Nên có bao nhiêu thẻ tín dụng?
Các ngân hàng hiện đang cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua thị phần thẻ tín dụng, tung ra hàng loạt ưu đãi hấp dẫn từ hoàn tiền, tích điểm đổi quà đến miễn phí thường niên, ưu đãi khi đi du lịch…Trước “bão” khuyến mãi này, nhiều người đứng giữa 2 luồng suy nghĩ: Sở hữu bao nhiêu thẻ để thực sự giúp tối ưu chi tiêu hay sẽ là con dao hai lưỡi dẫn đến bẫy nợ?
Mở nhiều thẻ tín dụng: Lợi bất cập hại?
Mỗi thẻ tín dụng sẽ có lợi ích riêng, đáp ứng cho từng mục đích chi tiêu khác nhau của chủ thẻ. Do đó, nếu biết cách kết hợp nhiều thẻ có thể giúp chủ thẻ tận dụng nhiều ưu đãi.
Chẳng hạn, một số thẻ cho phép hoàn tiền thích hợp với người có sở thích mua sắm online, thẻ khác lại miễn phí phòng chờ sân bay hoặc ưu đãi 0% phí giao dịch ngoại tệ với những khách hàng thích đi du lịch. Hay thẻ dù không có ưu đãi nhưng bù lại được miễn phí thường niên sẽ phù hợp với những khách hàng chỉ có nhu cầu sử dụng công cụ thanh toán tiện lợi.
Ngoài ra, nhiều thẻ tín dụng có thể giúp gia tăng hạn mức tín dụng cho chủ thẻ cũng như giúp dự phòng trong trường hợp thẻ khác bị hư hỏng, thất lạc hoặc hết hạn.
Tuy nhiên, bản chất thẻ tín dụng là “chi tiêu trước, trả tiền sau” để kích thích tiêu dùng. Vậy nên, việc mở nhiều thẻ đồng nghĩa với việc tiếp cận nhiều nguồn cho vay hơn, càng dễ tạo ra tâm lý chủ quan cho chủ thẻ trong việc chi tiêu. Đặc biệt là khi hiện nay nhiều ngân hàng tăng cường liên kết với các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng để đưa ra nhiều hình thức khuyến khích như mua trả góp bằng thẻ tín dụng. Nếu thiếu hiểu biết, không kiểm soát bản thân, chủ thẻ rất dễ sa vào “mê hồn trận” ưu đãi của thẻ tín dụng. Kết quả là “vung tay quá trán”, chi tiêu nhiều hơn khả năng trả nợ.
Khi không thanh toán hết nợ trong thời gian được miễn lãi, chủ thẻ sẽ phải chịu lãi suất thẻ tín dụng. Vì thẻ tín dụng là hình thức cho vay tín chấp (vay không có tài sản đảm bảo) nên lãi suất sẽ cao hơn cho vay thế chấp (vay có tài sản đảm bảo) để bù đắp rủi ro cho ngân hàng.
Cách tính lãi suất của thẻ tín dụng còn được ví như “kỳ quan thứ 8 của thế giới” – lãi kép, tức là lãi vay và phí phạt không thanh toán số tiền tối thiểu sẽ bị cộng dồn vào dư nợ và tính vào kỳ tính lãi tiếp theo, hậu quả là lãi chồng lãi, đẩy núi nợ ngày càng phình to. Đây cũng chính là khía cạnh nguy hiểm của thẻ tín dụng khiến chủ thẻ bế tắc trong việc trả nợ thẻ tín dụng.
Không những thế, khi không sử dụng hết thẻ tín dụng đã mở, khách hàng sẽ còn bị thu phí thường niên, phí không giao dịch, thậm chí khi đóng thẻ tín dụng cũng phải chịu phí.
Vậy nên mở bao nhiêu thẻ tín dụng là hợp lý?
Với thu nhập hơn 70 triệu đồng/tháng, chị T. Thảo (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết đang sở hữu tổng cộng 5 thẻ tín dụng.
“Tôi có 3 thẻ để mua sắm online do mỗi thẻ chỉ có 1 hạn mức cashback nên không đủ dùng. Thẻ thứ 4 để chi cho sức khỏe, bảo hiểm, học phí vì thẻ này có cashback cho các hạng mục này. Thẻ còn lại tôi sử dụng cho mục đích ăn uống, trong đó tôi ưu tiên chọn thẻ có nhiều ưu đãi giảm giá cho hóa đơn ăn uống từ đối tác nhà hàng của ngân hàng phát hành thẻ.
Nói chung nhu cầu sở hữu thẻ tín dụng của tôi chính là cashback”, chị Thảo nhấn mạnh.
Từ những chia sẻ của chị Thảo, có thể thấy được một điều, số lượng thẻ tín dụng hợp lý phụ thuộc vào mục tiêu tài chính và khả năng quản lý chi tiêu của mỗi người.
Một thẻ tín dụng sẽ phù hợp với người mới sử dụng thẻ tín dụng, người có thu nhập trung bình hoặc chưa có kinh nghiệm quản lý tài chính hay chỉ đơn giản là đang cần thẻ để xây dựng điểm tín dụng hoặc thanh toán khi cần thiết.
Sử dụng từ 2-3 thẻ tín dụng phù hợp với người có thu nhập ổn định, muốn tối ưu hóa lợi ích từ thẻ tín dụng hay người thường xuyên mua sắm, đi du lịch hoặc có nhiều giao dịch thanh toán.
Có 4 thẻ tín dụng trở lên thường là những người có thu nhập cao, chi tiêu nhiều và có kinh nghiệm quản lý tài chính. Họ cũng là những người thích săn ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách của từng loại thẻ.
Cách kết hợp hợp lý cho người có nhiều thẻ tín dụng sẽ là một thẻ tín dụng hoàn tiền hoặc tích điểm, dùng cho chi tiêu hằng ngày. Một thẻ tín dụng du lịch để hưởng ưu đãi khi đặt vé máy bay, khách sạn, đổi ngoại tệ. Thẻ còn lại có thời gian miễn lãi dài để hỗ trợ tài chính khi cần thiết.
Điều này giúp tận dụng tối đa các chương trình ưu đãi từ nhiều ngân hàng khác nhau. Hạn mức tín dụng tổng cao hơn, linh hoạt hơn khi chi tiêu lớn, giảm nguy cơ bị ảnh hưởng khi một ngân hàng gặp sự cố giao dịch.
Thế nên, quan trọng nhất không phải là số lượng thẻ mà là khả năng kiểm soát chi tiêu, thanh toán đúng hạn và tận dụng thẻ một cách thông minh. Nếu không quản lý tốt thì dù chỉ có một thẻ cũng có thể gây ra rủi ro tài chính.
Mẹo thanh toán dư nợ khi có nhiều thẻ tín dụng
Khi có dư nợ ở nhiều thẻ tín dụng, chủ thẻ phải nghiêm túc xây dựng kế hoạch thanh toán dư nợ hợp lý để tránh rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nên trả trước những khoản nợ với lãi suất cao nhất sẽ giúp tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Phương pháp này được gọi là chiến lược trả nợ Avalanche – Tuyết lở với việc trả thẻ có lãi suất tín dụng cao nhất trước, trong khi vẫn trả tối thiểu cho các thẻ còn lại. Tuy nhiên với phương pháp trả nợ này, chủ thẻ có thể gặp áp lực tài chính nếu số dư nợ lớn.
Vì thế, một số chuyên gia tài chính cho rằng, điều quan trọng là phải trả các khoản nợ theo cách giúp bạn có động lực cho đến khi xóa sạch chúng. Bởi vì trên thực tế, trả nợ là quá trình rất nhàm chán và khá “cực hình”. Nó giống như việc đi tập gym, mong muốn nhanh chóng có được thể hình đẹp nhất nhưng lại mất rất nhiều thời gian và công sức.
Do đó, việc kỷ luật trong trả nợ, xây dựng động lực để hoàn thành chuyện này rất khó. Nếu chủ thẻ cần tìm một chiến lược trả nợ có thể nhanh chóng nhìn thấy kết quả, phương pháp Snowball – quả cầu tuyết sẽ phù hợp với việc bỏ qua lãi suất mà ưu tiên thanh toán thẻ có dư nợ nhỏ nhất trước, trong khi vẫn trả tối thiểu cho các thẻ còn lại. Với phương pháp này, việc giảm bớt số lượng thẻ tín dụng có dư nợ sẽ tiếp thêm sức mạnh và động lực để trả hết các khoản nợ còn lại.
Một lưu ý quan trọng nữa đó là mỗi ngân hàng sẽ có ngày sao kê dư nợ thẻ tín dụng khác nhau, thường cách ngày đến hạn thanh toán khoảng 15 ngày. Hầu hết ngân hàng cho phép thay đổi ngày sao kê, nhưng có thể có giới hạn số lần thay đổi trong năm. Do đó, bạn có thể chọn ngày sao kê sao cho ngày đến hạn thanh toán trùng với thời điểm bạn có tiền (ví dụ ngày sau khi nhận lương).
Ngoài ra khi sở hữu nhiều thẻ tín dụng, chủ thẻ nên đồng bộ các thẻ tín dụng có cùng một ngày sao kê dư nợ để mọi thẻ có cùng ngày thanh toán trong tháng, tránh quên hoặc thiếu tiền.
Nếu không dùng cách trên, chủ thẻ cũng có thể cài đặt thanh toán tối thiểu hoặc toàn bộ dư nợ tự động qua app ngân hàng trên điện thoại để không bị trễ hạn thanh toán.
Khang Di