PHS hạ dự báo VN-Index năm 2025, thấp nhất có thể về 900 điểm
Trong báo cáo chiến lược tháng 4/2025, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) hạ dự báo VN-Index năm 2025 với triển vọng lợi nhuận toàn thị trường dự kiến 8 - 15% (dự báo cũ là 17 - 18%). Theo đó, VN-Index trở lại vùng 1,200 - 1,250 trong kịch bản tích cực, giao dịch quanh 1,080 - 1,180 ở kịch bản cơ sở và điều chỉnh về 900 - 950 với kịch bản tiêu cực.
Áp lực tạm thời được giải tỏa
Theo PHS, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã công bố giảm thuế quan mang tính đối ứng xuống còn 10% và trì hoãn thực thi trong 90 ngày, nhưng chỉ áp dụng đối với các quốc gia không thực hiện biện pháp trả đũa - thông tin này được đưa ra khoảng nửa ngày sau khi mức thuế mới chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, Trung Quốc lại phải đối mặt với mức thuế tăng lên đến 125%.
Thị trường đã phản ứng rất tích cực và đầy tự tin, đặc biệt sau chuỗi ngày biến động mạnh đi kèm với tâm lý sợ hãi cực độ.
Tuy nhiên, PHS nhấn mạnh rằng, Trump vẫn là một nhân tố cực kỳ khó đoán định và căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục là những rủi ro lớn đối với cả nền kinh tế toàn cầu lẫn thị trường tài chính.
Những lo ngại này có thể tạm thời lắng xuống, nhưng PHS vẫn duy trì quan điểm thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc bị áp thuế lên đến 125% và đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá mạnh.
Theo PHS, quyết định trì hoãn áp thuế đối với các đối tác thương mại khác của Trump mang tính chiến lược và là phép thử nhằm vào các quốc gia này, bao gồm: Gây áp lực để họ gia tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ trong vòng 90 ngày tới, thể hiện nỗ lực thực chất thay vì chỉ là cam kết trên giấy; nhằm đạt được các thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ; và có thể, để khiến họ quay lưng với Trung Quốc.
Sau thời hạn 90 ngày, nhiều bất định mới có thể sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, áp lực ngắn hạn đã tạm thời được giải tỏa.
Tăng trưởng kinh tế quý 2 đối mặt nhiều lực cản
Theo PHS, trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ đồng bộ thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng cường đầu tư tư nhân và đầu tư công, ổn định mặt bằng lãi suất và đưa ra thêm các gói hỗ trợ cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp FDI nhằm giữ chân nhà đầu tư và duy trì niềm tin của họ.
Dù vậy, thách thức từ việc Mỹ áp thuế đối ứng vẫn là một mối đe dọa đáng kể đối với hoạt động kinh tế của Việt Nam - ít nhất đến khi đạt được một mức thuế đàm phán tốt hơn. Do đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 2 dự kiến sẽ đối mặt với nhiều lực cản, khiến PHS điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm xuống còn 5% trong kịch bản cơ sở, từ mức 7% trước đó.
Áp lực lạm phát được kỳ vọng sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm, nhưng vẫn nằm trong mục tiêu bình quân 4% của Chính phủ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được kỳ vọng sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và linh hoạt, giữ mặt bằng lãi suất ổn định, với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng quanh 4.5 - 5%.
Về tỷ giá, hiện USD/VND đang giao dịch quanh 26,050 - 26,100, tương ứng với mức mất giá khoảng 2% so với đầu năm (gần sát với dự báo của PHS trong báo cáo gửi ngày 03/04/2025). PHS cho rằng, NHNN sẽ không can thiệp vào thời điểm này. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá sẽ không còn quá lớn khi nhập khẩu của Việt Nam cũng dự kiến suy yếu, thậm chí mạnh hơn xuất khẩu và đồng USD trên thị trường thế giới cũng đang giảm giá. USD/VND dự kiến sẽ dao động khoảng 25,900 - 26,200, trong kịch bản xấu nhất có thể chạm 26,700, tương ứng với mức mất giá 5%.
Dự báo các chỉ tiêu vĩ mô trong năm 2025 của PHS ![]() Nguồn: Báo cáo chiến lược tháng 4/2025 của PHS |
Khi cuộc chơi phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài
PHS cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một trong các giai đoạn khó khăn nhất với sự bất định cao nhất. Khi cuộc chơi không nằm trong tay của chúng ta mà phụ thuộc các yếu tố bên ngoài, các nhà đầu tư có lý khi chọn phương án thận trọng và bán tháo ồ ạt trên diện rộng.
Trong đợt điều chỉnh lần này, đối với kịch bản xấu nhất, không loại trừ khả năng VN-Index về quanh mốc 900 - 930 điểm, tương ứng với P/E và P/B lần lượt 9.x lần và 1.2x lần.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ thuế quan và lịch sử cho thấy các mốc P/E, P/B kể trên thường sẽ chứng kiến lực mua trở lại, vì thực tế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn tốt hơn so với mặt bằng chung của toàn cầu.
Thêm vào đó, với mức chiết khấu hiện tại, nhiều cổ phiếu phòng thủ, có mức cổ tức tiền mặt cao đang cho thấy lợi suất cổ tức ở vùng rất hấp dẫn, qua đó vùng giá hiện tại khá thích hợp cho việc mua đầu tư dài hạn.
Tóm lại, PHS giảm dự báo cho VN-Index của năm 2025 với triển vọng lợi nhuận toàn thị trường dự kiến 8 - 15% (giảm so với dự báo cũ 17 - 18%). Qua đó, ở kịch bản tích cực, VN-Index dự kiến trở lại vùng 1,200 - 1,250 điểm. Trong kịch bản cơ sở, VN-Index giao dịch quanh 1,080 - 1,180 điểm. Còn với kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ điều chỉnh về quanh mức 900 - 950 điểm.
Huy Khải