Một công ty bảo hiểm bị phát hiện tự ý trừ tiền bồi thường tai nạn xe, trích lập “dự phòng mù”

date
23/04/2025 17:58

Một công ty bảo hiểm bị phát hiện tự ý trừ tiền bồi thường tai nạn xe, trích lập “dự phòng mù”

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) ngày 11/04 công bố kết luận thanh tra hoạt động năm 2023 tại Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp, cho thấy hàng loạt tồn tại trong việc triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, nghiệp vụ bồi thường và công tác trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.

Bảo hiểm xe cơ giới: 17 giấy chứng nhận “sai sót cơ bản”, trừ 30% tiền bồi thường không có lý do

Trong quá trình thanh tra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phát hiện 17 giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới do Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp phát hành thiếu thông tin quan trọng, vi phạm quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP. Cụ thể, các giấy chứng nhận này không có thông tin biển số xe - dữ liệu bắt buộc để xác định đối tượng được bảo hiểm.

Không dừng lại ở đó, việc bồi thường bảo hiểm xe cơ giới của doanh nghiệp cũng bị “bóc lỗi” nghiêm trọng.

Cụ thể, một khách hàng có thiệt hại gần 40 triệu đồng do va chạm xe đã bị công ty trừ 50% tiền bồi thường với lý do không có biên bản của công an giao thông, mà không căn cứ vào quy định hiện hành. Khoản trừ lên tới gần 20 triệu đồng.

Một hồ sơ khác bị trừ 15% giá trị thiệt hại (27 triệu đồng) vì “khấu hao tài sản”, mặc dù đây là hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc – loại hình không được áp dụng khấu hao theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, có 2 hồ sơ thiệt hại tài sản nhưng công ty lại trừ thẳng 30% tiền bồi thường mà không có lý do, tổng tiền đã giảm trừ bồi thường hơn 45 triệu đồng.

Tổng cộng, có ít nhất 6 hồ sơ bồi thường bị áp mức giảm trừ từ 15% đến 30% không đúng quy định, khiến người được bảo hiểm thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: “Lửa thật – số liệu ảo”

Một trong những sai phạm nghiêm trọng được chỉ ra trong kết luận thanh tra là hoạt động kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp.

Theo đó, trong BCTC kiểm toán năm 2023, Công ty ghi nhận không phát sinh bồi thường đối với cháy, nổ bắt buộc. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy có tới 172 hồ sơ bồi thường liên quan đến cháy, nổ trong năm 2023 với tổng số tiền bồi thường thực tế lên tới 164.8 tỷ đồng; trong đó cháy, nổ bắt buộc là 130.4 tỷ đồng và cháy, nổ tự nguyện là 34.4 tỷ đồng.

Vì vậy thanh tra kết luận thông tin trên báo cáo doanh thu, bồi thường bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc năm 2023 của Công ty không đúng quy định tại Khoản 2 Điều 75 Nghị định số 67/2023.

Trong quá trình kiểm tra hồ sơ bồi thường cháy, nổ bắt buộc, thanh tra còn phát hiện 5 hồ sơ không kèm tài liệu theo quy định như: Không có bản sao biên bản kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy của cơ quan Cảnh sát PCCC tại thời điểm gần nhất trước khi xảy ra sự cố; thiếu biên bản giám định của công ty bảo hiểm hoặc người được công ty bảo hiểm ủy quyền và thiếu bảng kê thiệt hại, hóa đơn chứng minh tổn thất.

Việc thiếu các tài liệu này có thể tiềm ẩn rủi ro chi trả sai đối tượng, sai mức độ thiệt hại – gây thiệt hại kép cho doanh nghiệp và nguy cơ gian lận bảo hiểm.

Trích lập “dự phòng mù”: Nơi thừa, chỗ thiếu

Năm 2023, Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế gần 218 tỷ đồng, tăng hơn 49 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 29%) so với mức 169 tỷ đồng của năm 2022. Doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm đạt gần 461 tỷ đồng, cho thấy sự tăng trưởng của mảng kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, con số lợi nhuận này không chính xác do có sai lệch trong hạch toán kế toán.

Cụ thể, Công ty đã ghi nhận vào năm 2023 doanh thu của 85 giấy chứng nhận bảo hiểm có thời hạn bảo hiểm và thời hạn thanh toán phí bảo hiểm trong năm 2024. Trái lại 41 hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trong năm 2023 (có hiệu lực bắt đầu từ năm 2023) thì công ty lại hạch toán, ghi nhận vào doanh thu năm 2024 với tổng phí bảo hiểm là gần 5.5 tỷ đồng. Việc này vi phạm quy định về nguyên tắc ghi nhận doanh thu đúng kỳ kế toán trong ngành bảo hiểm.

Không chỉ sai lệch về doanh thu, công tác trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tại Bảo hiểm Liên Hiệp cũng lộ ra nhiều bất cập khi có tới 85 hợp đồng bảo hiểm đã chấm dứt hiệu lực, nhưng công ty vẫn trích lập dự phòng phí chưa được hưởng – gây tăng chi phí không cần thiết với tổng số tiền hơn 347 triệu đồng.

Ngược lại, một số hợp đồng có trách nhiệm bảo hiểm rõ ràng vẫn không được trích lập đủ dự phòng bồi thường với hơn 5.3 tỷ đồng. Ngoài ra, có các khoản trích lập được gọi là “dự phòng mù” – tức trích lập theo ước lượng nội bộ, không dựa trên bất kỳ căn cứ hồ sơ hay cơ sở định lượng cụ thể nào.

Cộng dồn các khoản sai lệch, bao gồm doanh thu ghi nhận sớm, trích lập sai thời điểm, thiếu hoặc thừa dự phòng, thanh tra yêu cầu công ty phải giảm chi phí đã trích dư phòng hơn 17.9 tỷ đồng, tăng chi phí đã trích thiếu hơn 5.3 tỷ đồng và điều chỉnh doanh thu sai kỳ hơn 5.3 tỷ đồng.

Tổng cộng, báo cáo tài chính năm 2023 của công ty có thể phải điều chỉnh lại hơn 17 tỷ đồng – một con số không nhỏ, có thể làm biến động đáng kể tỷ suất lợi nhuận thực tế.

Bảo hiểm Liên hiệp (UIC) được thành lập vào năm 1997. Đây là doanh nghiệp chuyên về mảng phi nhân thọ, được góp vốn bởi Bảo hiểm Sompo Japan (Nhật Bản), Bảo hiểm Bảo Minh (Việt Nam) và Bảo hiểm KB (Hàn Quốc).

Nguồn: Bảo hiểm Liên Hiệp

 Năm 2024, Bảo hiểm Liên Hiệp đạt gần 193 tỷ đồng lợi nhuận gộp bảo hiểm và hơn 75 tỷ đồng lợi nhuận hoạt động tài chính, lần lượt giảm 17% và 19% so với năm trước dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm 30% xuống còn 218 tỷ đồng.

Trong đó, lợi nhuận mảng kinh doanh bảo hiểm giảm chủ yếu do doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm nhẹ còn gần 951 tỷ đồng trong khi chi phí bồi thường bảo hiểm nhích tăng lên hơn 107 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2024, Bảo hiểm Liên hiệp có tổng tài sản hơn 2,957 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Vốn góp của chủ sở hữu tăng thêm 200 tỷ đồng, từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Khang Di

FILI - 16:56:31 23/04/2025