Phó Chủ tịch EuroCham nói về chuyển giao công nghệ khối FDI: Hãy để người bán và người mua tự thoả thuận với nhau

date
24/04/2025 11:01

Phó Chủ tịch EuroCham nói về chuyển giao công nghệ khối FDI: Hãy để người bán và người mua tự thoả thuận với nhau

Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nguyễn Hải Minh cho rằng muốn thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI, Việt Nam cần tháo gỡ rào cản thể chế và tạo điều kiện để bên mua và bên bán chủ động hợp tác.

Cần xem quá trình chuyển giao công nghệ như một giao dịch thương mại

Theo ông Minh, việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế không đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn liên quan mật thiết đến chính sách, cơ chế vận hành và yếu tố con người. Mặc dù Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh như vị trí địa lý chiến lược, môi trường đầu tư cởi mở nhờ các hiệp định thương mại tự do, cùng nguồn nhân lực dồi dào, nhưng để khai thác triệt để những ưu thế này, cần có một cách tiếp cận mới, đặc biệt trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.

Thay vì kỳ vọng vào việc các tập đoàn FDI sẽ tự động chuyển giao công nghệ sau một thời gian hoạt động, ông cho rằng Việt Nam cần nhìn nhận quá trình này như một giao dịch thương mại. Công nghệ sẽ chỉ được chuyển giao nếu bên mua trong nước có đủ năng lực tiếp nhận và thực sự mong muốn hợp tác. Vai trò của Nhà nước là kiến tạo cơ chế linh hoạt để hai bên có thể gặp gỡ, thương lượng và ký kết hợp đồng thuận lợi, thay vì can thiệp quá sâu bằng các quy định hành chính phức tạp.

Hiện tại, không ít quy định về thuế, thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đang trở thành rào cản lớn. Những yếu tố này không chỉ gây tốn kém chi phí và thời gian mà còn khiến nhà đầu tư quốc tế nản lòng khi muốn mang công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào Việt Nam.

"Có những quy định về thuế và chuyển giao công nghệ hiện đang rất khắt khe. Những điều đó là không cần thiết. Hãy để người bán và người mua tự thoả thuận với nhau", đại diện EuroCham nói, "Một nhà đầu tư nào sang đây muốn chuyển giao công nghệ thì ngay cả việc đăng ký thôi cũng đã mất rất nhiều thời gian".

Ông Nguyễn Hải Minh chia sẻ tại diễn đàn. Nguồn: Ảnh chụp màn hình

Ngoài công nghệ, ông Minh cũng chỉ ra rằng điều doanh nghiệp trong nước cần không kém phần quan trọng là kinh nghiệm và chất xám. Việc người lao động Việt Nam tham gia vào các công ty quốc tế chính là một hình thức tiếp thu tri thức gián tiếp nhưng hiệu quả. Để hỗ trợ quá trình này, chính sách về visa giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài cần được cải thiện, tránh tình trạng "một mặt mở cửa, mặt khác lại siết chặt vì lo ngại rủi ro".

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện quy trình quản trị và đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu - những điều kiện tiên quyết để tham gia chuỗi cung ứng và trở thành đối tác chiến lược của các tập đoàn lớn nước ngoài.

Việt Nam có tiềm năng nhất trong khu vực để trở thành trung tâm trung chuyển

Ở góc độ vĩ mô, ông Minh cho rằng nếu Việt Nam có thể cải thiện được khung khổ pháp lý và tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng hơn, thì mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng bền vững. Khi đó, không chỉ dừng lại ở vai trò là điểm đến sản xuất, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển, dịch vụ hậu mãi, thậm chí là trung tâm tài chính khu vực.

Hiện nay chúng tôi đang nhìn thấy một nhu cầu rất lớn từ các nhà đầu tư phương Tây là sử dụng Việt Nam như một trung tâm trung chuyển", ông cho hay.

Tuy nhiên, theo đại diện EuroCham, khái niệm này không chỉ dừng lại ở việc thuê kho chứa hàng. Một trung tâm trung chuyển hiện đại cần được trang bị đầy đủ các dịch vụ đi kèm, từ logistics, tài chính đến hậu mãi. Trong khi các trung tâm truyền thống như Singapore bắt đầu đối mặt với những giới hạn về quy mô, Việt Nam đang nổi lên nhờ lợi thế về địa lý, nhân lực và chi phí vận hành cạnh tranh.

Dẫu vậy, để tận dụng tốt cơ hội này, cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong hệ thống pháp luật, chính sách. Những quy định cứng nhắc hiện tại khiến việc thực hiện các mô hình trung chuyển gặp nhiều trở ngại. Ông Minh cho rằng, vấn đề cần được nhìn nhận một cách cấp thiết hơn, bởi nếu các quy định không theo kịp xu hướng, cơ hội sẽ bị bỏ lỡ.

Một trong những đề xuất được đưa ra là phát triển các khu thương mại tự do với cơ chế thuế, dòng tiền và vận chuyển hàng hóa linh hoạt hơn. Dù Bộ Tài chính đã nhắc đến ý tưởng này, nhưng hiện vẫn thiếu các hướng dẫn cụ thể để triển khai hiệu quả. Ngoài ra, việc cải cách các quy định liên quan đến đầu tư, logistics, thuế và ngoại hối cũng được xem là yếu tố then chốt để Việt Nam có thể cạnh tranh trong vai trò trung tâm trung chuyển khu vực.

Tử Kính

FILI - 09:59:00 24/04/2025