Thống đốc NHNN nói về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

date
24/04/2025 14:42

Thống đốc NHNN nói về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ.

Sáng 24/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành nội dung phiên họp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình

Tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu

Trình bày Tờ trình, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của ngân hàng nhà nước theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành ngân hàng nhà nước nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho ngân hàng nhà nước trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ. Đồng thời, quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng được thực hiện theo quan điểm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác xử lý nợ xấu. Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã phát huy tốt hiệu quả trong quá trình Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực. 03 chính sách được luật hóa phải được xác định rõ ràng nội dung và đánh giá tác động cụ thể; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh nêu rõ, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên, đề nghị làm rõ một số nội dung như: Cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42; trong đó về cơ sở chính trị, đề nghị báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền do việc xử lý tài sản bảo đảm liên quan trực tiếp đến quyền tài sản của công dân; Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan; Các chính sách đề xuất cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện đối với các bên có liên quan; Bổ sung kinh nghiệm quốc tế về quy định pháp luật trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để tham khảo, đề xuất giải pháp phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, tuy nhiên, thời gian gửi hồ sơ rất gấp. Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ tính cấp bách của dự án Luật, cần áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, chính sách về phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt là chính sách mới được bổ sung, do đó, đề nghị rà soát quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng để tránh việc các tổ chức tín dụng dựa vào quyền thu giữ tài sản bảo đảm để nới lỏng điều kiện cho vay, thẩm định tín dụng, đề nghị 03 chính sách được đề xuất luật hóa chỉ áp dụng đối với khoản vay đúng quy định.

Phân cấp, phân quyền để tăng cường hiệu quả trong thực tiễn

Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ cùng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, đánh giá cao hai cơ quan trong thời gian ngắn đã hoàn thiện dự thảo, dự án luật với hồ sơ khá đầy đủ, báo cáo thẩm tra cũng đã khá chi tiết, thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra.

Tham gia thảo luận, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cho biết, dự thảo luật này luật hóa nhiều chính sách được nêu trong Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong khi đó, Nghị quyết này có những quy định khác với luật hiện hành, đặc biệt là về thi hành án dân sự, thu giữ vật chứng, kê biên vật chứng… liên quan đến Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đóng góp ý kiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm bày tỏ nhất trí với chủ trương phân cấp Ngân hàng nhà nước quyết định cho vay đặc biệt để đảm bảo linh hoạt, kịp thời trong hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi chưa quy định cơ chế kiểm soát, dẫn đến phải áp dụng tiêu chí chung, không tính đến yếu tố đặc thù, những khó khăn, rủi ro trong các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chủ tịch Hội đồng dân tộc đề nghị bổ sung nội dung về cơ chế kiểm soát thông qua Hội đồng thẩm định trước khi quyết định tiêu chí lĩnh vực cho vay đặc biệt, bổ sung các lĩnh vực ưu tiên cho vay đặc biệt, ưu tiên cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, dự đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần xem xét, rà soát kỹ lưỡng các quy định về phân cấp, phân quyền, đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện. Quốc hội quyết nghị rõ các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nếu ủy quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì quy trình giải quyết có thể được đẩy nhanh hơn, khắc phục tình trạng chậm trễ do thủ tục hành chính hiện nay. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần xem xét thấu đáo các phương án cơ cấu lại hệ thống tín dụng để đảm bảo tuân thủ các quy định về thẩm quyền, quyền tài sản, quyền công dân và các cơ sở chính trị. Với các vấn đề quan trọng, Chính phủ cần báo cáo và xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ trong thời gian vừa qua đã gấp rút hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan hữu quan có báo cáo thẩm tra sơ bộ, đánh giá khách quan, cụ thể, thể hiện rõ chính kiến. Hồ sơ đã bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét theo quy trình một kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự thảo hồ sơ dự án luật, gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính thẩm tra chính thức theo quy định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Nhật Quang

FILI - 13:40:00 24/04/2025