Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghiệp đường sắt vào năm 2045
Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất đầu máy, toa xe và hình thành hệ sinh thái công nghiệp đường sắt vào năm 2045. Đây là định hướng chiến lược trong kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển hệ thống đường sắt là then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy kết nối vùng và hội nhập quốc tế. Đường sắt có nhiều ưu điểm như vận tải khối lượng lớn, chi phí thấp, an toàn và thân thiện môi trường. Mục tiêu đến năm 2030-2045, Việt Nam phải làm chủ công nghệ sản xuất toa xe, đầu máy và phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt.
Theo chỉ đạo, các dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái, cùng hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ được ưu tiên triển khai. Đây là cơ hội để Việt Nam nắm bắt công nghệ, hình thành ngành công nghiệp đường sắt nội địa.
Thủ tướng yêu cầu huy động tối đa các nguồn lực, trong đó có ngân sách, vốn vay ODA, trái phiếu và khai thác quỹ đất theo hình thức TOD. Đồng thời, cần xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế chính sách đặc thù, quy trình chỉ định thầu, cùng đội ngũ tổng công trình sư đủ năng lực.
![]() Đến năm 2030-2045, Việt Nam phát triển được công nghiệp đường sắt (làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt...) |
Ban Chỉ đạo phải xác định rõ trách nhiệm, làm việc khẩn trương, minh bạch, tránh lãng phí. Các địa phương được giao chủ đầu tư công tác giải phóng mặt bằng cần chủ động bố trí vốn và phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành. Bộ Xây dựng được giao chủ trì đôn đốc các địa phương, kịp thời báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn.
Về mặt pháp lý, các bộ, ngành liên quan cần gấp rút xây dựng, trình Chính phủ các nghị định, cơ chế đặc thù cho từng nhóm nhiệm vụ, hoàn thành trong quý 1/2025. Các nội dung bao gồm quy trình thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED), cơ chế lựa chọn doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghệ, sử dụng rừng phục vụ thi công, và phát triển khoa học công nghệ đường sắt.
Bộ Công Thương được giao chủ trì xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt; Bộ Xây dựng làm Đề án đào tạo nguồn nhân lực; Bộ Tài chính lập phương án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo hướng mô hình tập đoàn. Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát quy hoạch các cơ sở giáo dục phù hợp với yêu cầu đào tạo chuyên ngành đường sắt.
Thủ tướng đồng ý với đề xuất tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và giao cơ quan chức năng hướng dẫn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Doanh nghiệp này cũng được giao chủ động lập hồ sơ dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án trọng điểm.
Với dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Thủ tướng yêu cầu thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước trong tháng 4/2025 và khởi công vào tháng 12 cùng năm. Bộ Xây dựng sẽ khởi công ga Lào Cai mới và các khu tái định cư trong năm. Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính đàm phán Hiệp định vay với phía Trung Quốc, hoàn tất trong tháng 11/2025.
Đối với tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái, các cơ quan liên quan được yêu cầu chuẩn bị hồ sơ để triển khai đồng bộ. Riêng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, mục tiêu là khởi công cuối năm 2026. Bộ Xây dựng được giao đề xuất cơ chế chỉ định thầu trong tháng 4, báo cáo Quốc hội vào tháng 5.
Tại 2 đô thị lớn, UBND Hà Nội và TPHCM cần triển khai Nghị quyết 188/2025/QH15, xác định rõ tiến độ, nguồn vốn và cơ chế chính sách cho các tuyến metro, đồng thời có trách nhiệm tham gia phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem xét phê duyệt tuyến số 3 ga Hà Nội – Yên Sở và điều chỉnh nguồn vốn với tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương. Các bộ ngành phải phối hợp chặt chẽ để hoàn tất các thủ tục trong tháng 4–6/2025, góp phần thúc đẩy hiện đại hóa hạ tầng giao thông, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên đường sắt mới.
Tử Kính