“Thăm dò” kết quả kinh doanh quý 1, ngành nào bùng nổ?
Ông Đào Hồng Dương - Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu của VPBankS đánh giá bức tranh vĩ mô quý 1 mang màu sắc tích cực, tăng trưởng GDP dự báo tốt hơn năm trước. “Thăm dò” kết quả kinh doanh quý 1 cho thấy nhiều ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép hay điện có sự tăng trưởng và mang lại nhiều kỳ vọng.
![]() Ông Đào Hồng Dương - Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu của VPBankS |
GDP quý 1 tích cực?
Nhìn lại bức tranh vĩ mô 2 tháng đầu năm 2025, hiện tại chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, và sẽ là cấu phần đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GDP năm nay. Dự báo, GDP quý 1 sẽ tốt hơn nhiều so với năm ngoái.
Tốc độ đẩy vốn đầu tư công cũng là yếu tố tích cực, nhanh nhất trong 5 năm trở lại đây. Cán cân thương mại ghi nhận số xuất siêu hơn 1.5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu và nhập khẩu vẫn tăng trưởng dù trước đó từng có nhiều lo ngại về ảnh hưởng từ Trade War 2.0. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng không phải cứ xuất siêu là tích cực.
Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn, xuất khẩu nhiều hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực như hạ tầng, đầu tư, vận tải. Ngoài ra, CPI của Việt Nam cũng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt con số dương.
Ngân hàng tiếp tục là trọng tâm
Ngành ngân hàng sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1 và cả năm 2025. Nếu tăng trưởng GDP quyết tâm đạt trên 8%, tín dụng sẽ phải tăng ít nhất 16%, giúp kết quả của ngành ngân hàng duy trì đà tăng trưởng tối thiểu bằng mức năm ngoái. Đây cũng là ngành có kết quả tích cực nhất trong số các nhóm ngành.
Vốn hóa của ngành cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số. Nhiều nhà đầu tư quan ngại về mức định giá hiện tại của cổ phiếu nhóm này, khi đã duy trì xu hướng đi lên trong hai năm gần đây. Thậm chí nếu nhìn 5 năm, hầu hết cổ phiếu đều duy trì đà tăng. Dù vậy, với dự phóng tăng trưởng, định giá vẫn ở ngưỡng tương đối hấp dẫn.
Triển vọng năm nay của các ngân hàng cũng sẽ phân hóa mạnh hơn năm ngoái. Áp lực về biên lãi thuần (NIM), sự phục hồi của các mảng kinh doanh, việc đầu tư công nghệ sẽ tạo ra sự khác biệt.
Chứng khoán bùng nổ nhờ margin
Với nhóm chứng khoán, quý 1 có thể là một quý rực rỡ, động lực chính đến từ hoạt động margin. Nhìn vào tăng trưởng dư nợ trong năm 2024 khoảng 36%, các công ty chứng khoán sẽ thu được lợi nhuận đáng kể từ số dư nợ này trong quý 1/2025 so với cùng kỳ. Dự báo lợi nhuận trước thuế quý 1 của ngành chứng khoán tăng trên 20% cùng kỳ.
Dư nợ margin cuối năm 2024 đã được công bố giúp nhà đầu tư dễ dàng dự báo lợi nhuận quý 1. Với những công ty đã chạm mức trần dư nợ margin (gấp đôi vốn chủ), việc mở rộng quy mô vốn chủ sẽ là yếu tố quan trọng.
Ngành điện rực rỡ nhưng định giá phân hóa
Với ngành điện, sau ba quý tích cực liên tiếp, tốc độ tăng trưởng kết quả kinh doanh có thể không quá cao về số tuyệt đối so với toàn thị trường, nhưng mức độ tương đối tích cực so với cùng kỳ. Kết quả này đến từ dự báo về sản lượng, giá bán bình quân.
Dự báo kết quả lợi nhuận trước thuế quý 1 phân hóa tương đối mạnh, bởi một số doanh nghiệp chuyển từ lỗ thành lãi, hoặc doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề.
Dù triển vọng tích cực, P/E và P/B của một số doanh nghiệp ngành điện hiện không phải rẻ. Đặc thù là cổ phiếu phòng thủ, nên nhà đầu tư cần quan tâm đến một số chỉ tiêu khác như thanh khoản, vốn hóa thị trường và loại cổ phiếu nào có thể được khối ngoại mua ròng.
Ngành thép duy trì tăng trưởng
Với ngành thép, dự báo lợi nhuận năm nay dựa trên tăng trưởng sản lượng và giá bán bình quân của năm 2025.
Giá thép chịu tác động từ nhiều yếu tố nhưng tựu lại sẽ quy về mặt cung và cầu. Trong đó, ở phía cầu, thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ là hai yếu tố chính ảnh hưởng, còn phía cung là nguồn thép từ Trung Quốc.
Giá thép không hẳn là yếu tố duy nhất cần quan tâm khi đánh giá về kết quả kinh doanh, mà còn một chỉ tiêu khác có sức ảnh hưởng là biên lợi nhuận gộp.
Dầu khí chưa thể bứt phá nhưng định giá ở vùng hấp dẫn
Lợi nhuận chung toàn ngành dầu khí chưa có sự bứt phá trong quý 1, do vừa trải qua kỳ nghỉ dài, giá dầu giữ ở mức thấp, không biến động mạnh, đồng thời nhu cầu chưa thực sự cao. Tuy nhiên, nếu nhìn vào định giá, cơ hội đầu tư có vẻ đã xuất hiện, thậm chí tốt hơn nhiều ngành nghề khác.
Cổ phiếu dầu khí đã điều chỉnh tương đối mạnh, đi ngược với xu hướng chung của thị trường. Hầu hết mức định giá P/E và P/B của nhóm dầu khí giảm về mức thấp so với mặt bằng chung thị trường và so với chính lịch sử của nhóm này. Trong khi đó, triển vọng lợi nhuận năm nay có thể tăng khoảng 13%.
Bất động sản nhà ở phục hồi từ nền thấp
Ngành bất động sản nhà ở đang có sự phục hồi mạnh trong quý 1, dẫn đầu bởi Vinhomes. Tổng lợi nhuận trước thuế tăng mạnh so với nền thấp của cùng kỳ năm 2024. Ngoài Vinhomes, nhiều các doanh nghiệp Midcap chuyển từ từ lỗ sang lãi.
Tựu trung, thông thường kết quả kinh doanh của quý 1 chỉ là một trong những yếu tố thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh trong cả năm. Thời điểm công bố BCTC quý 1 thường trùng với giai đoạn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua kế hoạch kinh doanh năm. Cùng với kết quả tháng 4 và 5, nhà đầu tư sẽ có những định hình dự báo ngành, kỳ vọng của lãnh đạo và triển vọng doanh nghiệp cả năm.
Huy Khải