Mỹ áp thuế tới 3,521% với pin mặt trời nhập khẩu từ Đông Nam Á
Mỹ ấn định mức thuế 3,521% với pin nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á. Quyết định này là một chiến thắng cho các nhà sản xuất nội địa, nhưng lại đặt thêm gánh nặng lên ngành công nghiệp năng lượng tái tạo đang gặp nhiều thách thức trong nước.
Các mức thuế được công bố vào ngày 21/04 là kết quả của cuộc điều tra thương mại kéo dài một năm. Kết quả điều tra chỉ ra rằng các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Campuchia, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan đang được hưởng lợi không công bằng từ trợ cấp Chính phủ và bán hàng xuất khẩu sang Mỹ với giá thấp hơn giá thành sản xuất. Đáng chú ý, cuộc điều tra này được khởi xướng dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden theo yêu cầu của các nhà sản xuất trong nước.
"Đây là một chiến thắng quyết định cho ngành sản xuất Mỹ", Tim Brightbill, đồng Chủ tịch bộ phận thực hành thương mại quốc tế của Wiley và Cố vấn trưởng cho liên minh các công ty năng lượng mặt trời theo đuổi vụ kiện, phát biểu. Ông nhấn mạnh: "Các phát hiện xác nhận điều mà chúng tôi đã biết từ lâu: Các công ty năng lượng mặt trời có trụ sở tại Trung Quốc đã gian lận hệ thống, cạnh tranh không lành mạnh với các công ty Mỹ và khiến người lao động Mỹ mất sinh kế".
Trong khi các mức thuế này mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất trong nước như Hanwha Q Cells và First Solar Inc., chúng cũng sẽ gây khó khăn đáng kể cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo Mỹ vốn đã quen với nguồn cung nước ngoài giá rẻ. Điều này càng làm tăng thêm sự bất ổn cho một lĩnh vực đang phải đối mặt với nhiều biến động từ những thay đổi chính trị và chính sách tại Washington.
Đáng chú ý, các mức thuế này sẽ được áp dụng bổ sung vào loạt thuế quan mới do Tổng thống Donald Trump áp đặt, vốn đã gây xáo trộn chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu. Theo giải thích của Bộ Thương mại, các khoản thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng được thiết kế nhằm bù đắp giá trị của các khoản trợ cấp và định giá không công bằng.
Pin mặt trời của Campuchia phải đối mặt với mức thuế cao tới 3,521%, phản ánh quyết định của quốc gia này khi họ ngừng tham gia vào cuộc điều tra. Các công ty không được nêu tên tại Việt Nam sẽ chịu mức thuế lên đến 395.9%, trong khi con số này tại Thái Lan là 375.2%. Malaysia bị áp ở mức 34.4%.
Nhìn vào từng công ty cụ thể, Jinko Solar bị áp thuế khoảng 245% cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam và 40% cho hàng xuất khẩu từ Malaysia. Trina Solar tại Thái Lan phải đối mặt với mức thuế 375% và hơn 200% từ Việt Nam. Trong khi đó, các module của JA Solar từ Việt Nam có thể bị đánh giá ở mức thuế khoảng 120%.
Theo số liệu từ BloombergNEF, trong năm 2024, Mỹ nhập khẩu 12.9 tỷ USD thiết bị năng lượng mặt trời từ 4 quốc gia nói trên. Con số này chiếm khoảng 77% tổng lượng thiết bị năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ.
Các mức thuế này vẫn còn phụ thuộc vào quyết định của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, dự kiến sẽ có kết luận trong khoảng một tháng tới về việc liệu các nhà sản xuất trong nước có đang bị tổn hại hoặc bị đe dọa bởi hàng nhập khẩu hay không.
Nhìn lại lịch sử, cách đây khoảng 12 năm, khi Mỹ áp dụng các mức thuế tương tự đối với hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời từ Trung Quốc, các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng bằng cách thiết lập hoạt động tại các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)