Vì sao doanh nghiệp ngại kiểm kê phát thải?
Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của thị trường carbon, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực hiện kiểm kê khí nhà kính do thiếu nguồn lực, chuyên môn và cơ chế hỗ trợ cụ thể.
Thông tin được bà Phạm Liên Anh - Trưởng nhóm Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế khu vực Mê Kông của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) công bố tại diễn đàn Thị trường carbon Việt Nam 2025.
Theo khảo sát hơn 240 doanh nghiệp do IFC phối hợp cùng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thực hiện, mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp Việt Nam còn khá khiêm tốn. Khảo sát tập trung vào 4 lĩnh vực có tiềm năng tạo tín chỉ carbon cao là sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, sản xuất chế biến thực phẩm & nước giải khát (F&B) và quản lý chất thải.
Mặc dù phần lớn được hỏi đều bày tỏ sự quan tâm đến thị trường carbon, nhưng số lượng đơn vị đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Ngành F&B có mức độ sẵn sàng cao hơn do nhiều doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc kiểm kê hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, phải tuân thủ yêu cầu từ công ty mẹ. Trong khi đó, nhóm ngành sản xuất lúa gạo có tỷ lệ kiểm kê thấp nhất, chỉ khoảng 10%.
Một điểm chung là rất ít tổ chức thực hiện đo lường hoặc xác minh hiệu quả các biện pháp giảm phát thải mà họ đã triển khai. Dù nhiều đơn vị đã áp dụng giải pháp như tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý chất thải sinh học hay trồng cây xanh, nhưng hầu hết chưa có hệ thống theo dõi và báo cáo cụ thể.
![]() Bà Phạm Liên Anh phát biểu tại diễn đàn. Nguồn: Ảnh chụp màn hình |
Nguyên nhân được xác định là do thiếu hướng dẫn kỹ thuật chi tiết, thiếu chuyên gia tư vấn, đồng thời lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu. Ngoài ra, việc thiếu khung pháp lý rõ ràng và cơ chế công nhận kết quả giảm phát thải khiến họ chưa có động lực đầu tư cho kiểm kê và xác minh phát thải.
Số hóa hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) cũng là một điểm yếu. Phần lớn chưa triển khai công nghệ theo dõi phát thải do không nắm rõ tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như chưa được hướng dẫn cụ thể.
Khi được hỏi về mong muốn hỗ trợ, nhiều đơn vị đề xuất cần xây dựng chính sách công nhận giảm phát thải tự nguyện, chẳng hạn như nhãn carbon cho sản phẩm. Họ cũng đề nghị có hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính theo từng tiểu ngành, cập nhật danh mục công nghệ giảm phát thải phù hợp và thiết lập hệ sinh thái thị trường gồm đơn vị tư vấn, thẩm định, tổ chức tài chính và trung gian giao dịch.
Bà Phạm Liên Anh cho biết: “Doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc tham gia thị trường carbon, nhưng để hiện thực hóa đòi hỏi những nỗ lực hết sức đồng bộ để giải quyết đồng thời các vấn đề từ chính sách, kỹ thuật đến tài chính”.
Kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp sẵn sàng tham gia nếu có đủ thông tin, công cụ và cơ chế khuyến khích rõ ràng. Tuy nhiên, để thị trường carbon vận hành hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân trong việc xây dựng hạ tầng pháp lý và kỹ thuật.
Tử Kính