Tâm lý hoang mang bao trùm các trung tâm sản xuất toàn cầu sau cú sốc thuế từ Trump
Các nhà xuất khẩu ở một số quốc gia đang chật vật trước tình trạng đơn hàng bị hủy, sinh kế bị đảo lộn, và sự bất định về hướng đi tiếp theo.
Đêm trước khi mức thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có hiệu lực vào ngày 09/04/2025, Rubana Huq đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các nhà xuất khẩu hàng đầu của Bangladesh.
Từ phòng khách của bà tại khu vực cao cấp ở Dhaka, nhóm cung ứng cho các thương hiệu như H&M và Dollar Tree không thể tin nổi cách Mỹ đột ngột áp thuế quá cao đối với một số quốc gia. Họ thảo luận về tác động tàn phá của các mức thuế đối với nhà máy của mình và lo lắng về việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Với Ahsan Khan Chowdhury, chủ sở hữu một công ty với 150,000 nhân viên, sự thất vọng đã lên đến đỉnh điểm.
Các mức thuế đề xuất của Trump tác động nặng nề đến những quốc gia có ít khả năng đàm phán, nơi thu nhập hàng ngày chỉ xoay quanh vài USD và sinh kế phụ thuộc vào việc bán hàng hóa giá rẻ cho Mỹ - với quy mô kinh tế lớn gấp 60 lần Bangladesh. Điều đáng buồn hơn là trong nhiều năm qua, các cơ quan phát triển do Mỹ hậu thuẫn đã khuyến khích quốc gia Nam Á này thoát nghèo thông qua việc xuất khẩu quần áo.
Một nhà máy may mặc thuộc Urmi Group tại Dhaka. Năm ngoái, Bangladesh đã xuất khẩu hơn 8 tỷ USD quần áo sang Mỹ, chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Trải qua một tuần đầy hỗn loạn, khi Tổng thống Donald Trump áp dụng rồi lại tạm hoãn mức thuế khắc nghiệt đối với hàng chục quốc gia, các nước đang phát triển đã phải đối mặt với một thực tế mới đầy u ám. Trong hơn 70 năm qua, nhiều quốc gia mới nổi, đặc biệt ở châu Á, đã trở thành nhà cung cấp với chi phí thấp cho thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới là Mỹ. Người Mỹ nhập khẩu mọi thứ, từ quần áo sản xuất tại Bangladesh đến vani trồng ở Madagascar. Tuy nhiên, Trump đang làm đảo lộn mô hình này với tuyên bố về “Ngày Giải phóng”.
Tại Việt Nam, mức thuế dự kiến 46% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ đã gây ra sự hoảng loạn tại các nhà máy ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.
Ngoại trừ Trung Quốc, nơi mức thuế tăng lên 125%, các quốc gia khác bị áp thuế đối ứng cao hơn 10% hiện có thêm ít nhất 90 ngày tạm hoãn. Nếu Nhà Trắng vẫn giữ nguyên mức thuế, các mức thuế sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho những nền kinh tế mới nổi, đặc biệt khi Mỹ vừa cắt giảm phần lớn viện trợ nước ngoài vào tháng trước.
Việc Trump áp dụng chính sách cứng rắn đối với các quốc gia sản xuất hàng hóa không mang tính chiến lược như quần áo hoặc giày dép gửi đi tín hiệu rằng ông sẵn sàng hy sinh hàng thập kỷ phát triển quốc tế và quyền lực mềm để theo đuổi mục tiêu cân bằng thâm hụt thương mại.
Tổng thống Trump công bố mức thuế vào ngày 02/04/2025.
Nhiều quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Trump từ lâu đã dựa vào việc tiếp cận miễn thuế để vào thị trường Mỹ. Các nước khác như Pakistan và Sri Lanka phụ thuộc vào các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để duy trì nền kinh tế hoặc đang chịu sức ép từ chiến tranh và xung đột. Trong danh sách các nước bị áp mức thuế cao nhất của Trump có Lesotho vốn là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi. Các quan chức tại đây cảnh báo rằng nền kinh tế có thể hoàn toàn sụp đổ nếu Mỹ tiếp tục kế hoạch áp thuế.
Tại Phnom Penh, thủ đô Campuchia, Sou Samnang, 45 tuổi, cảm thấy tuyệt vọng trong tuần vừa qua. Phần lớn khoản lương tháng 200 USD của cô dùng để hỗ trợ gia đình và trả khoản vay nhỏ mua xe máy. Cô không có bất kỳ khoản dự phòng nào nếu mất việc đột ngột.
“Tôi không biết phải làm gì”, cô nói.
Trung Quốc đang chờ đợi cơ hội
Khi các quốc gia khác đang xoay xở trước những khó khăn, Bắc Kinh lại tận dụng tình hình để củng cố vị thế. Với chiến lược bơm hàng tỷ USD xây dựng cảng biển và đường sắt ở những quốc gia có thu nhập thấp để đổi lấy sự ủng hộ chính trị, Trung Quốc đang tìm cách thắt chặt quan hệ thương mại trong bối cảnh hỗn loạn.
Trên khắp châu Á, nơi mức thuế quan sẽ gây thiệt hại nặng nề nhất, cảm giác hoang mang đã lan rộng suốt tuần qua.
Tại Campuchia, ban đầu các quan chức xem nhẹ mức thuế 49%, tin rằng Tổng thống Trump sẽ rút lại quyết định vì quốc gia này chủ yếu xuất khẩu hàng hóa giá rẻ và thâm dụng lao động. Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại với Mỹ đạt khoảng 13 tỷ USD, trong đó 97% là xuất khẩu từ Campuchia.
Tuy nhiên, khi nhận ra Nhà Trắng thực sự nghiêm túc, Campuchia đã vội vàng hành động. Các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp nhanh chóng bàn bạc về cách đàm phán với Mỹ. Một số người lo ngại rằng nền kinh tế nhỏ bé của Campuchia khó có thể thu hút sự chú ý của Trump, theo Casey Barnett, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Campuchia, người đã tham gia các cuộc thảo luận cho biết.
“Campuchia đơn giản là không mua hàng hóa của Mỹ”, ông nói thêm rằng một trong những mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Mỹ là xe hơi cũ.
Sau khi Trump hoãn hầu hết mức thuế vào ngày 09/04/2025 và chỉ áp dụng mức 10% trên diện rộng ngoại trừ Trung Quốc, mọi người bắt đầu tìm cách đàm phán.
Thomas Lim - Giám đốc điều hành của LNL (Cambodia) Co. Ltd., cho biết các khách hàng Mỹ của ông đã đình chỉ các chuyến hàng vào sáng sớm ngày 09/04 nhưng sau đó thay đổi ý định khi Trump hoãn lại các mức thuế khắc nghiệt nhất.
“Tôi tin rằng trong 90 ngày này, các hãng vận chuyển sẽ tận dụng cơ hội để tăng giá cước thương mại”, Lim nói và dự đoán giá vận chuyển có thể tăng khoảng 25% trong tháng 5 và tháng 6.
Chuỗi cung ứng này không phải ngẫu nhiên mà có. Trong nhiều thập kỷ qua, phương thức để các quốc gia nghèo trở nên giàu có gần như không thay đổi: Thúc giục nông dân sang làm việc trong nhà máy, xác định một thị trường ngách và bán sản phẩm ra thế giới. Phương thức này đã giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo ở Trung Quốc và nhiều nơi khác, mang lại giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục.
Những năm gần đây, khi quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh rạn nứt, các doanh nghiệp lớn đã tìm cách đa dạng hóa sản xuất theo chiến lược “Trung Quốc + 1”. Điều này mang lại lợi ích cho những nước như Việt Nam, nơi các nhà máy sản xuất giày cho thương hiệu như Nike tạo ra nhiều việc làm hơn ở Đông Nam Á và cung cấp hàng hóa giá rẻ hơn cho người tiêu dùng Mỹ. Theo Bloomberg Economics, hơn 1/4 GDP của Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, lợi nhuận từ công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu bắt đầu suy giảm trong vài năm qua do tự động hóa gia tăng, lạm phát hậu đại dịch và sự bùng nổ các chính sách bảo hộ ở những quốc gia giàu có.
Các biện pháp đề xuất của Trump, nâng rào cản thương mại lên mức chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ, Dani Rodrik, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard gọi là “hồi chuông báo tử” đối với mô hình này.
“Thuế quan thực sự là giọt nước tràn ly”, ông nói. “Các quốc gia đang phát triển cần một chiến lược mới”.
Các nhà xuất khẩu cạnh tranh để thu hút khách hàng châu Âu
Tại Bangladesh, nơi đã xuất khẩu hơn 8 tỷ USD hàng may mặc sang Mỹ năm ngoái (chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch), các nhà xuất khẩu bắt đầu cảm nhận áp lực nặng nề. Một số khách hàng Mỹ yêu cầu Bangladesh gánh toàn bộ chi phí mức thuế dự kiến 37%, điều mà các doanh nghiệp không thể đáp ứng do biên lợi nhuận vốn đã rất mỏng.
Một cuộc chiến giá cả khốc liệt nổ ra khi các nhà xuất khẩu cạnh tranh để thu hút khách hàng tại những thị trường dễ chịu hơn như châu Âu.
Trong suốt tuần căng thẳng vừa qua, các nhà máy may mặc ở Bangladesh vẫn hoạt động hết công suất.
Huq - Giám đốc điều hành Mohammadi Group, cho biết một khách hàng Tây Ban Nha bất ngờ hủy 2 đơn hàng áo sơ mi cotton sau khi tìm được mức giá tốt hơn từ một nhà cung cấp ở Campuchia.
“Khách hàng sẽ chuyển đi chỉ vì giá thấp hơn một xu”, bà nói.
Trước khi Trump rút lại quyết định vào ngày 09/04, vốn hóa thị trường toàn cầu đã “bốc hơi” hàng ngàn tỷ USD với những đợt giảm mạnh nhất kể từ đại dịch năm 2020. Đối với nhiều doanh nghiệp, bài học rút ra rất rõ ràng là giảm sự phụ thuộc vào Mỹ hoặc đối mặt với những bất định tốn kém hơn trong tương lai.
Không dễ để tìm khách hàng mới
Bà Thái Hà Phương, chủ sở hữu Công ty TNHH Thái Sơn S.P., điều hành hai nhà máy may mặc ở miền Nam Việt Nam, chia sẻ rằng bà đã học được bài học này từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi doanh số bán hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kể từ đó, bà tập trung xây dựng cơ sở khách hàng ở Nga, châu Âu và Úc thay vì Bắc Mỹ.
“Tôi hiểu rằng mình phải nỗ lực để đa dạng hóa thị trường”, bà nói.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm khách hàng mới trong bối cảnh nguồn cung dư thừa là điều không dễ dàng, theo Rehman Naseem - Giám đốc điều hành Fazal Cloth Mills Ltd., Pakistan, nơi khoảng 80% xuất khẩu sang Mỹ là các sản phẩm dệt may.
“Không có quốc gia nào đang thiếu hụt sản phẩm dệt may”, ông nói thêm. “Việc tìm kiếm thị trường khác trong thời gian ngắn như vậy là không thể”.
Nhà máy may mặc Thái Sơn S.P. tại tỉnh Bình Thuận, nơi chủ sở hữu đã cắt giảm thị phần ở Bắc Mỹ và tập trung xây dựng cơ sở khách hàng chủ yếu tại Nga, châu Âu và Úc.
Peter Mumford - người đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại Eurasia Group, nhận xét: “Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm dòng chảy nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á”.
Hiện tại, những tranh luận này vẫn chưa trở thành hiện thực. Suốt một tuần căng thẳng vừa qua, các nhà máy may mặc của Bangladesh vẫn hoạt động hết công suất.
Tại vùng ngoại ô Dhaka, trong một cơ sở do Urmi Group điều hành, hàng trăm công nhân mặc đồng phục màu xanh lá cây đang đưa từng dải vải qua máy may. Trong số đó có Sheuly Akter, 30 tuổi, một nhân viên kiểm tra chất lượng đang cùng chồng nuôi sống gia đình gồm 7 người.
Một số nhà xuất khẩu cho biết khách hàng Mỹ yêu cầu các công ty Bangladesh phải gánh toàn bộ chi phí thuế quan dự kiến.
Không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với Bangladesh, Akter nói, ngoại trừ việc mọi người sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn, nhanh hơn và lâu hơn để bù đắp tổn thất kinh doanh. Cô cho biết sinh kế của mình phụ thuộc hoàn toàn vào điều này.
“Tôi không nghĩ rằng khách hàng sẽ trả thêm thuế”, cô nói. “Tôi lo lắng”.
Quốc An (Theo Bloomberg)