MCH kỳ vọng doanh thu tăng 8-15%, tạm ứng cổ tức tối đa 60%, tiếp tục nỗ lực lên sàn HOSE
CTCP Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào sáng 25/04 tại TPHCM, dự kiến thông qua nhiều nội dung đáng chú ý, như kế hoạch doanh thu thuần 33,500-35,500 tỷ đồng và lãi sau thuế 7,300-7,800 tỷ đồng, tạm ứng cổ tức năm 2025 theo tỷ lệ tối đa 60% (6,000 đồng/cp).
Mục tiêu tăng trưởng doanh thu 8-15%
Đại hội dự kiến xem xét thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2025, gồm doanh thu thuần 33,500-35,500 tỷ đồng, tăng 8-15% so với thực hiện 2024.
Theo đó, MCH sẽ nỗ lực thực hiện các chiến lược tăng trưởng chủ chốt và phát triển chuỗi cung ứng kỹ thuật số “Retail Supreme”. Sáng kiến này nhằm số hóa các hoạt động kênh truyền thống, lập kế hoạch cung ứng và nhu cầu, sản xuất và phân phối, cải thiện lập kế hoạch chuỗi cung ứng, năng suất nhân viên bán hàng và hiệu quả hoạt động marketing.
Công ty sẽ tiếp tục cao cấp hóa ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi, thông qua củng cố vị thế dẫn đầu thị trường trong phân khúc cao cấp bằng cách mở rộng thị trường mì ăn liền vào các bữa ăn sẵn như lẩu tự sôi, cơm tự chín và lẩu cầm tay. Những cải tiến này trong ngành thực phẩm tiện lợi nhằm nắm bắt xu hướng tiêu thụ bên ngoài gia đình.
Công ty dự kiến ra mắt các sản phẩm trong ngành hàng đồ uống & sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, thông qua việc mở rộng danh mục sản phẩm Wake-up 247 và giành thị phần trong phân khúc trà đóng chai với các sản phẩm cải tiến BupNon Tea365; tối ưu hóa danh mục để tập trung vào các cải tiến nhãn hiệu Chanté và Net, đồng thời gia nhập thị trường sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Chiến lược “Go Global” cũng sẽ tiếp tục được thực hiện, mục tiêu tăng trưởng cao nhờ tập trung vào các thị trường chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU với các sản phẩm gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê hòa tan.
Chia sẻ về tầm nhìn của MCH trong năm 2025, đại diện HĐQT - Chủ tịch Danny Le cho biết: “Chúng tôi muốn trở thành Công ty hàng tiêu dùng dẫn đầu Việt Nam xét về doanh thu, lợi nhuận, vốn hóa và sự nhận biết thương hiệu; Đáp ứng nhu cầu hàng ngày của 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam; Đưa ẩm thực Việt Nam ra bình diện toàn cầu; Điểm thu hút các nhân tài hàng đầu, được công nhận là môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam và là biểu tượng của chất lượng và niềm tự hào của người Việt”.
![]() Ông Danny Le - Chủ tịch HĐQT MCH |
Dù đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu nhưng MCH chỉ kỳ vọng lãi sau thuế khoảng 7,300-7,800 tỷ đồng, giảm so với thực hiện năm 2024 là gần 7,921 tỷ đồng.
Lý giải cho vấn đề này, ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc chiến lược và phát triển Tập đoàn Masan từng phát biểu tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 07/02/2025 rằng tăng trưởng biên lợi nhuận và doanh thu sẽ chậm bởi MCH đang triển khai một số đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2024-2025 để tận dụng sự phục hồi của người tiêu dùng, dẫn đến phát sinh một số khoản đầu tư và tác động đến biên lãi gộp của sản phẩm đó.
Tuy nhiên, vị Giám đốc nhấn mạnh Công ty sẽ tiếp tục tìm cách tối ưu hóa chi phí hoạt động. Về việc quay lại tăng trưởng 2 chữ số, MCH sẽ cố gắng đạt được càng sớm càng tốt, có thể là vào quý 1/2025.
Một điểm tích cực là biên lãi gộp các năm gần đây của MCH duy trì mức cao quanh 46%. Theo ông Huỳnh Việt Thăng - Giám đốc Tài chính MCH, Công ty sẽ duy trì biên lãi gộp khoảng 46% trong năm 2025 và những năm kế tiếp.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của MCH ![]() Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của MCH |
Tạm ứng cổ tức lên đến 60%, phát hành ESOP tối đa 0.5% cổ phiếu lưu hành
Tại đại hội, tờ trình chia cổ tức năm 2024 cũng dự kiến được trình, với tổng số tiền hơn 6,884 tỷ đồng (đã chi trả trong năm 2024), tương ứng tỷ lệ 95% (9,500 đồng/cp) vào thời điểm chi trả.
Đồng thời, đại hội sẽ xem xét việc tạm ứng cổ tức năm 2025 từ nguồn lợi nhuận giữ lại, tỷ lệ tối đa 60% (6,000 đồng/cp). Nếu thông qua, đại hội sẽ ủy quyền cho HĐQT, tùy thuộc vào kết quả, kế hoạch kinh doanh và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền, được toàn quyền quyết định tất cả vấn đề liên quan đến việc tạm ứng cổ tức, bao gồm có hoặc không thực hiện, mức tạm ứng cổ tức, số đợt chi trả, thời gian, phương thức chi trả và các vấn đề khác liên quan.
Công ty vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách không chi thù lao cho các thành viên HĐQT trong năm 2025, trong khi ngân sách cho chi phí hoạt động của HĐQT, bao gồm các ủy ban trực thuộc (nếu có) không quá 2 tỷ đồng.
Các nhân sự chủ chốt của MCH có thể hưởng lợi thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), dự kiến số lượng tối đa 0.5% tổng số cổ phần đang lưu hành của Công ty, giá 10,000 đồng/cp. Nếu xét theo lượng cổ phiếu lưu hành hơn 724.6 triệu cp hiện tại, MCH có thể phát hành tối đa khoảng 3.6 triệu cp ESOP.
Đợt phát hành dự kiến diễn ra trong năm 2025 hoặc 4 tháng đầu năm 2026, số tiền thu về được sử dụng để tăng vốn điều lệ, phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh thông qua việc bổ sung vốn lưu động của Công ty.
Nhìn chung, các nội dung trong phương án này tương tự phương án ESOP được nêu trong tài liệu ĐHĐCĐ của Tập đoàn Masan - Công ty mẹ cấp cao nhất của MCH.
Tiếp tục kế hoạch lên sàn HOSE
Trong bản báo cáo của HĐQT, nhìn lại năm 2024, có 2 nội dung nghị quyết đã được thông qua tại ĐHĐCĐ 2024 nhưng chưa thực hiện. Đầu tiên là kế hoạch niêm yết các trái phiếu phát hành ra công chúng, nguyên nhân do Công ty không phát hành trái phiếu ra công chúng trong năm 2024. Hai là phê duyệt việc Công ty TNHH The Sherpa (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) mua thêm tối đa 5% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của MCH mà không phải thực hiện chào mua công khai, nguyên nhân do The Sherpa không mua thêm cổ phiếu của Công ty trong năm 2024.
Ngoài ra, phần nội dung Nghị quyết về việc niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã được triển khai thực hiện trong năm 2024 và đang được Công ty tiếp tục thực hiện trong năm 2025.
Huy Khải