Mỹ tung báo cáo gần 400 trang về rào cản thương mại trước thềm thuế đối ứng của Trump

date
01/04/2025 16:03

Mỹ tung báo cáo gần 400 trang về rào cản thương mại trước thềm thuế đối ứng của Trump

Chỉ hai ngày trước khi đề xuất áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại toàn cầu, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách liệt kê chi tiết các chính sách và quy định nước ngoài mà họ xem là rào cản thương mại.

Trong báo cáo này, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) liệt kê mức thuế quan trung bình các đối tác áp dụng, cùng vô số rào cản phi thuế quan - từ quy định an toàn thực phẩm phức tạp, yêu cầu năng lượng tái tạo đến các quy tắc mua sắm công khắt khe.

Biện pháp thuế đối ứng của Trump, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 02/04 (giờ Mỹ), nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng khi đáp trả ngang bằng với mức thuế cao của các quốc gia khác đối với hàng hóa cụ thể, đồng thời bù đắp các rào cản phi thuế quan đang khiến hàng xuất khẩu Mỹ chịu bất lợi trên thương trường quốc tế.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trump tuyên bố áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu vào Mỹ - một nỗ lực nhằm hồi sinh ngành sản xuất trong nước.

"Trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, chưa có vị Tổng thống nào nhận thức sâu sắc như Tổng thống Trump về những rào cản thương mại từ nước ngoài đang gây tổn hại nặng nề cho các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ", Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer khẳng định trong một tuyên bố.

"Dưới sự lãnh đạo của ông, chính quyền đang nỗ lực không mệt mỏi để giải quyết các thông lệ không công bằng và thiếu tính đối ứng, giúp khôi phục sự công bằng và đặt doanh nghiệp cùng người lao động Mỹ chăm chỉ lên vị trí hàng đầu trong thị trường toàn cầu".

Dù vậy, vẫn chưa rõ liệu báo cáo đồ sộ 397 trang này sẽ tác động như thế nào đến kế hoạch thuế đối ứng mà Trump đang ấp ủ.

Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Nhà Trắng, đã nhiều lần bày tỏ bất bình về thuế giá trị gia tăng (VAT) của các nước EU - coi đó như một loại thuế bổ sung và trợ cấp xuất khẩu trá hình khi được hoàn lại cho ô tô xuất sang Mỹ.

Tuy nhiên, báo cáo USTR không xác định VAT là rào cản thương mại trong phần thảo luận về chính sách EU, mà lại tập trung vào thuế dịch vụ số và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của khối này.

Báo cáo chỉ đề cập tới VAT và việc thực thi chúng là gánh nặng đối với hàng nhập khẩu của Mỹ tại một số quốc gia khác như Argentina, Mexico và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đặc biệt, báo cáo còn chỉ ra cách Trung Quốc khéo léo sử dụng chính sách hoàn thuế VAT để thúc đẩy xuất khẩu một số sản phẩm nhất định - được xem như một dạng trợ cấp.

Nhiều rào cản thương mại được nêu trong báo cáo mang tính kỹ thuật hoặc bắt nguồn từ các quy định Chính phủ đang chặn đứng hàng xuất khẩu Mỹ. Điển hình như việc EU chậm chạp trong phê duyệt cây trồng biến đổi gen, hay các lệnh cấm nhập khẩu nông sản có dư lượng thuốc trừ sâu nhất định.

Báo cáo đã nêu bật quy định mới của EU về lượng tối thiểu thành phần tái chế sau tiêu dùng trong bao bì nhựa - coi đây có thể trở thành "rào cản không chính đáng đối với xuất khẩu của Mỹ". USTR cho biết Mỹ sẽ làm việc chặt chẽ với EU về việc triển khai quy tắc này.

Báo cáo cũng nhấn mạnh các nguồn tranh chấp thương mại lâu dài, chẳng hạn như hệ thống "quản lý cung ứng" của Canada đối với các ngành công nghiệp sữa, gia cầm và trứng, sử dụng hạn chế sản xuất theo hạn ngạch nhập khẩu và thuế cao, với thuế ngoài hạn ngạch đối với phô mai là 245% và bơ là 298%.

Trước đó, Trump lên tiếng phàn nàn về thuế sữa cao của Canada, nói rằng "họ sẽ bị đáp trả bằng chính xác mức thuế tương tự, trừ khi họ giảm xuống".

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FILI - 15:01:39 01/04/2025