Sản xuất châu Á co lại trước ngày Trump công bố thuế đối ứng

date
01/04/2025 13:09

Sản xuất châu Á co lại trước ngày Trump công bố thuế đối ứng

Hoạt động sản xuất tại châu Á tiếp tục suy yếu trong tháng 3, khi các doanh nghiệp “nín thở” chờ đợi thông báo thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump vào ngày 02/04.

Số liệu từ chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của S&P vẽ nên một bức tranh không mấy lạc quan. Tại Nhật Bản, chỉ số đo lường hoạt động sản xuất vẫn phạm vi thu hẹp (dưới 50) trong tháng thứ 9 liên tiếp - một chuỗi suy giảm đáng lo ngại đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Tương tự, Hàn Quốc cũng chứng kiến sản xuất co hẹp.

Đài Loan, trung tâm công nghệ quan trọng của khu vực, đã trượt xuống dưới mức 50 lần đầu tiên trong 1 năm, trong khi tại Thái Lan, chỉ số này cũng quay đầu giảm sau khi chỉ ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ trong tháng trước. Điểm sáng duy nhất đến từ Việt Nam, nơi ngành sản xuất bắt đầu mở rộng lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái.

Đặc biệt tại Hàn Quốc - quốc gia được xem là "phong vũ biểu" cho thương mại toàn cầu nhờ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế và danh mục xuất khẩu đa dạng - một hiện tượng đáng chú ý đã xuất hiện: Đơn hàng trong nước sụt giảm trong khi doanh số quốc tế lại tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 1/2024, đặc biệt từ thị trường Mỹ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các chuyên gia phân tích cho rằng đây có thể là dấu hiệu của việc các đối tác thương mại đang đẩy mạnh mua hàng trước khi các rào cản thuế quan mới có hiệu lực.

Các dấu hiệu về sự xáo trộn trong thương mại toàn cầu đang xuất hiện ngày càng rõ ràng. Tại Hàn Quốc, các chủ nhà máy ghi nhận giá nguyên liệu thô tăng đáng kể. Các nhà quản lý trong lĩnh vực sản xuất ở châu Á bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về triển vọng nhu cầu trong tương lai do các rủi ro địa chính trị gia tăng.

Tại Đài Loan, trung tâm sản xuất chip hàng đầu thế giới, đơn đặt hàng mới chỉ tăng trưởng yếu nhất trong vòng 1 năm qua. Các doanh nghiệp tại đây ghi nhận nhu cầu yếu hơn dự kiến từ cả thị trường nội địa lẫn các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

Kế hoạch áp dụng thuế quan đối ứng của Trump - dự kiến sẽ được công bố vào ngày 02/04 (giờ Mỹ) - đã gây ra làn sóng lo ngại trong giới kinh doanh. Trước đó, ông đã nhắm vào các ngành cụ thể như thép và ô tô trong những tuần gần đây. Chiến lược thuế quan mới này được cho là sẽ có phạm vi rộng hơn và ảnh hưởng sâu rộng đến thương mại toàn cầu.

Ngay cả ở Việt Nam, nơi hoạt động sản xuất nói chung đã cải thiện trong tháng 3, đơn đặt hàng xuất khẩu mới lại giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2023, đánh dấu tháng suy giảm thứ 5 liên tiếp.

Bức tranh ảm đạm này tại các nền kinh tế châu Á đối lập với dữ liệu PMI của Trung Quốc công bố hôm qua, vốn cho thấy sự cải thiện đáng kể trong lĩnh vực công nghiệp của quốc gia này và cũng vượt xa dự đoán của các nhà kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể là kết quả của các biện pháp kích thích mới từ Chính phủ Trung Quốc nhằm đối phó với áp lực từ chính sách thương mại của Mỹ.

Thị trường tài chính châu Á đang nín thở chờ đợi những số liệu PMI tiếp theo từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore, dự kiến sẽ được công bố vào ngày mai, cùng ngày với thông báo thuế quan của Trump.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi - 12:07:17 01/04/2025