Vinatex: Doanh nghiệp sợi bắt đầu có lãi, ngành may dồn đơn hàng sớm để "né" chính sách thuế quan

date
08/04/2025 12:18

Vinatex: Doanh nghiệp sợi bắt đầu có lãi, ngành may dồn đơn hàng sớm để "né" chính sách thuế quan

Ngành sợi thuộc Vinatex bắt đầu cắt lỗ trong quý 1/2025. Với ngành may, đơn hàng được đẩy nhanh tiến độ giao hàng để giảm thiểu rủi ro từ các chính sách thuế của Mỹ.

Hội nghị được Vinatex tổ chức sáng 03/04. Ảnh: VGT

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1/2025 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT). Theo báo cáo tại hội nghị, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn trong quý 1 đạt khoảng 4,417 tỷ đồng, bằng 24% kế hoạch năm. Lãi trước thuế ước đạt 271 tỷ đồng, tương đương 30% kế hoạch.

Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã cắt lỗ và có lợi nhuận, nhờ cải thiện vận hành và tiết giảm chi phí. Đơn hàng sợi hiện có đến tháng 5/2025, nhưng thị trường đang chậm lại từ cuối tháng 2 do giá bông giảm và lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Với ngành may, nhiều đơn vị đã kín đơn hàng đến hết quý 2/2025 và đang đàm phán cho quý 3. Tuy nhiên, các đơn hàng quý 1 được giao sớm hơn thường lệ để tránh rủi ro thuế quan, trong khi đơn hàng quý 2 đang có dấu hiệu chững lại do khách hàng "nghe ngóng" các chính sách từ chính quyền Tổng thống Trump.

Bình tĩnh ứng phó thuế Mỹ, mở rộng thị trường mới

Một trong những nội dung thu hút sự chú ý gần đây là đề xuất áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam vào Mỹ. Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex, mức tăng này vẫn thấp hơn so với Trung Quốc và không quá cách biệt với các quốc gia cạnh tranh còn lại.

Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường

Trước mắt, chính sách thuế có thể gây ra tâm lý hoang mang và tác động nhất định tới nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trường nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp cần bình tĩnh, sáng suốt đưa ra các giải pháp bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, đàm phán chia sẻ khó khăn với khách hàng và giữ ổn định lực lượng sản xuất".

Ông cũng lưu ý rằng chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump là "chính sách linh hoạt có thương thảo", nên doanh nghiệp hoàn toàn có thể kỳ vọng vào vai trò đàm phán của Chính phủ để giảm thiểu các loại thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng với Việt Nam.

Về dài hạn, để thích ứng, ngành dệt may cần tính toán lại cán cân thương mại với Mỹ, tăng cường sử dụng bông Mỹ để vừa giảm nhập siêu vừa đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ khi Việt Nam là quốc gia xuất siêu vào Mỹ.

Ở góc độ doanh nghiệp, trao đổi riêng với người viết, ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt May Thành Công (TCM) - bày tỏ mức đề xuất thuế 46% nhiều khả năng chỉ là bước đi thăm dò từ Mỹ, nhằm đánh giá phản ứng từ các nước. Nếu chính sách này thực sự được triển khai trong dài hạn, các doanh nghiệp Việt sẽ buộc phải giảm tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ và mở rộng sang các thị trường có FTA như EU hay CPTPP.

Một mối lo khác, theo ông Tùng, là vấn đề truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu. "Nếu Mỹ siết chặt hơn nữa, thì việc doanh nghiệp Việt đang phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu từ Trung Quốc có thể trở thành bất lợi", ông nói thêm.

>> Dệt may Việt Nam chao đảo: "Mức thuế 46% từ Mỹ là cú sốc lớn"

Thế Mạnh

FILI - 11:16:29 08/04/2025