Việt Nam cần làm gì để ứng phó với chính sách thuế quan?

date
04/04/2025 09:02

Việt Nam cần làm gì để ứng phó với chính sách thuế quan?

Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao với hàng hóa Việt Nam là một rủi ro lớn, nhưng cũng là bài kiểm tra cho khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với những thay đổi, đồng thời tận dụng cơ hội để nâng cao nội lực nền kinh tế.

Có đến 180 quốc gia chịu mức áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ đang tạo ra xu hướng dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Và việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên tới 46% đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là là thông tin được quan tâm nhất lúc này.

Mức thuế 46% có thể giảm xuống

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cấp cao Đại học kinh tế TPHCM (UEH)

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cấp cao Đại học kinh tế TPHCM (UEH) cho rằng chính sách thuế quan từ Mỹ chắc chắn sẽ có tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Đầu tiên, mức thuế 46% sẽ ảnh hưởng tương đối lớn với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, bởi vì những đối thủ cạnh tranh ở các nước khác bị áp thuế ít hơn họ sẽ rộng đường xuất khẩu vào Mỹ hơn.

Tuy nhiên, đây không phải là mức thuế cuối cùng mà Việt Nam phải chịu, vì sẽ còn thương lượng trên bàn đàm phán, có thể giảm xuống còn 20-25%. Mặc dù vậy, chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn sẽ chịu tác động tiêu cực vì Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đóng vai trò trung gian trong việc xuất khẩu sang Mỹ nên về giá trị tuyệt đối, xuất khẩu có thể giảm vài chục tỷ USD thặng dư thương mại, và nhập khẩu cũng sẽ có mức giảm tương ứng.

Thứ hai, dòng vốn FDI sẽ bị ảnh hưởng vì các doanh nghiệp này sẽ tìm kiếm các thị trường khác có mức thuế rẻ hơn để xuất sang Mỹ. Do vậy, các doanh nghiệp FDI có thể cân nhắc, tìm kiếm cơ hội ở những quốc gia bị áp thuế hàng xuất sang Mỹ ít hơn vì Mỹ là thị trường chính của các tập đoàn FDI.

“Nhìn chung, tác động đến kinh tế Việt Nam cũng không quá lớn như chúng ta nghĩ”, ông Huân đánh giá.

Cần cân bằng cán cân thương mại, tăng tỷ lệ nội địa hóa

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, để giảm thiểu tác động từ chính sách thuế của Mỹ, Việt Nam cần có những bước đi chiến lược. Trước tiên, cần tìm cách giảm thâm hụt thương mại với Mỹ bằng việc đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa từ nước này. Các biện pháp như miễn thuế nhập khẩu hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng Mỹ vào Việt Nam có thể giúp cải thiện cán cân thương mại.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần điều chỉnh chiến lược xuất khẩu để tránh bị Mỹ coi là "trạm trung chuyển" cho hàng hóa từ các nước khác nhằm tránh thuế. Do vậy, cần có những quy định chặt chẽ hơn về xuất xứ hàng hóa và tỷ lệ nội địa hóa để đảm bảo tính minh bạch, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.

Bối cảnh hiện tại cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao tính tự chủ trong nền kinh tế. Để làm được điều này, Việt Nam cần phát triển mạnh các tập đoàn tư nhân, tạo ra những doanh nghiệp đầu tàu có khả năng dẫn dắt nền kinh tế và vươn tầm quốc tế.

Một trong những yếu tố then chốt chính là đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất và xuất khẩu, từ đó giảm sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài và tăng khả năng thích ứng với các biến động quốc tế.

Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao với hàng hóa Việt Nam là một rủi ro lớn, nhưng cũng là bài kiểm tra cho khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với những thay đổi, đồng thời tận dụng cơ hội để nâng cao nội lực nền kinh tế.

Nhà đầu tư cần tránh hành động vì rủi ro quá lớn

Việc Mỹ quyết định áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam đang tạo ra những tác động mạnh mẽ lên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Mở cửa phiên 04/03, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh.

Theo ông Huân, cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất như: Nông lâm thủy sản, cao su. Ngoài ra những doanh nghiệp FDI cũng bị ảnh hưởng như Samsung, Intel…

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách này chủ yếu thuộc các doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa hoặc xuất khẩu sang các khu vực khác ngoài Mỹ.

Trụ đỡ chính của tỷ giá là xuất khẩu, do đó nếu áp thuế chắc chắn sẽ gây áp lực cho tỷ giá. Thế nhưng, quy mô xuất nhập khẩu giảm nhiều, do đó dù cường độ tác động lớn với tỷ giá, nhưng số tuyệt đối sẽ không giảm nhiều.

Khi thế giới càng bất ổn thì giá vàng càng tăng. Việc giá vàng thế giới lên 3,200-3,300 USD/oz chỉ là vấn đề thời gian. Trong nước, giá vàng chắc chắn sẽ có những phiên điều chỉnh tăng giảm, từ nay dến cuối năm, vàng có thể đạt đỉnh 110 triệu đồng/lượng.

“Dù là đầu tư kênh nào, nhà đầu tư cũng cần quan sát thêm, tránh hành động ở thời điểm hiện tại vì độ rủi ro quá lớn”, ông Huân khuyến cáo.

* Nhóm không thuộc thuế đối ứng: Thép, nhôm và vàng

* Nỗi sợ bao trùm thị trường tài chính toàn cầu sau cú sốc thuế quan từ Trump

* Mỹ áp thuế 46% lên Việt Nam: Trong nguy có cơ?

* Hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ bị Trump áp thuế đối ứng

Cát Lam

FILI - 08:00:00 04/04/2025