Vì sao giá vàng miếng tăng vọt lên 122.5 triệu đồng/lượng?
Sáng ngày 22/04, giá bán ra vàng miếng chạm 122.5 triệu đồng/lượng, tăng 4.5 triệu đồng so với đầu phiên.
Cập nhật lúc 9h37p sáng 22/04, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết giá vàng miếng tăng lên mức 120.5-122.5 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán, tăng 4.5 triệu đồng/lượng ở mỗi chiều so với giá kết phiên hôm trước. Trong khi đó, vàng nhẫn cũng tăng giá lên 116-119 triệu đồng/lượng ở chiều mua-bán.
![]() Nguồn: SJC |
Tại các thương hiệu vàng khác như PNJ, Bảo Tín Minh Châu, DOJI... cập nhật lúc mở cửa, giá mua - bán vàng miếng cũng được tăng lên mức 120.5-122.5 triệu đồng/lượng.
![]() Nguồn: PNJ |
![]() Nguồn: Bảo Tín Minh Châu |
Sau khi giảm nhẹ vào cuối tuần qua, giá vàng trong nước đảo chiều tăng theo giá vàng thế giới mạnh hơn so với kỷ lục từng đạt được trước đó.
Giá vàng thế giới vượt ngưỡng 3,400 USD/oz vào ngày 21/04, lập kỷ lục mới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe doạ tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chính sách thuế quan của ông đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/04, hợp đồng vàng tương lai tiến 2.91% lên 3,425.30 USD/oz, với nhà đầu tư mua vào kim loại quý khi USD rớt xuống mức đáy 3 năm. Giá vàng đã leo dốc 30% kể từ đầu năm nay và tăng 8% kể từ khi ông Trump công bố loạt thuế quan vào ngày 02/04.
Tổng thống Trump đã gia tăng áp lực lên Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Hai và yêu cầu ngân hàng trung ương hạ lãi suất ngay bây giờ.
Giá vàng dự báo còn tăng, có thể dịch chuyển sang bạc?
Phân tích nguyên nhân vì sao giá vàng tăng mạnh trở lại, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi giải thích do đàm phán giữa Mỹ và Nhật không có kết quả, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, bất ổn trong chính nội bộ chính quyền và bên trong nước Mỹ đã tạo ra tâm lý bất ổn toàn cầu, theo đó đẩy giá vàng tiếp tục chinh phục các mốc đỉnh mới. Nếu không có sự hạ nhiệt thì giá vàng thế giới hoàn toàn có thể chinh phục mốc 3,500 USD/oz. Trong nước, giá vàng hoàn toàn có thể tăng tiếp tục theo giá thế giới.
Chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng sau khi vượt mốc 120 triệu đồng/lượng, mục tiêu tiếp theo của giá vàng trong nước là 130-135 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng còn phụ thuộc vào nhu cầu, kỳ vọng thị trường trong nước nên nếu chênh lệch thì vẫn cao hơn giá thế giới chục triệu thì có thể đạt mục tiêu nhanh hơn.
Trong khi đó, theo ông Ngô Minh Vũ - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, giá vàng trong nước và thế giới đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Hiện, giá vàng thế giới đã vượt mốc 3,447 USD/oz, trong khi giá bán vàng miếng trong nước đạt 122.5 triệu đồng/lượng.
Ông Vũ cho biết: "Nhiều dự báo cho rằng giá vàng thế giới có thể chạm ngưỡng 4,000 USD/oz vào cuối năm nay. Nếu xu hướng này tiếp diễn, giá vàng trong nước có khả năng tăng thêm 20-30% so với mức hiện tại". Tuy nhiên, ông Vũ cũng lưu ý mức tăng cụ thể còn phụ thuộc vào chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Về thị trường bạc, ông Vũ nhận định đây là kênh đầu tư ít được quan tâm tại Việt Nam do nguồn cung hạn chế và thói quen đầu tư của người dân vẫn tập trung vào vàng. "Khi giá vàng tăng quá cao, một số nhà đầu tư có thể chuyển sang bạc, nhưng tính thanh khoản của thị trường này hiện còn thấp", ông Vũ phân tích.
Trước tâm lý "ham lời" của nhiều nhà đầu tư khi giá vàng liên tục lập đỉnh, chuyên gia này đưa ra lời khuyên: "Thị trường vàng hiện biến động rất mạnh, có ngày lên xuống 2-4%, tương tự như cổ phiếu. Chỉ nên đầu tư nếu chấp nhận được rủi ro này, còn với người mua theo phong trào thì đây là kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro". Theo ghi nhận, một số thương hiệu có cung cấp dịch vụ mua bán bạc miếng, nhưng tính thanh khoản không cao do chỉ được giao dịch nội bộ. Hiện tại, chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định, tránh tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Cát Lam