Sản xuất, quảng bá hàng giả: Chế tài lỏng lẻo, kẻ gian - tham lộng hành

date
14/04/2025 10:02

Sản xuất, quảng bá hàng giả: Chế tài lỏng lẻo, kẻ gian - tham lộng hành

Chỉ trong khoảng 4 năm, từ năm 2021 đến nay, 573 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai đã được phân phối và tiêu thụ trên thị trường, thu về gần 500 tỷ đồng.

Thông tin trên không chỉ gây chấn động vì số tiền bất chính thu được mà nó thu ngay trên sản phẩm làm giả được công bố, lưu thông công khai. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy sản phẩm với không biết bao nhiêu thứ nguyên liệu thay thế, được mạo danh bằng “chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó” đã đi thẳng vào… dạ dày của người tiêu dùng, trong đó đa phần là người bệnh, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh.

Trong hiện trạng “ra ngõ là gặp… hàng giả” thì một vụ việc phát giác hàng giả gần như không còn khiến nhiều người bất ngờ. Song, với tính chất, quy mô và một lần nữa, là sự kiểm soát mảng tối này trên thị trường của các lực lượng chức năng bị bỏ ngỏ thì vụ việc 573 loại sữa giả khiến ai nấy đều kinh hãi.

Theo quy định của Nhà nước về quản lý về sản xuất kinh doanh thực phẩm, hiện cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm; tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm mà không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành.

Cũng theo đó, các doanh nghiệp, cá nhân cùng lúc có thể đăng ký nhiều nhãn hàng hóa của cùng loại sản phẩm với nhiều tính năng, tác dụng ưu việt, chất lượng cao, phù hợp với nhiều nhóm khách hàng như trẻ em, người già, người ăn kiêng… Nhưng, việc kiểm nghiệm cũng bị bỏ qua. Thực tế, các sản phẩm có chung nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất, chỉ bổ sung, thay thế một số nguyên liệu chính hoặc thêm hương liệu, phụ gia để đánh lừa công dụng sản phẩm.

Có lẽ vì quá thông thuộc cái lỗ hổng to tướng nói trên nên tại cơ quan điều tra, một trong hai kẻ cầm đầu đường dây sản xuất sữa giả đã nói: “Không được kiểm tra nên dẫn tới sự sai sót như thế” kèm theo lời “thật sự xin lỗi khách hàng”.

Vì họ được phép tự công bố chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng của sản phẩm; lại cùng 1 công thức, nguyên liệu, chúng “bùa chú” ra nhiều sản phẩm khác nhau mà không phải đi qua bất cứ hàng rào kiểm nghiệm, quy định nào. Thứ duy nhất mà phải tuân thủ là lòng trung thực, coi trọng sức khỏe của cộng đồng là trên hết thì lại không có. Cho nên, không phải là “sai sót” như họ tự thừa nhận mà là cố ý tạo ra hàng giả để hưởng lợi, biết đối tượng sử dụng là người bệnh, phụ nữ mang thai nhưng vẫn lừa dối, tạo ra những sản phẩm giả. Đó là tội ác.

Cũng như trong vụ việc liên quan đến Quang Linh Vlog và Hằng Du mục thời gian qua, thay vì tự sản xuất bột rau từ rau xanh chuẩn VietGAP như quảng cáo, Asia Life đã mua sẵn bột rau có hàm lượng dưới mức tiêu chuẩn (0.61-0.75%) để sản xuất và bỏ thêm chất sorbitol với tỷ lệ 35% - cũng chung thủ thuật của những kẻ kiếm lợi trên hàng hóa giả mà bất chấp sức khỏe của cộng đồng.

Khi vụ việc bị phanh phui, cơ quan điều tra vào cuộc thì một lần nữa, chính người tiêu dùng giờ đã “khai quật” những dòng sản phẩm mà Hằng Du mục từng quảng cáo và bán với số lượng lớn, trong đó có sản phẩm yến sào LoiNest. Công ty Chị Em Rọt giới thiệu sản phẩm là thương hiệu yến cao cấp được chế biến từ yến A5 (sản phẩm được rút lông tỉ mỉ, không tạp chất, tỷ lệ sợi đạt yêu cầu) đạt chuẩn xuất khẩu, công nghệ chế biến hiện đại... Tuy nhiên, giá bán sản phẩm trên livestream thời điểm cuối năm 2024 chỉ ở mức 188,000 đồng/hộp 6 lọ (tương đương 31,000 đồng/lọ).

Rõ ràng, không phải đợi đến các đơn vị chuyên môn vào cuộc kiểm nghiệm thì bất kỳ người tiêu dùng tỉnh táo nào cũng sẽ nhận ra chắc chắn đó là sản phẩm đã bị thổi phồng chất lượng, chức năng. Nhưng, với thủ thuật kế tiếp là thuê những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trực tiếp các phiên livestream, tạo ảnh hưởng lên đám đông, trong đó có lượng fan hùng hậu của các vị này. Dẫn tới, hàng giả, hàng kém chất lượng cứ thế đi vào thị trường, đi luôn vào dạ dày người tiêu dùng, hủy hoại sức khỏe cộng đồng.

Đã đến lúc không thể trông chờ vào đạo đức của những nhà sản xuất dạng sữa giả, kẹo rau Kera. Cũng không thể để khi sự đã rồi, tức cơ quan chức năng vào cuộc, khởi tố thì hàng ngàn, hàng triệu sản phẩm dưới hàng trăm nhãn mác đã tiêu thụ, tiêu tán trong cơ thể người. Luật pháp cần lên tiếng, lập ra những hàng rào bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần kiến nghị lên Quốc hội bổ sung một số điều luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng như trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa là thực phẩm; lĩnh vực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội vào trong quá trình sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự.

Biện pháp mạnh mà cơ quan công an đang thực thi là hết sức cần thiết bởi khi đạo đức là thứ xa xỉ với những kẻ tham, bất chấp thì chỉ còn sự ra tay của pháp luật, thái độ tẩy chay của cộng đồng là sự trừng trị đích đáng.

Quốc Học

FILI - 09:00:30 14/04/2025