Nóng: Mỹ công bố lộ trình áp phí đối với tàu Trung Quốc cập cảng Mỹ
Ngày 17/04, chính quyền Trump hôm thứ Năm đã chính thức công bố biểu phí áp dụng đối với tàu thuyền do Trung Quốc đóng mỗi khi cập cảng Mỹ.
Quyết định này được đưa ra sau khi cuộc điều tra kéo dài từ thời Tổng thống Biden đến Tổng thống Trump và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) kết luận rằng các hành động, chính sách và thông lệ của Trung Quốc là "bất hợp lý và gây gánh nặng hoặc hạn chế thương mại Mỹ".
"Tàu thuyền và vận tải biển là yếu tố sống còn đối với an ninh kinh tế của Mỹ và dòng chảy tự do của thương mại", Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nhấn mạnh. "Hành động của chính quyền Trump sẽ bắt đầu đảo ngược sự thống trị của Trung Quốc, giải quyết các mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng của Mỹ, và tạo ra nhu cầu cho tàu được đóng tại Mỹ".
Theo USTR, Trung Quốc đã đạt được vị thế áp đảo trong lĩnh vực đóng tàu chủ yếu thông qua các chính sách nhắm mục tiêu quyết liệt vào ngành này, gây bất lợi nghiêm trọng cho các công ty, người lao động và nền kinh tế Mỹ.
Điểm đáng chú ý là các khoản phí sẽ được tính một lần cho mỗi chuyến đi thay vì tính theo cảng như đề xuất ban đầu.
Đề xuất chính sách này, được khởi xướng dưới thời chính quyền Biden và hoàn thiện trong báo cáo tháng 1/2025, kết luận rằng ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc đã có lợi thế không công bằng, từ đó cho phép Chính phủ Mỹ áp đặt các khoản phí cao đối với tàu thuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Ban đầu, đề xuất yêu cầu một khoản phí dịch vụ lên đến 1 triệu USD đối với mỗi hãng vận tải biển do Trung Quốc sở hữu (như Cosco). Đối với các hãng vận tải biển không phải do Trung Quốc sở hữu nhưng có đội tàu chứa các tàu đóng tại Trung Quốc, phí dịch vụ dự kiến lên đến 1.5 triệu USD cho mỗi cảng ghé của Mỹ.
USTR thừa nhận sự thay đổi này là kết quả từ làn sóng phản đối mạnh mẽ trong hai ngày điều trần về các khoản phí với tàu Trung Quốc diễn ra vào tháng 3/2025, với sự tham gia của hơn 300 nhóm thương mại và các bên liên quan. Nhiều bên đã cảnh báo Chính phủ rằng Mỹ không có khả năng thắng một cuộc chiến kinh tế khi đặt các hãng vận tải biển sử dụng tàu sản xuất tại Trung Quốc vào thế khó. Thực tế cho thấy, tàu sản xuất tại Trung Quốc sẽ sớm chiếm đến 98% tàu thương mại trên toàn cầu.
Tổng tải trọng của các tàu được đóng tại Mỹ ![]() |
Một điểm tích cực đáng chú ý trong chính sách mới là chủ tàu có thể được giảm, hoãn phí nếu họ cung cấp được bằng chứng về đơn đặt hàng đóng tàu tại Mỹ. Việc giảm, hoãn phí sẽ dựa trên trọng tải tịnh (net tonnage capacity) tương đương hoặc nhỏ hơn tàu được đóng tại Mỹ đã đặt hàng.
Nếu một hãng vận tải biển nộp bằng chứng cho thấy họ đã đặt đóng một con tàu mới tại Mỹ, họ sẽ được hoãn nộp phí tới 3 năm cho một con tàu không phải đóng tại Mỹ có kích thước tương đương. Tuy nhiên, nếu họ đã đặt hàng tàu tại Mỹ, nhưng không nhận tàu trong vòng 3 năm, chủ tàu vẫn sẽ trả phí.
Biểu phí sẽ được áp dụng theo lộ trình cụ thể. Trong 180 ngày đầu tiên, phí sẽ được đặt ở mức 0 và sau đó được phân loại tùy theo đối tượng. Tất cả các khoản phí đều dựa trên trọng tải tịnh của tàu, với tàu container thông thường có thể dao động từ 50,000 đến 220,000 tấn.
Đối với các hãng vận tải tàu Trung Quốc và chủ tàu Trung Quốc, mức phí sẽ tăng dần từ 0 USD/tấn tịnh (từ 17/4/2025) lên 50 USD (từ 14/10/2025), 80 USD (từ 17/4/2026), 110 USD (từ 17/4/2027) và cuối cùng là 140 USD (từ 17/4/2028). Phí này sẽ được tính tối đa 5 lần/năm cho mỗi tàu.
Trong khi đó, phí dịch vụ đối với các hãng vận tải không phải Trung Quốc nhưng sử dụng tàu đóng tại Trung Quốc sẽ thấp hơn đáng kể. Biểu phí cho nhóm này cũng tăng dần từ 0 USD (từ 17/4/2025) lên 18 USD/tấn tịnh - tương đương 120 USD/container - (từ 14/10/2025), và cuối cùng đạt 33 USD/tấn tịnh - tương đương 250 USD/container - vào năm 2028.
Thị phần Trung Quốc trong vận tải biển toàn cầu ![]() |
Chính sách này còn mở rộng sang các phân khúc khác của ngành vận tải biển, với phí đối với tàu chở xe được đóng ở nước ngoài sẽ bắt đầu ở mức 150 USD trên mỗi đơn vị tương đương xe hơi (CEU) sau 180 ngày đầu tiên. Các biện pháp giai đoạn hai sẽ chỉ bắt đầu sau 3 năm và nhắm vào tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), với các hạn chế sẽ tăng dần trong 22 năm tiếp theo.
Đáng chú ý, chính sách mới đã có những điều chỉnh nhằm bảo vệ một số lĩnh vực quan trọng. Phí đối với tàu đóng tại Trung Quốc trên thực tế không áp dụng cho vận chuyển ở khu vực Ngũ Đại Hồ hoặc vùng Caribe, cũng như vận chuyển đến và đi từ các vùng lãnh thổ của Mỹ. Ngoài ra, hàng xuất khẩu rời như than hoặc ngũ cốc cũng sẽ được miễn phí, cùng với tàu rỗng khi cập cảng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)