Trung Quốc sẵn sàng đàm phán nếu Mỹ thể hiện sự tôn trọng và chỉ định người đại diện đàm phán
Bắc Kinh muốn chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện một số bước đi trước khi đồng ý đàm phán thương mại, bao gồm việc thể hiện sự tôn trọng hơn bằng cách kiềm chế những phát ngôn tiêu cực từ các thành viên nội các của ông, theo nguồn tin thân cận với Chính phủ Trung Quốc.
Gần hai, hai bên căng thẳng hơn khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance có những bình luận tiêu cực về "nông dân Trung Quốc", khiến người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian phải lên tiếng chỉ trích gay gắt, gọi đây là những nhận xét "thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng".
Nguồn tin này cũng cho biết, Trung Quốc còn đặt thêm những điều kiện khác, bao gồm yêu cầu Mỹ cần có lập trường nhất quán hơn và sẵn sàng giải quyết các mối quan ngại của Bắc Kinh về các lệnh trừng phạt cũng như vấn đề nhạy cảm liên quan đến Đài Loan.
Một điều kiện cốt lõi nữa là Mỹ phải chỉ định một đại diện cao cấp có đủ thẩm quyền từ Tổng thống để dẫn dắt quá trình đàm phán, nhằm chuẩn bị cho một thỏa thuận mà cả ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể cùng ký kết trong tương lai.
![]() Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Tương lai của nền kinh tế toàn cầu và sự ổn định của thị trường tài chính đang phụ thuộc rất lớn vào khả năng hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới tìm được tiếng nói chung để tránh một cuộc chiến thương mại kéo dài. Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã áp mức thuế cao kỷ lục 145% lên phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải đáp trả bằng các biện pháp tương ứng. Cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tiếp tục leo thang.
Thị trường tài chính đã phản ứng tích cực trước những tín hiệu về khả năng đàm phán. Đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế đã tăng giá 0.2% so với đồng USD ngay sau khi thông tin được công bố. Đồng Đôla Úc, một đồng tiền vốn có mối liên hệ mật thiết với nền kinh tế Trung Quốc, cũng tăng 0.5%. Hợp đồng tương lai của chỉ số S&P 500 đã thu hẹp mức giảm sau khi có lúc lao dốc tới 1.6%.
Tại Trung Quốc, làn sóng ủng hộ mạnh mẽ từ người dân đã tạo ra động lực chính trị giúp ông Tập Cận Bình bỏ qua những yêu cầu lặp đi lặp lại từ ông Trump về một cuộc điện đàm trực tiếp. Trong khi đó, vào ngày 15/04 vừa qua, Mỹ một lần nữa kêu gọi Trung Quốc chủ động liên hệ để khởi động quá trình đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng thương mại.
Hiện chưa rõ yếu tố nào sẽ tạo ra bước đột phá để thúc đẩy hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Mặc dù cả Washington và Bắc Kinh đều bày tỏ mong muốn sẵn sàng đối thoại, nhưng dường như ông Trump đang mong muốn ông Tập chủ động liên hệ trước, trong khi phía Trung Quốc lại muốn đảm bảo rằng bất kỳ cuộc gặp gỡ cấp cao nào cũng phải mang lại những kết quả cụ thể.
Ngay cả khi hai bên đạt được đồng thuận về quy trình đàm phán, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để tiến tới một thỏa thuận. Các yêu cầu từ phía ông Trump vẫn chưa được làm rõ, trong khi nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ có thể sẽ vẫn duy trì mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc để đạt mục tiêu cân bằng thương mại và thu hút các nhà sản xuất đến Mỹ.
Chặng đường khó khăn phía trước
Theo nhận định của Michelle Lam, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng Societe Generale SA, mặc dù cả Bắc Kinh và Washington đều mong muốn giảm bớt mức thuế trước áp lực từ trong nước, nhưng các cuộc đàm phán sắp tới "khó có thể mang lại sự hạ nhiệt đáng kể cho căng thẳng hiện nay".
"Hiện tại chúng ta đã thấy rõ hơn về những gì Trung Quốc đang tìm kiếm: Sự tôn trọng, tính nhất quán trong chính sách và một đại diện đàm phán chính thức", bà Lam nhận định. "Vậy giờ đây, bóng đang ở sân của Mỹ, liệu họ có thể đáp ứng những điều kiện này hay không. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn - đặc biệt nếu mục tiêu thực sự của Washington là kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc".
Theo một nguồn tin có hiểu biết về chiến lược của Bắc Kinh, yếu tố tiên quyết quan trọng nhất để khởi động bất kỳ cuộc đàm phán nào là các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần có được sự đảm bảo rằng quá trình đối thoại sẽ diễn ra trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau.
Mặc dù chính ông Trump thường có những phát ngôn tương đối ôn hòa về Chủ tịch Tập Cận Bình, nhiều thành viên khác trong chính quyền của ông lại thể hiện lập trường cứng rắn hơn nhiều, khiến các quan chức Bắc Kinh không chắc chắn về định hướng thực sự của chính sách Mỹ, nguồn tin này tiết lộ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)