Tiền gửi tiết kiệm dân cư tại TPHCM tăng 4.54%
Đến cuối tháng 3/2025, tổng tiền gửi tiết kiệm dân cư tại TPHCM đạt 1.516 triệu tỷ đồng, chiếm 37.2% trong tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tăng 4.54% so với cuối năm 2024 và tăng 11.95% so với cùng kỳ.
Tiền gửi tiết kiệm dân cư duy trì tốc tăng trưởng qua từng tháng trong 3 tháng đầu năm. Theo đó, đến cuối tháng 3/2025, tổng tiền gửi tiết kiệm dân cư tại TPHCM đạt 1.516 triệu tỷ đồng, chiếm 37.2% trong tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tăng 4.54% so với cuối năm 2024 và tăng 11.95% so với cùng kỳ. Đây là bộ phận tiền gửi gắn với bản chất tiết kiệm, tích lũy, lấy lãi để phục vụ đời sống tiêu dùng của người dân.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 2 đánh giá việc duy trì tốc độ tăng trưởng của bộ phận tiền gửi này có ý nghĩa quan trọng và phản ánh hiệu quả chính sách tiền tệ của NHNN.
Thứ nhất, trong 3 tháng đầu năm, tiền gửi tiết kiệm dân cư duy trì tốc độ tăng trưởng dương, tháng sau cao hơn tháng trước; trong đó, tháng 1/2025 tăng 1.65%, tháng 2/2025 tăng 1.35% và tháng 3/2025 tăng 1.54%.
Thứ hai, cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất tiếp tục phát huy hiệu quả. Trong đó, sự ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng và chính sách lãi suất tốt chính là yếu tố quan trọng, cốt lõi thu hút và phát huy bộ phận tiền gửi này, một hình thức tiền gửi đặc trưng gắn với truyền thống của người dân, với tính ổn định cao; đồng thời phản ánh niềm tin vào chính sách, hệ thống ngân hàng trong suốt quá trình phát triển của kinh tế xã hội đất nước.
Thứ ba, chất lượng dịch vụ tiền gửi ngân hàng nói chung và dịch vụ tiền gửi tiết kiệm dân cư nói riêng ngày càng cao. Nhìn ở góc độ gửi tiền tiết kiệm, ngoài việc nhận lãi, nhận thu nhập, người dân gửi tiền còn nhận được nhiều lợi ích có liên quan khác về cung cấp sản phẩm dịch vụ như: dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tín dụng; dịch vụ thẻ ngân hàng… Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại đã tạo ra nhiều sản phẩm tiền gửi tiết kiệm đa dạng, lợi ích và linh hoạt, giúp cho người gửi tiền thuận lợi trong giao dịch, gửi và rút tiền, với kỳ hạn và số tiền gửi linh hoạt; tiện ích và tính phổ thông của hình thức tiền gửi tiết kiệm giúp mọi người dân đều có thể tiết kiệm và tích lũy số tiền nhỏ nhất thông qua sử dụng dịch vụ ngân hàng số.
Theo ông Lệnh, nếu đặt trong mối liên hệ với các kênh đầu tư khác thì gửi tiền tiết kiệm ngân hàng vừa an toàn, vừa hiệu quả: lợi ích mang lại là tối đa nhưng rủi ro là thấp nhất, trong khi đó không phải đầu tư nhiều vào việc phân tích, nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn như các hình thức đầu tư khác như đầu tư kinh doanh trên thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng…, những hình thức đầu tư có mức độ biến động rất cao, tiềm ẩn rủi ro cao, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức, mang tính chuyên nghiệp và có sự phân tích đánh giá để “ chọn mặt gửi vàng” mới mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.
Ở góc độ vĩ mô, việc tăng trưởng nguồn vốn tiền gửi tiết kiệm dân cư không chỉ phản ánh và hội tụ những yếu tố về cơ chế chính sách; lợi ích và chất lượng dịch vụ ngân hàng mà còn phản ánh niềm tin, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và trên hết phát huy vai trò truyền thống nhưng khoa học: tiết kiệm và tiêu dùng, tích lũy và đầu tư. Giá trị truyền thống “ ích nước, lợi nhà” của hình thức tiền gửi tiết kiệm dân cư tại Ngân hàng luôn luôn thể hiện tính hiệu quả rất cao.
Hàn Đông