Mặt tối của các tổ chức quản lý tài sản gia đình (kỳ 3): Tiền quá nhiều và thiếu kiểm soát
Với môi trường quản lý lỏng lẻo, các văn phòng gia đình hầu như không gặp bất kỳ rào cản nào về việc ai có thể sử dụng danh xưng này hay thực hiện những hoạt động gì dưới cái mác đó.
Rutger Janse, một công dân Hà Lan đang chờ xét xử với cáo buộc gian lận 4 triệu Euro sau khi huy động tiền từ các nhà đầu tư mà không thực hiện cam kết đầu tư, đã xuất hiện tại ít nhất ba hội nghị về văn phòng gia đình với tư cách Chủ tịch kiêm CEO của Janse Capital Family Office – một công ty dường như chỉ tồn tại trên giấy tờ. (Janse cho biết với Financial Times rằng ông không thể bình luận do vụ việc vẫn đang được điều tra)
Mượn mác để che đậy mục đích
Trong vụ bê bối tại Singapore năm 2023, các văn phòng gia đình đã đóng vai trò như một lớp vỏ bọc tinh vi, tạo vẻ uy tín cho dòng tiền bẩn được rửa, vốn xuất phát từ các hoạt động cá cược trực tuyến bất hợp pháp. Các đối tượng tội phạm đã sử dụng giấy tờ giả mạo để thuyết phục các ngân hàng rằng số tiền này có nguồn gốc hợp pháp, từ đó cho phép nó luân chuyển vào Singapore và được quản lý thông qua các văn phòng gia đình.
Hầu hết văn phòng gia đình đều được thành lập trong vài thập kỷ qua, đặc biệt là ở châu Á ![]() |
Sự mập mờ của thuật ngữ “văn phòng gia đình” dễ dẫn đến những hiểu lầm, bà Sara Hamilton, nhà sáng lập Family Office Exchange tại Mỹ, cảnh báo. Bà lo ngại sẽ có “những cá nhân mạo danh là văn phòng gia đình trong khi thực tế họ chỉ đang bán một loại sản phẩm đầu tư nào đó”.
Giáo sư Cohen của Trường Kinh doanh Harvard chỉ ra việc thiếu một định nghĩa chính thức đã trở thành vấn đề ở cả Singapore lẫn Hồng Kông (Trung Quốc): “Bất cứ ai cũng có thể tự xưng, ‘Tôi là Văn phòng Gia đình của Giáo sư Cohen và chúng tôi quản lý tài sản này’. Tôi sẽ giả vờ như vậy, mặc dù thực ra tôi chỉ là nhà cung cấp dịch vụ, sau đó tìm cách nhận các ưu đãi và được kết nối vào cộng đồng”. Ông cho rằng điều này đã dẫn đến sự xuống cấp đáng báo động của các tiêu chuẩn trong ngành.
Ông Lee của IQ-EQ chia sẻ về trường hợp ở Singapore: “Nếu bạn không cần hưởng ưu đãi thuế, chỉ cần hoạt động bình thường và thuyết phục các ngân hàng mở tài khoản cho bạn là đủ để bạn tự xưng là văn phòng gia đình”. Giáo sư Peng của HKUST cho biết tình hình tương tự ở Hồng Kông: Chỉ những ai muốn được hưởng ưu đãi thuế mới cần tuân thủ định nghĩa nghiêm ngặt của “văn phòng gia đình”, còn nếu không, bất cứ ai cũng có thể tự xưng danh hiệu này.
Trong khi có người cho rằng thuật ngữ này đôi khi bị lạm dụng, ông Wautier lại đưa ra quan điểm khác: “Tôi không cho rằng nó đang bị lạm dụng – vấn đề nằm ở chỗ nó chưa được định nghĩa đúng ngay từ đầu.”
Tuy nhiên, không phải ai cũng lo ngại về sự mơ hồ này. Một luật sư điều hành diễn đàn về văn phòng gia đình tại London cho biết: “Chúng ta cần nhận thức rằng đây không phải là một khái niệm đơn nhất, mà bao gồm nhiều hình thức khác nhau.”
Nguy cơ sụp đổ?
Mối lo ngại về sự thiếu minh bạch của các văn phòng gia đình và khối tiền khổng lồ chúng quản lý đã khiến nhiều nhà phê bình phải lên tiếng cảnh báo rằng sự phát triển không kiểm soát của chúng có thể trở thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với các nhà quản lý, Chính phủ và người dân.
Tại Mỹ, cuộc tranh luận càng trở nên sôi nổi hơn sau vụ sụp đổ của Archegos. Được thành lập bởi cựu nhà giao dịch phố Wall Bill Hwang với mục đích ban đầu là quản lý tài sản cá nhân, Archegos đã nhanh chóng biến tướng thành một quỹ phòng hộ rủi ro cao, từng quản lý hơn 36 tỷ USD tại đỉnh điểm.
Khi đế chế tài chính này sụp đổ vào năm 2021, khoản nợ của Archegos với các chủ nợ đã vượt quá 10 tỷ USD và gây ra tổn thất 5.5 tỷ USD cho Credit Suisse – một yếu tố đáng kể góp phần vào sự sụp đổ của ngân hàng Thụy sĩ danh tiếng này hai năm sau đó. Hwang bị kết tội gian lận và thao túng thị trường tại Mỹ, bị kết án 18 năm tù. Điều đáng chú ý là nhờ được phân loại là văn phòng gia đình, Archegos đã khéo léo lách qua những yêu cầu công khai nghiêm ngặt, khiến vụ gian lận tinh vi này chỉ bị phát hiện khi mọi chuyện đã quá muộn màng.
“Nhiều văn phòng gia đình hiện nay đã phát triển đến mức có mối liên hệ sâu rộng với hệ thống tài chính”, nữ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez cho biết sau vụ bê bối. “Hoạt động của chúng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính của chúng ta”. Trong nỗ lực ngăn chặn những rủi ro tương tự, bà đã đề xuất một dự luật tại Hạ viện yêu cầu các văn phòng gia đình quản lý trên 750 triệu USD phải đăng ký là nhà tư vấn đầu tư với SEC và báo cáo các khoản đầu tư của mình. Tuy nhiên, dự luật này đã không được thông qua.
Quỹ Giáo dục Cải cách Tài chính Mỹ, một liên minh phi lợi nhuận, đã chỉ trích các đặc quyền miễn trừ quy định mà các văn phòng gia đình được hưởng tại Mỹ. Năm ngoái, tổ chức này đã gửi thư cho giám đốc Mạng lưới Phòng chống Tội phạm Tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, đề xuất rằng định nghĩa "tổ chức tài chính" của FinCEN nên được mở rộng để bao gồm cả các văn phòng gia đình, với lý do "nguồn vốn" của một số văn phòng này đang tồn tại nhiều vấn đề đáng ngờ.
Họ nhắc đến trường hợp của ông trùm người Nga Viktor Vekselberg, khi văn phòng gia đình của ông là chủ sở hữu chính của một công ty đầu tư tư nhân tại Mỹ và sau đó bị áp dụng lệnh trừng phạt do mối liên hệ bị nghi ngờ với Kremlin. (Ông Vekselberg đã nhiều lần khẳng định rằng mình không liên quan đến các hoạt động chính trị của Kremlin)
Các chuyên gia khác lại cảnh giác trước khối lượng tiền khổng lồ nằm tay trong các văn phòng gia đình, một nguy cơ được thể hiện rõ qua vụ sụp đổ ngoạn mục của Archegos. “Lý do các văn phòng gia đình mang lại rủi ro cao là do số tiền liên quan quá lớn”, ông Yishan Lee giải thích. “Chúng có nguồn lực dồi dào để rửa tiền, khiến việc phát hiện trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, khi tình hình bùng nổ, hậu quả có thể trở nên cực kỳ nghiêm trọng”.
![]() Vào tháng 04/2023, Tây Ban Nha đã tịch thu chiếc siêu du thuyền liên quan đến ông trùm người Nga Viktor Vekselberg, khi văn phòng gia đình của ông là chủ sở hữu chính của một công ty đầu tư tư nhân tại Mỹ và sau đó bị áp dụng lệnh trừng phạt do bị nghi ngờ có mối liên hệ với Kremlin. - Ảnh: Bloomberg |
Các quy định siết chặt
Sau bê bối tại Singapore, Cơ quan Tiền tệ Singapore đã siết chặt định nghĩa về “văn phòng gia đình”, yêu cầu các văn phòng này phải có tài khoản tại ngân hàng được quản lý. Đồng thời, họ cũng áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về việc xác định thành viên gia đình, yêu cầu phải có tổ tiên chung trong vòng 5 thế hệ kể từ thành viên trẻ nhất. Năm ngoái, các nhà chức trách Ấn Độ cũng thông báo sẽ siết chặt quản lý các văn phòng gia đình nhằm ngăn chặn trốn thuế và dòng vốn đổ ra nước ngoài. Một số ý kiến cho rằng Mỹ và các khu vực pháp lý khác cũng nên áp dụng biện pháp tương tự.
Mặc dù dự luật của Ocasio-Cortez năm 2021 không được thông qua, ông Collins từ Chương trình về Bất Bình Đẳng và Phúc Lợi Chung cho rằng các văn phòng gia đình “nên tuân theo các yêu cầu công bố tương tự như các quỹ phòng hộ”. Đối với những văn phòng có quy mô nhất định, họ cần cung cấp cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch “các thông tin về đòn bẩy tài chính, các khoản đầu tư và vị thế rủi ro”.
Ông đặt câu hỏi: “Họ quản lý số tiền khổng lồ như thế nào và liệu họ có chiếm lĩnh các lĩnh vực kinh tế then chốt không?” và “mối quan hệ giữa họ với các tập đoàn đại chúng và công ty tư nhân thực sự diễn ra như thế nào?”.
Tuy nhiên, dường như không có nhiều động lực thay đổi từ cả nội bộ lẫn bên ngoài ngành, và theo các nhà phê bình, xu hướng này có thể sẽ càng suy giảm trong bối cảnh chính quyền Trump đang nắm quyền. Những nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn đó và ngày càng trở nên đáng báo động. Ông Collins cho biết: “Ba năm nữa, chúng ta có thể sẽ tự hỏi ‘các văn phòng gia đình thực sự là gì và làm sao chúng có thể kiểm soát một phần lớn như vậy của nền kinh tế? Tại sao lại không ai theo dõi chúng?’”.
Quốc An (Theo FT)