Thị trường đã hiểu đúng về bản chất trong việc áp thuế 46% của Trump?
Chia sẻ tại chương trình Vietstock LIVE ngày 04/04, ông Vũ Tuấn Duy - Bộ phận Vĩ Mô & Chiến Lược thị trường, Trung tâm Phân tích, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, mục đích quan trọng nhất trong việc áp thuế của Donald Trump là giảm thâm hụt thương mại và gửi đi thông điệp rằng hãy mua hàng của Mỹ thay vì các quốc gia khác, dù có đắt hơn.
Mục đích chính vẫn là giảm thâm hụt thương mại
Chuyên gia SHS cho biết cách tính thuế được Trump công bố mới đây không hề đơn giản, mức thuế 46% được áp chồng lên mức trước đó. Tuy nhiên, phần thuế này không áp cho một số mặt hàng, ngành nghề mà Mỹ đang cần nhập khẩu, chẳng hạn như nhôm, thép, gỗ dạng nguyên vật liệu thô, chất bán dẫn có thể nằm ngoài danh sách. Do đó, phải nghiên cứu, bóc tách kỹ lưỡng.
Ông Duy ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất giày của Việt Nam bán hàng với giá 100 USD, tính dựa theo sắc lệnh mới của Trump thì chỉ cần từ 20% chi phí sản xuất có yếu tố Mỹ, chẳng hạn như chi phí marketing, bản quyền, quảng cáo… thì phần áp thuế 46% sẽ dành cho 80 USD còn lại.
Tuy nhiên, ông Duy cho rằng không nên bị sa đà vào công thức mà ẩn sau đó là những thông điệp, động cơ nào phía sau. Mục đích quan trọng nhất là Trump muốn giảm thâm hụt thương mại và gửi đi thông điệp rằng hãy mua hàng của Mỹ thay vì các quốc gia khác, dù có đắt hơn.
Ông Duy cũng nhấn mạnh rằng, về lâu dài câu chuyện thâm hụt thương mại Mỹ lại tốt cho toàn cầu và chính kinh tế Mỹ.
Mỹ là nền kinh tế dịch vụ, một vài số liệu cho thấy thâm hụt dịch vụ của Mỹ hoàn toàn không có. Những số liệu trong giai đoạn 2022 - 2023 cho thấy Mỹ thặng dư 26.6 tỷ USD về những ngành dịch vụ so với Trung Quốc, thặng dư 1.6 tỷ USD với Việt Nam, 71.9 tỷ USD với Liên minh châu Âu (EU). Những ngành dịch vụ thặng dư như du lịch, bản quyền, các dịch vụ tài chính, viễn thông, thi công xây lắp.
Như vậy, Mỹ đang thặng dư dịch vụ so với các nước khác, nhưng không được nhắc đến trong các quyết định gần đây của Trump.
Doanh nghiệp FDI sẽ chỉ thu hẹp quy mô thay vì di dời
Ông Duy cho biết, khối FDI chiếm trên 70% xuất khẩu của Việt Nam, do đó khi đánh thuế thì họ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, các ảnh hưởng này sẽ không khiến họ rời đi, mà chỉ là thu hẹp quy mô, sau đó là điều chỉnh sản lượng cũng như nhân công, tích hợp AI, số hóa nhiều hơn để chi phí giảm đi.
Cụ thể, các doanh nghiệp phải cân nhắc giữa chi phí và lợi ích. Trong đó, chi phí cho việc rời đi rất cao, bao gồm đền bù, sa thải nhân công, hoặc chi phí thanh lý, di dời máy móc, gián đoạn sản xuất, chi phí xây dựng nhà máy mới, tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới…. khiến khả năng mất thị phần tăng cao.
Do đó, những nhà điều hành doanh nghiệp FDI sẽ phải cân nhắc giữa việc rời đi hay tiếp tục ở lại Việt Nam và cân đối, tối ưu hóa hơn về quy mô, trả phần thuế bị đánh lên khách hàng, chấp nhận giảm biên lợi nhuận… Dần dần mọi thứ sẽ ổn định để thích nghi.
Hoặc nếu lựa chọn rời khỏi Việt Nam thì điểm đến cũng là bài toán nan giải, như tại Malaysia thì quy mô thị trường lao động không lớn bằng, Thái Lan không có được chi phí nhân công rẻ, hay Ấn Độ không có các đạo luật FTA. Thậm chí sau một thời gian, các quốc gia đó cũng có khả năng thặng dư thương mại với Mỹ, dẫn đến bị đánh thuế.
Xét về nhóm ngành, bị ảnh hưởng đầu tiên là khu công nghiệp, cảng biển, logistics hay các ngành phụ trợ như điện, nước.
Lãi suất sẽ ra sao?
Về câu chuyện tỷ giá, việc VND mất giá gần đây không ngoại trừ đến từ lượng tiền FDI đi ra nhiều, dẫn đến dư VND trong hệ thống, làm lãi suất liên ngân hàng giảm.
Thực tế Việt Nam cũng đã xác định chấp nhận mục tiêu lạm phát lên 5%, do đó nếu tỷ giá có tăng sẽ vẫn trong tầm kiểm soát.
Lãi suất huy động cũng sẽ được giữ ở mức thấp, nhưng bù lại NIM ngân hàng sẽ phải hy sinh.
Huy Khải