Tại sao ông Trump dừng ý định sa thải Chủ tịch Fed?
Tổng thống Trump tuần này đã bất ngờ tuyên bố ông chưa bao giờ có kế hoạch sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, đồng thời cáo buộc truyền thông tạo ra câu chuyện sai lệch về ý định loại bỏ người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ. Tuy nhiên, đằng sau hậu trường Nhà Trắng, câu chuyện phức tạp hơn nhiều và hé lộ những căng thẳng đang âm ỉ giữa chính quyền và Fed.
![]() Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Theo những nguồn tin thân cận, một số quan chức cấp cao đã thực sự nghiêm túc xem xét những tuyên bố công khai gần đây của ông Trump về việc chấm dứt nhiệm kỳ của Powell. Khi những chỉ trích của Tổng thống đối với chủ tịch Fed leo thang trong tuần qua, các luật sư Nhà Trắng đã âm thầm nghiên cứu các phương án pháp lý để sa thải ông Powell, bao gồm cả khả năng viện dẫn "lý do chính đáng" - một điều kiện được quy định trong luật thành lập Fed.
Luật hiện hành quy định các Thống đốc Fed chỉ có thể bị loại bỏ trước khi kết thúc nhiệm kỳ vì lý do chính đáng, mà tòa án thường diễn giải là hành vi sai trái hoặc không phù hợp. Việc tìm kiếm cái cớ để sa thải ông Powell sẽ đẩy Nhà Trắng vào một cuộc đối đầu chưa từng có với NHTW - một kịch bản có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thị trường tài chính.
"Đây là thời điểm hoàn hảo để hạ lãi suất. Nếu ông ấy không làm vậy, đó có phải là hồi kết? Không. Không phải vậy", ông Trump chia sẻ với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào chiều ngày 22/04, làm dịu đi tuyên bố gay gắt mà ông đã lặp lại chỉ một ngày trước đó.
Lại là lời khuyên của Scott Bessent và Howard Lutnick
Đằng sau sự thay đổi này là sự can thiệp quyết định từ hai nhân vật có ảnh hưởng trong nội các: Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. Hai người này đã cảnh báo Trump rằng một động thái chống lại ông Powell có thể kích hoạt cơn địa chấn trên thị trường tài chính và dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài, rối ren.
Trong đó, ông Lutnick chỉ ra rằng ngay cả khi Trump thành công trong việc loại bỏ ông Powell, điều đó cũng khó dẫn đến bất kỳ thay đổi thực tế nào về lãi suất. Điều này là do các thành viên khác của hội đồng Fed nhiều khả năng sẽ tiếp cận chính sách tiền tệ theo cách tương tự như Powell, làm cho toàn bộ nỗ lực trở nên vô ích nhưng lại gây ra tổn hại lớn.
Trước đó, cũng chính ông Bessent và ông Lutnick đã khuyên nhủ Tổng thống Trump hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày.
* Peter Navarro: Vị Cố vấn thương mại nhưng ghét thương mại
* Hậu trường vụ hoãn thuế: Các cố vấn tranh thủ thuyết phục Trump khi Peter Navarro vắng mặt
"Tổng thống có một đội ngũ cố vấn tuyệt vời đưa ra lời khuyên về nhiều chủ đề, nhưng cuối cùng, Tổng thống là người ra quyết định", người phát ngôn Nhà Trắng Taylor Rogers cho biết, từ chối bình luận về các cuộc trò chuyện riêng tư của Trump.
![]() Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick (bên phải) đứng sau Tổng thống Trump |
Bên cạnh việc đảo ngược quyết định với ông Powell, ông Trump cũng bày tỏ sự sẵn lòng hạ thấp mức thuế 145% đang áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hai sự nhượng bộ này diễn ra chỉ sau khi ông đã tạm hoãn nhiều khoản thuế quan đề xuất trong 90 ngày.
Đáng chú ý, những bước đi này xuất hiện ngay sau một cuộc gặp quan trọng vào ngày 21/04, khi Trump tiếp đón các giám đốc điều hành cấp cao từ những đại gia bán lẻ như Target, Walmart và Home Depot tại Nhà Trắng. Trong cuộc gặp, họ đã trình bày những lo ngại sâu sắc rằng chính sách thuế quan, đặc biệt là đối với Trung Quốc, sẽ đẩy giá tiêu dùng lên cao và gây ảnh hưởng tiêu cực đến người Mỹ bình thường.
Chỉ một ngày sau đó, Trump đã công khai thừa nhận rằng mức thuế 145% là "rất cao" và hứa hẹn chúng sẽ "giảm đáng kể". Theo nguồn tin thân cận, các quan chức chính quyền hiện đang tích cực thảo luận về mức độ giảm thuế phù hợp.
Elon Musk, CEO Tesla kiêm cố vấn cấp cao của Trump và người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), cũng đã công khai ủng hộ việc giảm thuế. "Liệu ông ấy có lắng nghe lời khuyên của tôi hay không là tùy thuộc vào ông ấy", Musk chia sẻ trong một cuộc họp trình bày về kết quả tài chính vào ngày 22/04. Tỷ phú này cũng tiết lộ rằng ông sẽ giảm thời gian làm việc với DOGE do Tesla đang trải qua giai đoạn khó khăn, một phần vì hình ảnh công ty bị ảnh hưởng bởi mối liên hệ của Musk với chính quyền Trump.
Trong khi đó, hầu hết các nhà phân tích Phố Wall đều tin rằng ngay cả khi ông Trump thành công trong việc loại bỏ ông Powell, điều đó cũng khó mang lại kết quả mong muốn là lãi suất thấp hơn. Hiện tại, không có sự ủng hộ nào trong ủy ban 12 người thiết lập lãi suất của Fed cho việc giảm lãi suất. Fed đã cắt giảm lãi suất 1 điểm phần trăm vào năm ngoái khi lạm phát hạ nhiệt, nhưng tình hình hiện tại đã khác.
![]() Chủ tịch Fed Jerome Powell |
Thuế quan mới đã đặt các nhà hoạch định chính sách tiền tệ vào thế khó. Một mặt, họ lo ngại thuế quan sẽ đẩy giá lên và tạo ra nguy cơ lạm phát cao hơn; mặt khác, các biện pháp này có thể cuối cùng làm chậm chi tiêu và tuyển dụng, từ đó làm suy yếu nền kinh tế.
Tầm quan trọng của việc bảo vệ sự độc lập của Fed được minh họa qua một bài học lịch sử đau đớn. Vào những năm 1970, Tổng thống Richard Nixon đã gây áp lực riêng tư với Chủ tịch Fed và cựu cố vấn của ông, Arthur Burns, để nới lỏng chính sách tiền tệ trước cuộc bầu cử năm 1972. Ông Burns đã nhượng bộ và hậu quả là nhiều năm lạm phát cao, kinh tế suy thoái nghiêm trọng vào đầu những năm 1980.
Tim Mahedy, nhà kinh tế trưởng tại Access/Macro và cựu cố vấn cấp cao tại Fed San Francisco, đã cảnh báo rằng phản ứng của thị trường nếu Powell bị buộc phải rời đi "sẽ giống như tận thế". Ông dự đoán: "Nỗi đau sẽ nhanh chóng và nghiêm trọng đến mức Tổng thống sẽ buộc phải rút lại ngay lập tức hoặc đối mặt với một sự kiện tài chính mang tính hệ thống".
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Powell vẫn giữ vững niềm tin vào thể chế. "Sự độc lập của Fed được thấu hiểu và hỗ trợ rất rộng rãi tại Washington, trong Quốc hội", ông phát biểu tại Chicago tuần trước. Dù vậy, ông cũng sẵn sàng đối mặt với triển vọng của một cuộc đối đầu pháp lý - thậm chí có thể phải tự chi trả phí tổn - nếu cần thiết để bảo vệ nguyên tắc quan trọng này.
Một thách thức đặc biệt mà Trump phải đối mặt trong việc thúc đẩy Fed hạ lãi suất chính là nhân sự của chính ông. Mới đây, Tổng thống đã đề bạt Michelle Bowman, vị Thống đốc Fed mà ông bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu, lên làm Phó Chủ tịch phụ trách giám sát ngân hàng. Điều khá mỉa mai là bà Bowman lại là một trong những quan chức lên tiếng mạnh mẽ nhất cảnh báo về những rủi ro của việc hạ lãi suất quá sớm hoặc quá nhanh.
Tính độc lập của Fed không chỉ là vấn đề nguyên tắc mà còn có tác động trực tiếp đến niềm tin của thị trường. Các nhà đầu tư trái phiếu trên Phố Wall coi đây là yếu tố "thiêng liêng", và nhiều nhà đầu tư nước ngoài có thể từ chối mua chứng khoán Kho bạc Mỹ nếu họ lo ngại Chính phủ sẽ can thiệp vào Fed để dung túng lạm phát cao hơn.
Cuộc đối đầu hiện tại giữa Trump và Powell khác với năm 2019 ở hai điểm quan trọng. Thứ nhất, Trump đã thể hiện sự sẵn sàng bất chấp các chuẩn mực thể chế và pháp lý nhiều hơn so với nhiệm kỳ đầu. Thứ hai, lạm phát có thể trở thành vấn đề lớn hơn năm nay do thuế quan của Trump lớn hơn và rộng hơn nhiều, đặt Fed vào tình thế khó khăn hơn sau khi đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong hai thập kỷ để kiềm chế lạm phát.
Quyết định của ông Trump dừng lại ý định sa thải ông Powell - ít nhất là hiện tại - có thể xoa dịu lo ngại của thị trường tài chính. Nhưng căng thẳng giữa Nhà Trắng và Fed vẫn còn đó, và khả năng những xung đột tương tự tái diễn vẫn rất cao trong những tháng tới.
Vũ Hạo (Theo WSJ)