Tổng Giám đốc BMSC: Tự doanh gần như không bị ảnh hưởng bởi cú sập đầu tháng 4

date
28/04/2025 19:29

Tổng Giám đốc BMSC: Tự doanh gần như không bị ảnh hưởng bởi cú sập đầu tháng 4

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của CTCP Chứng khoán Bảo Minh (BMSC, UPCoM: BMS), Tổng Giám đốc Phan Tấn Thư cho biết, trong giai đoạn từ đầu tháng 4 đến nay, hoạt động tự doanh của Công ty gần như không bị ảnh hưởng bởi thị trường giảm mạnh.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của BMSC tổ chức chiều ngày 28/04/2025 - Ảnh: Huy Khải

KRX giải quyết rất nhiều vấn đề cố hữu

Nói về các cơ hội trong năm 2025, Tổng Giám đốc Phan Tấn Thư cho biết, đầu tiên là việc nâng hạng thị trường, quyết tâm đó thể hiện rõ nét nhất qua việc hệ thống KRX sẽ "go-live" vào ngày 05/05. Qua đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ nâng hạng, thu hút dòng vốn nước ngoài quay lại.

KRX sẽ khắc phục những điểm yếu cố hữu đã tồn tại suốt nhiều năm qua của hệ thống giao dịch hiện tại, như đứt quãng giao dịch, treo hệ thống. Ngoài ra, KRX có thể giúp tốc độ giao dịch đẩy lên T+0, về mặt lý thuyết thị trường hoàn hảo, điều này sẽ giúp nhà đầu tư giải quyết được nhiều vấn đề hơn.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã xác định sử dụng các công cụ mạnh của Nhà nước là đầu tư công và chính sách tiền tệ, với đầu tư công đi trước và chính sách tiền tệ đi sau, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp.

Một yếu tố nữa là thị trường bất động sản phục hồi. Hiện nay, giới đầu tư kỳ vọng lĩnh vực này sẽ có sự phục hồi và đóng góp nhiều hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tổng Giám đốc Phan Tấn Thư chia sẻ tại đại hội - Ảnh: Huy Khải

Tuy vậy, CEO BMSC cũng nêu ra loạt rủi ro trong năm 2025. Đầu tiên là sự biến động của chính sách toàn cầu, cụ thể là chính sách thuế quan của Mỹ áp đặt cho toàn bộ thế giới. Mỗi ngày trôi qua đều phải cập nhật lại tình hình là Mỹ đang đối xử với Việt Nam như thế nào, với những nước khác ra sao. Có thể nhìn vào con số tuyệt đối là 10%, 46%, 56% nhưng vẫn phải nhìn con số của các nước là đối thủ cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam. Nếu Việt Nam bị áp mức thuế thấp hơn, đó cũng được coi là lợi thế tương đối.

Vị CEO nhắc lại thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tháng 4 đầy sóng gió, định hình lại suy nghĩ của Ban lãnh đạo Công ty cũng như tất cả mọi người tham gia lĩnh vực chứng khoán nói riêng, các nền kinh tế của toàn cầu nói chung.

“Nếu câu chuyện thuế quan không thể được giải quyết triệt để thì chúng ta không biết sẽ có bao nhiêu tuần như thế nữa. Khoảng thời gian này thật sự bất ổn” - CEO BMSC chia sẻ.

Vị CEO cũng nhắc đến các rủi ro vĩ mô có thể đối mặt như sự rời đi của dòng vốn ngoại, FDI kém ổn định. Còn trên thị trường chứng khoán, các rủi ro kể đến như sự cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán thông qua zero-fee, an ninh mạng.

Cú sập tháng 4 không tác động nhiều đến mảng tự doanh

Năm 2025, BMSC lên kế hoạch doanh thu hơn 320 tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 108 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 86 tỷ đồng, lần lượt tăng 8%, 7% và 6% so với kết quả thực hiện năm 2024.

Trong đó, khoản thu từ tự doanh lên đến gần 256 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80%. Công ty cho biết sẽ đầu tư theo hướng chủ động, linh hoạt và bền vững, kết hợp hài hòa giữa danh mục ngắn hạn và dài hạn.

Đối với danh mục dài hạn, Công ty tập trung vào kênh trái phiếu doanh nghiệp, các giấy tờ có giá, cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết. Ở danh mục ngắn hạn, Công ty phân bổ vào trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu niêm yết, mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng 10 - 15%/năm.

CEO BMSC nhấn mạnh, đầu tư và tự doanh là mảng chủ lực của Công ty trong nhiều năm qua, với định hướng không “đánh đấm” mà sẽ đánh giá những khoản đầu tư, doanh nghiệp có sự tăng trưởng tốt. Công ty cũng sẽ tập trung vào hoạt động dịch vụ tài chính, có thể không hấp dẫn bằng hoạt động mua bán trái phiếu trên sàn nhưng vẫn đảm bảo tỷ suất lợi sinh lợi.

“Chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Trong giai đoạn từ đầu tháng 4 đến nay, BMSC gần như không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố về thị trường. Kết quả kinh doanh quý 1 chỉ mang tính tạm thời và vẫn nằm trong lộ trình, đảm bảo kế hoạch. Công ty cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp để tạo ra nguồn thu tốt hơn” - vị CEO chia sẻ.

Đối với mảng môi giới, Công ty dự kiến mang về 32.5 tỷ đồng trong năm 2025, chiếm 10% cơ cấu. Công ty sẽ giảm lãi suất cho vay, xây dựng rổ margin, tập trung vào cổ phiếu VN30… Tìm kiếm phát triển khách hàng mới, khách hàng tiềm năng, chăm sóc nhóm khách hàng có giao dịch lớn. Dự kiến triển khai app giao dịch trong quý 2 để đa dạng hóa kênh giao dịch cho nhà đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Một mảng khác cũng chiếm tỷ trọng khoảng 10% là tư vấn doanh nghiệp và bảo lãnh phát hành, kỳ vọng mang về hơn 30 tỷ đồng. Công ty cho biết tận dụng lợi thế hậu thuẫn từ ngân hàng và mối quan hệ với các định chế tài chính khác. Đẩy mạnh thu xếp vốn và tư vấn mua bán sáp nhập thông qua các kênh tư vấn trên thị trường vốn và thị trường nợ, như phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, phát hành thêm; phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu ra công chúng và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bên cạnh đó, Công ty duy trì hoạt động tư vấn tài chính truyền thống, gồm tư vấn niêm yết, đăng ký giao dịch, tư vấn tổ chức ĐHĐCĐ, tư vấn công bố thông tin…

Tăng vốn vượt 2,000 tỷ, niêm yết lên HOSE

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024, Công ty trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi 6%, quỹ khen thưởng khách hàng 2%. Dựa trên tổng lợi nhuận phân bổ cho chủ sở hữu gần 81 tỷ đồng, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 11 : 1, số lượng hơn 7.8 triệu cp, tương ứng quy mô hơn 78 tỷ đồng.

Với phương án này, số lượng cổ phiếu sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Công ty sử dụng hơn 67 tỷ đồng lãi sau thuế đã thực hiện và hơn 11 tỷ đồng quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ.

Ngoài ra, Công ty cũng chào bán 125 triệu cp riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tương ứng tỷ lệ 175.78%, bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Với giá tối thiểu 10,000 đồng/cp, Công ty dự kiến thu về tối thiểu 1,250 tỷ đồng, trong đó dùng 52% để bổ sung cho hoạt động tự doanh, 16% bổ sung cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán và 32% cho việc thanh toán nợ vay ngân hàng, trái phiếu.

Cả hai phương án đều dự kiến thực hiện trong năm 2025, giúp Công ty nâng số lượng cổ phiếu từ hơn 71.1 triệu cp lên hơn 203.9 triệu cp, tương ứng vốn điều lệ tăng từ hơn 711 tỷ đồng lên hơn 2,039 tỷ đồng.

Cho năm 2025, Công ty tiếp tục trích 6% lãi sau thuế cho quỹ khen thưởng và phúc lợi, trích 2% cho quỹ khen thưởng dành cho khách hàng.

Một nội dung đáng chú ý khác cũng đã được đại hội thông qua là việc niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). Đại hội giao và/hoặc ủy quyền cho HĐQT tổ chức thực hiện các công việc, thủ tục cần thiết theo quy định pháp luật để hoàn thành kế hoạch này.

Đón tân thành viên HĐQT, BKS

Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT Hoàng Văn Thắng và Trưởng BKS Nguyễn Thy Phương đã có đơn xin từ nhiệm gửi HĐQT.

Đồng thời, đại hội thông qua bầu bổ sung các vị trí kể trên cho nhiệm kỳ 2023 - 2028. Trong đó, bà Nguyễn Thy Phương sau khi được miễn nhiệm Trưởng BKS đã ngồi vào ghế thành viên HĐQT, còn vị trí thành viên BKS còn thiếu được thay thế bởi ông Trần Văn Ngưng.

Các lãnh đạo BMSC nhận hoa chúc mừng tại đại hội - Ảnh: Huy Khải

Huy Khải

FILI - 18:27:18 28/04/2025