Tranh cãi về cách Mỹ tính mức thuế đối ứng
Thị trường tài chính toàn cầu đang dồn sự chú ý vào một câu hỏi lớn: Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tính toán làm sao để ra được những mức thuế quan cao chấn động như vậy?
Trước đó, Trump và Nhà Trắng đã chia sẻ một loạt bảng biểu về thuế đối ứng. Những bảng biểu này không chỉ liệt kê mức thuế mà họ cho rằng các quốc gia khác đang áp đặt lên Mỹ - có tính tới cả "thao túng tiền tệ và rào cản thương mại" - mà còn chỉ ra chính xác mức thuế quan mới mà Mỹ sẽ áp dụng cho từng đối tác.
![]() Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Điều đáng chú ý là hầu hết các mức thuế quan mới của Mỹ chỉ bằng khoảng một nửa so với mức mà chính quyền Trump tuyên bố đang bị áp đặt lên họ.
Chỉ vài giờ sau thông báo, các nhà quan sát thị trường đã giải mã ngược để tìm hiểu xem Mỹ đã sử dụng công thức nào để tính ra những con số thuế quan - và kết quả họ tìm ra khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhiều người, bao gồm cả nhà báo James Surowiecki, chỉ ra, Mỹ dường như đã áp dụng một công thức đơn giản: Chia thâm hụt thương mại cho tổng giá trị nhập khẩu từ một quốc gia để có được mức thuế quan cho quốc gia đó.
Phương pháp như vậy không nhất thiết phù hợp với cách tiếp cận thông thường để tính thuế quan và sẽ ngụ ý rằng Mỹ chỉ xem xét thâm hụt thương mại về hàng hóa và bỏ qua thương mại dịch vụ.
![]() |
Hãy lấy Trung Quốc làm ví dụ. Mỹ tuyên bố Trung Quốc áp dụng mức thuế 67%. Theo dữ liệu chính thức, Mỹ thâm hụt 295.4 tỷ USD với Trung Quốc trong năm 2024, trong khi hàng hóa nhập khẩu trị giá 438.9 tỷ USD. Khi chia 295.4 tỷ USD cho 438.9 tỷ USD, kết quả chính xác là 67%. Phép tính tương tự cũng đúng đối với Việt Nam.
"Công thức này thực chất liên quan đến sự mất cân bằng thương mại với Mỹ hơn là thuế quan đối ứng theo nghĩa thông thường", Trinh Nguyen, nhà kinh tế cao cấp phụ trách thị trường châu Á mới nổi tại Natixis, nhận định. "Điều này đặt các nước châu Á, đặc biệt là những nước khó khăn hơn, vào thế khó khi phải đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc giảm thuế quan trong ngắn hạn vì họ phải mua hàng Mỹ nhiều hơn là xuất hàng đến Mỹ".
Theo bà, thách thức đến từ việc hàng hóa của Mỹ thường có giá cao hơn so với hàng hóa sản xuất tại các nước này, trong khi người dân ở các quốc gia bị áp thuế cao nhất thường có thu nhập thấp hơn và khả năng chi trả hạn chế.
"Trong khi đó, Việt Nam, nổi bật với thặng dư thương mại lớn thứ 4 với Mỹ, đã hạ thuế quan đối với hàng hoá Mỹ trước khi Trump thông báo về thuế quan đối ứng mà vẫn không được giảm nhẹ chút nào", Trinh Nguyen nhận định.
Mỹ cũng dường như đã áp dụng mức thuế 10% cho các khu vực mà họ đang có thặng dư thương mại.
Trên website, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã trình bày cách tiếp cận của họ, có vẻ hơi giống với những gì các thám tử mạng đã tìm ra, ngoại trừ một vài điểm khác biệt.
“Việc tính toán riêng lẻ ảnh hưởng gây thâm hụt thương mại của hàng chục ngàn chính sách thương mại khác nhau tại mỗi quốc gia là cực kỳ phức tạp, nếu không muốn nói là không thể. Tuy vậy, tổng tác động của chúng có thể được thay thế bằng cách tính toán một mức thuế quan phù hợp để đưa thâm hụt thương mại song phương về bằng 0. Nếu thâm hụt thương mại tồn tại dai dẳng do các chính sách thuế quan và phi thuế quan cùng các yếu tố cơ bản, thì mức thuế quan phù hợp để bù đắp cho các chính sách và yếu tố cơ bản này là mang tính đối ứng và công bằng", trích từ website của USTR.
USTR cũng đưa vào tính toán các yếu tố phức tạp hơn như độ co giãn của nhập khẩu đối với giá cả - nói cách khác là độ nhạy cảm của nhu cầu đối với hàng hóa nước ngoài đối với giá cả - và mức độ truyền dẫn của thuế quan sang giá nhập khẩu.
Xét trong môi trường trong đó Mỹ áp dụng mức thuế τi đối với quốc gia i, với Δτi đại diện cho thay đổi trong mức thuế. mi là tổng giá trị nhập khẩu từ quốc gia i và xi là tổng giá trị xuất khẩu sang quốc gia i. Công thức tính thuế của USTR sẽ như sau:
Công thức tính của USTR
Trong đó, ε là độ co giãn giá nhập khẩu, φ là mức độ truyền dẫn thuế quan sang giá nhập khẩu.
Một số nhà phân tích thừa nhận rằng phương pháp của chính phủ Mỹ có thể cho họ nhiều không gian linh hoạt hơn để đạt được thỏa thuận.
"Sự thiếu minh bạch xung quanh các con số thuế quan có thể tạo thêm một số linh hoạt để Mỹ đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, nó có thể gây tổn hại đến uy tín của Mỹ", Rob Subbaraman, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Nomura, cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)