Nỗi sợ bao trùm thị trường tài chính toàn cầu sau cú sốc thuế quan từ Trump
Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, có vẻ như những lo ngại tồi tệ nhất của Phố Wall về kế hoạch thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã bị đánh giá sai - và một đợt phục hồi nhẹ đã lan tỏa qua các thị trường trong phiên ngày 02/04.
Nhưng ngay sau 16h ngày 02/04 (giờ Mỹ), khi Trump đứng tại Vườn Hồng Nhà Trắng, chỉ tay vào một tấm bảng lớn ghi rõ mức thuế mà ông áp đặt lên hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại của Mỹ, thực tế đã rõ ràng: Ông đang leo thang cuộc chiến thương mại của mình một cách đáng kể, đúng như những gì ông đã tuyên bố.
![]() Tổng thống Trump công bố thuế đối ứng ở Vườn Hồng Nhà Trắng vào ngày 02/04 (giờ Mỹ). |
Hợp đồng tương lai chứng khoán lao dốc, đồng USD giảm giá, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng và vàng lập kỷ lục mới khi nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản an toàn.
“Rõ ràng là Trump hành động quyết liệt hơn so với những gì mọi người dự đoán”, Brad Bechtel, Trưởng bộ phận ngoại hối tại Jefferies Financial Group Inc. tại New York, nhận định. “Đây là một vòng xoáy tiêu cực hơn cho phần còn lại của thế giới”.
Với mục tiêu tái định hình lại thương mại toàn cầu để thúc đẩy sản xuất trong nước, động thái của Trump đã làm rung chuyển các thị trường bằng cách đe dọa phá vỡ nền kinh tế thế giới, làm bùng phát lạm phát và kìm hãm tăng trưởng ở Mỹ.
Những lo ngại này đã bùng phát trên thị trường trong vài tuần qua, chấm dứt đột ngột đà phục hồi của cổ phiếu Mỹ và làm gia tăng rủi ro tín dụng doanh nghiệp do lo ngại về hậu quả từ thuế quan.
Đã có những đợt phục hồi chập chờn khi các nhà giao dịch đặt cược rằng Trump có thể không quá mạnh tay với thuế đối ứng. Và ngay sau khi cuộc họp báo của Trump bắt đầu, hợp đồng tương lai chứng khoán đã tăng nhẹ khi một báo cáo sai lệch ban đầu được lan truyền rằng ông sẽ giới hạn thuế quan ở mức 10% trên diện rộng – thấp hơn nhiều so với lo ngại.
Tuy nhiên, đợt phục hồi này nhanh chóng đảo chiều khi Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu 10% đối với tất cả các nhà xuất khẩu vào Mỹ và áp thêm các mức thuế cao hơn với khoảng 60 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ. Đến 21h30 tối giờ New York, hợp đồng tương lai S&P 500 giảm khoảng 3%, trong khi hợp đồng Nasdaq 100 giảm hơn 3.5%.
Phản ứng ngay lập tức cho thấy các nhà giao dịch dự đoán tác động đáng kể từ động thái này, khi mức thuế tăng mạnh đối với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
“Rõ ràng là còn nhiều rủi ro phía trước”, Marko Papic, Chiến lược gia trưởng tại BCA Research, nhận định và cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ có thể giảm thêm 10% nữa.
Các mức thuế này đã buộc các nhà đầu tư phải tính toán tác động kinh tế phức tạp, phụ thuộc một phần vào việc liệu các quốc gia khác có trả đũa hay không và mức độ mà các công ty Mỹ chuyển chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng.
Việc tăng chi phí nhập khẩu đã làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát cao, từ đó sẽ ngăn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất mạnh nếu nền kinh tế gặp khó khăn.
“Đây là tin tiêu cực đối với các tài sản rủi ro”, Priya Misra, nhà quản lý danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management, nhận định.
“Những gì ông ấy công bố nhìn chung có thể dẫn tới đình lạm”, bà nói thêm. “Và sự bất ổn vẫn chưa kết thúc”.
“Việc áp thuế quá cao đối với các đối tác thương mại sẽ duy trì sự bất ổn ở mức cao và biến động kéo dài trong một thời gian. Vẫn còn nhiều yếu tố cần được xác định, nhưng phản ứng ban đầu đối với thông báo thuế quan của Trump cho thấy triển vọng đình lạm cao hơn nhiều hơn”, Michael Ball, Chiến lược gia vĩ mô tại Bloomberg Economics, cho biết.
Sự hỗn loạn tiếp tục trong giờ giao dịch tại châu Á. Thị trường chứng khoán ở Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản lao dốc; đồng Yên Nhật tăng giá khi các nhà giao dịch tìm đến nơi trú ẩn an toàn quen thuộc; và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục giảm. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống dưới 4.1%.
Các hàng hóa nhạy cảm với tăng trưởng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Giá dầu WTI giảm 2.5%, tương tự như giá kim loại đồng – đang trên đà trải qua một trong những ngày tồi tệ nhất của năm nay.
Trump cho biết quyết định của ông là một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm đưa công việc sản xuất trở lại nước Mỹ, đồng thời khẳng định số tiền thu được sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ.
Tuy nhiên, những rủi ro từ sự điều chỉnh ngắn hạn đã kéo giảm cổ phiếu Mỹ, ngay cả khi thị trường chứng khoán ở khu vực Mỹ Latinh, châu Âu và châu Á phục hồi – kết thúc giai đoạn mà cổ phiếu Mỹ mang lại lợi nhuận vượt trội so với các thị trường khác.
Trước khi thông báo được đưa ra, nhiều công ty lớn ở Phố Wall đã dự đoán những khó khăn sẽ gia tăng sau khi thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận quý tồi tệ nhất kể từ năm 2022.
Goldman Sachs Group Inc., Bank of America Corp. và các tổ chức khác cảnh báo rằng các mức thuế – dù chưa biết rõ mức thuế ra sao – cũng sẽ làm trầm trọng thêm đợt bán tháo cổ phiếu. Ba trong số các chiến lược gia lạc quan nhất của Phố Wall cũng đã hạ dự báo cho chỉ số S&P 500 trong năm nay, dù họ vẫn kỳ vọng chỉ số này sẽ kết thúc năm 2025 cao hơn mức hiện tại.
Các cú sốc tiêu cực
Sau thông báo, cổ phiếu của các công ty thuộc những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã giảm mạnh trong phiên giao dịch muộn tại New York. Nike, Gap và Lululemon Athletica – vốn phụ thuộc vào hàng hóa và nhà máy tại Việt Nam – đều giảm ít nhất 7%. Apple, với chuỗi cung ứng phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, cũng giảm khoảng 7%. Các nhà sản xuất chip như Nvidia Corp. và Advanced Micro Devices, cùng với các tập đoàn đa quốc gia như Caterpillar và Boeing, đều chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc.
“Đây là một cú sốc tiêu cực cụ thể đối với nền kinh tế”, Ed Al-Hussainy, chiến lược gia về lãi suất tại Columbia Threadneedle, nhận định.
“Điều rõ ràng là chúng ta phải phản án đầy đủ cú sốc tiêu cực ngay từ đầu”, ông nói thêm. “Cuối cùng thì đây vẫn là một loại thuế – ai sẽ trả khoản thuế này thì vẫn chưa rõ – nhưng tôi không nghĩ rằng có thể coi điều này là tích cực cho tăng trưởng ở bất kỳ khía cạnh nào. Đây là yếu tố tiêu cực cho tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát trong ngắn hạn”.
Quốc An (Theo Bloomberg)