Thuế quan của Donald Trump sẽ sửa chữa một hệ thống bị phá vỡ?

date
08/04/2025 19:31

Thuế quan của Donald Trump sẽ sửa chữa một hệ thống bị phá vỡ?

Hệ thống thương mại quốc tế đang bị phá vỡ, và học thuyết thuế quan đối ứng của Donald Trump sẽ sửa chữa nó. Liệu sự tái cấu trúc muộn màng này sẽ làm cho cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu trở nên bền vững, thịnh vượng hơn bằng cách khôi phục sự công bằng và cân bằng một hệ thống vốn bị thao túng chống lại nước Mỹ?

Trong nhiều thập kỷ, dưới các quy định của WTO, Mỹ đã phải đối mặt với mức thuế cao hơn từ các đối tác thương mại lớn và những rào cản phi thuế quan mang tính trừng phạt hơn nhiều. Kết quả là một tình trạng khẩn cấp quốc gia đe dọa sự thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Tâm điểm của cuộc khủng hoảng này là thâm hụt thương mại hàng hóa tăng lên hơn 1,000 tỷ USD mỗi năm. Các mô hình kinh tế của thương mại tự do dự đoán rằng sự mất cân bằng thương mại kéo dài sẽ luôn được loại bỏ thông qua điều chỉnh tỷ giá hối đoái là hoàn toàn sai lầm.

Từ năm 1976 bắt đầu xuất hiện tình trạng thâm hụt kéo dài đến năm 2024. Theo đó, thâm hụt thương mại hàng hóa tích lũy của Mỹ đã chuyển hơn 20,000 tỷ USD tài sản của quốc gia hàng đầu thế giới vào tay nước ngoài. Con số này chiếm hơn 60% GDP của Mỹ vào năm 2024. Các lợi ích nước ngoài đã chiếm lĩnh các vùng đất nông nghiệp rộng lớn, nhà ở, công ty công nghệ, và cả một phần nguồn cung thực phẩm của Mỹ.

Một yếu tố trung tâm gây ra tình trạng thương mại một chiều này là quy tắc “tối huệ quốc” của WTO, yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng mức thuế thấp nhất mà họ áp dụng cho bất kỳ quốc gia nào đối với tất cả thành viên WTO. Các đối tác thương mại của Mỹ có thể duy trì mức thuế cao và đồng đều trên diện rộng mà không có động lực nào để đàm phán các điều khoản công bằng hơn với Mỹ.

Kể từ năm 1979, thờ điểm mà việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ đạt đỉnh và vòng đàm phán Tokyo trong Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT - General Agreement on Tariffs and Trade) đưa ra các lộ trình cắt giảm thuế lớn theo hướng tối huệ quốc, Mỹ đã mất 6.8 triệu việc làm trong ngành sản xuất. Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, thu nhập trung bình thực tế hàng tuần tại Mỹ hầu như không tăng, chỉ tăng hơn 10% trong suốt giai đoạn này.

Hiện nay, mức thuế tối huệ quốc trung bình của Mỹ chỉ 3.3%. Trong khi đó, mức thuế của Trung Quốc gấp đôi ở 7.5%. Thái Lan và Việt Nam đều dao động gần 10%, còn Ấn Độ ở mức đáng kinh ngạc 17%. Sự mất cân bằng còn mở rộng sang lĩnh vực ô tô, EU áp dụng mức thuế ô tô gấp 4 lần so với Mỹ, ở mức 10% đối với xe sedan, còn thuế nhập khẩu cơ bản của Trung Quốc đối với xe chở khách là 25%.

Tệ hơn nữa là hàng loạt công cụ phi thuế quan mà các quốc gia nước ngoài sử dụng để “bóp nghẹt” xuất khẩu của Mỹ, tăng cường một cách không công bằng lượng hàng hóa xuất sang Mỹ và đóng cửa thị trường nội địa của họ. Những công cụ này bao gồm thao túng tiền tệ, bóp méo thuế giá trị gia tăng, bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu, doanh nghiệp nhà nước, hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn sản phẩm phân biệt đối xử, hạn ngạch, lệnh cấm, quy trình cấp phép mập mờ, thủ tục hải quan rườm rà, yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại địa phương và ngày càng nhiều hơn là việc sử dụng “chiến tranh pháp lý” tại những nơi như EU để nhắm vào các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ.

Mặc dù về mặt kỹ thuật, WTO cho phép khiếu nại, nhưng hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức này thực tế đã bị phá vỡ, và hậu quả thật thảm khốc. Mỹ đã đưa ra một số tranh chấp thương mại nông nghiệp nổi bật tại WTO nhắm vào các lệnh cấm nhập khẩu gia cầm, thịt bò xử lý hormone và cây trồng biến đổi gen từ nước ngoài. Trong gần như mọi trường hợp, Mỹ đều thắng kiện. Nhưng những chiến thắng này vô nghĩa. Lệnh cấm thịt bò xử lý hormone của EU bị khiếu nại vào năm 1996, bị tuyên bố bất hợp pháp vào năm 1998, nhưng đến nay EU vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm này.

Một hệ thống thương mại mà ở đó Mỹ phải đối mặt với mức thuế cao hơn, rào cản phi thuế quan nghiêm trọng hơn và không có con đường giải quyết khả thi thì chẳng khác gì một “hệ thống danh dự” nhưng tồn tại trong một thế giới không có danh dự. Đó là lý do tại sao nước Mỹ phải và hiện đang tự bảo vệ mình.

Học thuyết thuế quan đối ứng của Trump làm chính xác điều mà WTO thất bại: buộc các quốc gia nước ngoài chịu trách nhiệm. Nước Mỹ giờ đây sẽ áp dụng các mức thuế cao tương tự và rào cản phi thuế quan nghiêm ngặt mà các quốc gia khác áp đặt lên nước Mỹ.

Đây là vấn đề về sự công bằng, và không ai có thể phản bác điều đó. Đây không phải là một cuộc đàm phán. Đối với nước Mỹ, đây là một tình trạng khẩn cấp quốc gia do thâm hụt thương mại gây ra bởi một hệ thống bị thao túng.

Tổng thống Trump luôn sẵn sàng lắng nghe. Nhưng với những nhà lãnh đạo thế giới mà sau nhiều thập kỷ giờ đây đột nhiên đề nghị giảm thuế, cần biết rằng đó chỉ mới là khởi đầu.

Mối đe dọa lớn hơn nhiều nằm ở mạng lưới rào cản phi thuế quan tiếp tục bóp nghẹt ngành công nghiệp Mỹ. Và điều đó buộc phải chấm dứt. Tất cả những gì nước Mỹ muốn chỉ là sự công bằng.

Quốc An (Theo FT)

fili - 18:29:00 08/04/2025