Mặt tối của các tổ chức quản lý tài sản gia đình (kỳ 2): Cách thức để được hưởng ưu đãi thuế
JD Rockefeller được cho là người đã khởi xướng mô hình văn phòng gia đình toàn diện đầu tiên vào năm 1882, nơi ông vừa điều hành doanh nghiệp vừa quản lý các khoản đầu tư phức tạp của gia đình tại một địa điểm duy nhất, mặc dù khi đó thuật ngữ "văn phòng gia đình" vẫn chưa được định hình rõ ràng.
Các gia đình quyền lực khác trong thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ (kéo dài từ cuối những năm 1870 đến cuối những năm 1890), như Carnegies và Vanderbilts, cũng đã áp dụng mô hình tương tự.
Kể từ đó, khái niệm này ngày càng trở nên phổ biến, phần lớn nhờ những sự kiện tạo ra khối tài sản lớn như các đợt IPO và thương vụ bán vốn cho các quỹ đầu tư tư nhân từ những năm 1990 trở đi, đặc biệt là trong cơn sốt công nghệ thời kỳ đầu.
Chức năng của “văn phòng gia đình” là gì?
Theo một cuộc khảo sát năm 2024 về các văn phòng gia đình tại Thụy Sĩ do Đại học St Gallen thực hiện, các chức năng cốt lõi của các công ty này bao gồm phân bổ tài sản, đầu tư, kế toán/báo cáo và quản lý rủi ro. Một nửa số văn phòng còn cung cấp dịch vụ phong cách sống, trợ lý và an ninh.
Người từng đứng đầu một văn phòng gia đình Thụy Sĩ tiết lộ với các nhà nghiên cứu của UBS rằng: “Các văn phòng gia đình thường được vận hành với bộ máy nhân sự rất tinh gọn”. Khoảng 1/5 số văn phòng được khảo sát chỉ có tối đa 3 nhân viên, trong khi 2/3 công ty có không quá 10 nhân viên. Tuy nhiên, vẫn có một số gia đình siêu giàu sở hữu những văn phòng có tới hàng trăm nhân viên.
Mức độ chuyên nghiệp giữa các văn phòng gia đình có thể rất khác nhau. Một vụ kiện tụng tại Anh năm 2024 đã phơi bày trường hợp đáng chú ý của một người Úc cư trú tại Monaco, người đã nhờ huấn luyện viên yoga của mình thành lập văn phòng gia đình tại London. Nick Warr, Giám đốc nhóm quản lý tài sản cá nhân quốc tế của công ty luật Taylor Wessing, chia sẻ: “Ở một đầu, với nhiều gia đình Trung Đông, văn phòng gia đình có thể chỉ là cựu luật sư gia đình chỉ sử dụng ba chiếc điện thoại di động; còn ở đầu kia, chúng ta thấy những văn phòng gia đình vận hành trơn tru với năng lực quản lý đầy đủ, cung cấp dịch vụ phong cách sống, cùng các bộ phận pháp lý và kế toán nội bộ”.
Ông Warr chỉ ra nếu 20 năm trước, để thành lập một văn phòng gia đình “đạt chuẩn” với đầy đủ các dịch vụ nội bộ, một cá nhân cần khoảng 200 triệu USD tài sản, thì hiện nay con số đó đã tăng lên gần 3-4 tỷ USD.
Sự khác biệt giữa việc sử dụng một ngân hàng tư nhân và sở hữu một văn phòng gia đình giống như “đồ may sẵn so với thời trang cao cấp”, ông Jean-Baptiste Wautier, cựu Giám đốc đầu tư tư nhân, hiện sở hữu một văn phòng gia đình tại London, cho biết. Ông mô tả văn phòng gia đình như “sự kết hợp của một quỹ đầu tưu nhỏ và đơn vị quản lý tài sản”. “Nếu bạn có khả năng tự trang trải cho văn phòng gia đình riêng, thì nó chắc chắn sẽ đáp ứng tốt hơn với nhu cầu đặc thù của bạn”.
Michael Viana - Giám đốc phụ trách khách hàng chiến lược cho quản lý tài sản toàn cầu tại UBS, cho biết: “Mỗi văn phòng gia đình đều là tấm gương phản chiếu về gia đình hoặc doanh nghiệp mà họ phục vụ và nhu cầu đặc biệt của những gia đình này”.
Bắc Mỹ dẫn đầu về số lượng văn phòng gia đình ![]() |
Cách vận hành của các “văn phòng gia đình” tại một số khu vực để hưởng ưu đãi thuế
Khi các trung tâm tài chính toàn cầu cạnh tranh để thu hút giới siêu giàu, các văn phòng gia đình đang được sử dụng như một mồi nhử. Tại Singapore, chỉ cần các văn phòng có tài khoản tại một ngân hàng được quản lý và đáp ứng các tiêu chí về quyền sở hữu, cấu trúc và người thụ hưởng, các văn phòng gia đình đơn lẻ có thể quản lý tiền mà không cần phải đăng ký như một nhà quản lý quỹ. Nếu hoạt động với tư cách là nhà quản lý quỹ, họ sẽ chịu quy định nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Đặc biệt, nếu văn phòng đáp ứng thêm một số yêu cầu bổ sung, chẳng hạn như đạt quy mô nhất định và có nhân viên sở hữu chứng chỉ chuyên môn liên quan, họ còn được hưởng nhiều ưu đãi thuế hấp dẫn.
Hồng Kông (Trung Quốc) cũng cung cấp những ưu đãi thuế đáng kể. Các văn phòng gia đình đơn lẻ quản lý trên 240 triệu HKD (khoảng 31 triệu USD) và đáp ứng các tiêu chí khác sẽ không phải nộp thuế trên lợi nhuận của họ. Giáo sư Winnie Peng, Giám đốc Trung tâm Roger King về Doanh nghiệp Gia đình và Văn phòng Gia đình châu Á tại HKUST, cho biết rằng tại Hồng Kông, nơi ước tính có khoảng 2,700 văn phòng gia đình vào năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút thêm 200 văn phòng mới vào cuối năm nay. Nếu không, con số này có thể còn khiêm tốn hơn, bà nói. “Đây chỉ là con số được ước tính khá cẩn trọng. Vì tôi tin rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được”.
Ở Mỹ, về nguyên tắc, các văn phòng gia đình được quản lý theo Đạo luật Cố vấn Đầu tư, đòi hỏi phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC). Tuy nhiên, theo quy định gọi là “quy tắc văn phòng gia đình”, các văn phòng chỉ phục vụ “khách hàng gia đình” và thuộc sở hữu của gia đình đó được miễn trừ khỏi quy định này với lý do khách hàng gia đình được cho là "đã có trình độ tài chính thành thạo và không cần đến những biện pháp bảo vệ mà Đạo luật Cố vấn Đầu tư hướng tới", theo hướng dẫn của công ty luật Squire Patton Boggs.
Mỹ cũng có các ưu đãi thuế: Trong một số trường hợp nhất định, các văn phòng gia đình ở Mỹ có thể khấu trừ chi phí quản lý đầu tư, tiền thuê và lương nhân viên. “Khi chi phí của văn phòng gia đình đạt 1 triệu USD, tiềm năng tiết kiệm thuế có thể lên đến vài trăm ngàn USD”, trích từ báo cáo năm 2024 của UBS. Tình hình khấu trừ thuế tương tự cũng được áp dụng tại Vương quốc Anh, nơi theo ước tính năm 2016 có khoảng 1,000 văn phòng gia đình, mặc dù con số chính xác khá khó xác định do bản chất kín tiếng của các tổ chức này.
![]() Khi nền kinh tế Hồng Kông gặp khó khăn, Chính phủ đã đặt mục tiêu thu hút các văn phòng gia đình mới - Ảnh: Bloomberg |
Ngoài các ưu đãi thuế, có nhiều động lực khác khiến việc thành lập văn phòng gia đình trở nên hấp dẫn. Các gia đình mong muốn có “sự tự chủ” để thực hiện chiến lược riêng của mình, theo lời Giáo sư tài chính và doanh nhân Lauren Cohen của Trường Kinh doanh Harvard. Điều này có thể bao gồm việc đầu tư vào “tài sản tiên phong” như vốn đầu tư tư nhân, tín dụng tư nhân và tiền ảo, hoặc chuyển tiền cho các hoạt động từ thiện và đầu tư có tác động xã hội. Theo Báo cáo Toàn cầu về Văn phòng Gia đình của UBS năm 2024, các tài sản thay thế này chiếm tới 42% danh mục đầu tư, cao hơn rất nhiều so với đầu tư chính thống.
Đôi khi, những yếu tố phi vật chất cũng đóng vai trò quan trọng: “Áp lực xã hội càng lớn khi hầu hết bạn bè đều có văn phòng gia đình, và điều đó tạo ra một sức ép không nhỏ nếu bạn không sở hữu một văn phòng như vậy”, ông chia sẻ.
* Mặt tối của các tổ chức quản lý tài sản gia đình (kỳ 1): Dễ bị lạm dụng
Quốc An (Theo FT)