Thuế quan Trump sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái trong năm nay?
JPMorgan Chase & Co. vừa dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái ngay trong năm nay sau khi phân tích kỹ lưỡng tác động tiềm tàng từ các mức thuế quan mới được chính quyền Trump công bố trong tuần qua.
Trong một thông báo gửi đến khách hàng vào ngày 04/04, Michael Feroli - Chuyên gia kinh tế trưởng của JPMorgan, cho biết: "Chúng tôi hiện dự báo GDP thực tế sẽ co lại dưới sức nặng của các mức thuế quan, và cho cả năm, chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP thực tế là -0.3%, giảm mạnh từ mức 1.3% trong dự báo trước đây".
"Dự báo về sự co lại trong hoạt động kinh tế được kỳ vọng sẽ làm giảm tuyển dụng và theo thời gian sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 5.3%", Feroli cho biết.
Dự báo bi quan này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo áp đặt các mức thuế quan đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn cầu. Trên thị trường chứng khoán, chỉ số S&P 500 hơn 10% trong 2 phiên, xuống đáy 11 tháng. Chỉ trong hai phiên giao dịch cuối tuần, vốn hóa thị trường đã "bốc hơi" không dưới 5.4 ngàn tỷ USD.
JPMorgan không đơn độc trong quan điểm bi quan này. Vào thứ Năm, Barclays Plc đã công bố dự kiến GDP sẽ co lại vào năm 2025, "phù hợp với một cuộc suy thoái". Theo sau đó, các nhà kinh tế của Citi cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm nay xuống chỉ còn 0.1%, trong khi UBS hạ dự báo của họ xuống 0.4%.
Jonathan Pingle - Chuyên gia kinh tế trưởng Mỹ của UBS - đưa ra một nhận định đáng chú ý: "Chúng tôi dự kiến nhập khẩu của Mỹ từ phần còn lại của thế giới sẽ giảm hơn 20% trong khoảng thời gian dự báo của chúng tôi, chủ yếu là trong vài quý tới, đưa tỷ trọng nhập khẩu so với GDP trở lại mức trước năm 1986. Tính cương quyết của hành động chính sách thương mại ngụ ý sự điều chỉnh kinh tế vĩ mô đáng kể đối với một nền kinh tế 30 ngàn tỷ USD".
Đình lạm có xảy ra?
Đứng trước tình hình kinh tế đang xấu đi, Michael Feroli của JPMorgan kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất cơ bản vào tháng 6 và tiếp tục cắt giảm tại mỗi cuộc họp tiếp theo cho đến tháng 1 năm sau. Nếu điều này xảy ra, lãi suất cơ bản sẽ giảm xuống khoảng 2.75% đến 3%, thấp hơn nhiều so với mức hiện tại là 4.25% đến 4.5%.
Những đợt cắt giảm đó sẽ diễn ra bất chấp sự gia tăng của một chỉ số quan trọng về lạm phát cơ bản lên 4.4% vào cuối năm, từ mức hiện tại là 2.8%.
"Nếu thực hiện, dự báo lạm phát trì trệ của chúng tôi sẽ đặt ra một tình thế khó xử cho các nhà hoạch định chính sách của Fed", Feroli cảnh báo. "Chúng tôi tin rằng sự yếu kém đáng kể trong thị trường lao động sẽ chiếm ưu thế vào cuối cùng, đặc biệt nếu nó dẫn đến tăng trưởng tiền lương yếu hơn, từ đó mang lại cho ủy ban nhiều tin tưởng hơn rằng một vòng xoáy giá-lương không diễn ra".
Trong khi đó, vào ngày 04/04, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn tỏ ra thận trọng khi phát biểu: "Có vẻ như chúng tôi không cần phải vội vàng" để thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào đối với lãi suất.
Nhận xét này được đưa ra sau khi Cục Thống kê Lao động công bố báo cáo việc làm hàng tháng mới nhất, cho thấy tình hình tuyển dụng vẫn mạnh mẽ trong tháng 3, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã tăng nhẹ lên 4.2%.
Các nhà đầu tư hiện đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 1 điểm phần trăm trước khi kết thúc năm nay, theo dữ liệu từ CME Group.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)