7.5 ngàn tỷ đồng. VCI đang nắm một số cổ phiếu nổi bật trong danh mục như KDH, IDP, MSN, MBB, STB, FPT, TDM. Đáng chú ý, Công ty đã mua mạnh MBB (tăng từ 12.4 tỷ đồng lên 279.5 tỷ đồng) và FPT (từ 519 tỷ đồng lên 825 tỷ đồng) trong quý 1, ngược lại, bán ra KDH.
Với khoản đầu tư vào MBB, VCI tạm ghi lãi 6%. Trong khi đó, khoản đầu tư vào FPT tạm lỗ gần 3%.
Danh mục tài sản AFS của VCI tại thời điểm 31/03/2025 Đvt: Tỷ đồng ![]() Nguồn: BCTC quý 1/2025 của VCI |
Giảm quy mô cho vay và vay nợ
Quy mô tài sản của Công ty có xu hướng thu hẹp trong quý 1. Tới 31/03/2025, tổng tài sản giảm gần 10% còn 23.7 ngàn tỷ đồng. Xu hướng này đến từ việc Công ty giảm số dư các khoản đi vay, đồng thời, giảm quy mô cho vay và tiền mặt.
Biến động tài sản trên cân đối kế toán của VCI | ||
Theo đó, dư nợ cho vay cuối quý 1 giảm từ 11.2 ngàn tỷ đồng còn gần 10.1 ngàn tỷ đồng (giảm 10%). Số dư tiền mặt giảm từ 4.7 ngàn tỷ đồng còn 2.3 ngàn tỷ đồng (giảm hơn 50%).
Ngược chiều, một khoản mục tài sản tăng mạnh trên bảng cân đối kế toán là trả trước cho người bán tăng từ gần 100 tỷ đồng đầu năm lên 944.6 tỷ đồng cuối quý 1.
Quy mô vay nợ của VCI giảm từ 12.5 ngàn tỷ đồng về còn 10.3 ngàn tỷ đồng (tương ứng giảm 18%).
Yến Chi