Ấn Độ đề xuất miễn thuế song phương cho thép, linh kiện ô tô và dược phẩm từ Mỹ

date
06/05/2025 12:16

Ấn Độ đề xuất miễn thuế song phương cho thép, linh kiện ô tô và dược phẩm từ Mỹ

Ấn Độ đã đề xuất áp dụng mức thuế 0% đối với thép, linh kiện ô tô và dược phẩm từ Mỹ trên cơ sở có đi có lại, nhưng chỉ áp dụng cho một lượng nhập khẩu nhất định, theo nguồn tin thân cận từ Bloomberg.

Theo đề xuất này, hàng hóa công nghiệp vượt quá ngưỡng quy định sẽ bị áp mức thuế thông thường. Ý tưởng này được các quan chức thương mại Ấn Độ đưa ra trong chuyến thăm Washington vào cuối tháng trước, nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương dự kiến hoàn tất vào mùa thu năm nay.

Mỹ và Ấn Độ đang tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên để đạt được thỏa thuận thương mại sớm, trước khi kết thúc thời gian tạm hoãn 90 ngày đối với các mức thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang suy giảm, ông Trump đã gợi ý vào ngày 04/05 rằng một số thỏa thuận thương mại có thể được ký kết ngay trong tuần này, mang lại hy vọng cho các đối tác thương mại đang tìm cách tránh thuế nhập khẩu cao hơn của Mỹ.

Các nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đang dẫn đầu cuộc đua đạt được thỏa thuận tạm thời với chính quyền Trump.

Trước khi đưa ra, Chính phủ Ấn Độ đã tham khảo ý kiến các tổ chức xuất khẩu, những đơn vị này cho rằng việc loại bỏ thuế đối với hàng hóa công nghiệp một cách có đi có lại sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành công nghiệp địa phương hoặc khả năng cạnh tranh của họ.

"Chúng tôi hoàn toàn thoải mái với đề xuất miễn thuế song phương vì các sản phẩm Ấn Độ có tính cạnh tranh về giá cực kỳ cao", Pankaj Chadha, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Kỹ thuật chia sẻ. "Tôi không thấy bất kỳ tác động tiêu cực nào nếu thuế bị cắt giảm. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc này phải được thực hiện trên cơ sở có đi có lại”.

Dữ liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy, trong năm tài chính 2024-2025, nước này đã xuất khẩu sang Mỹ dược phẩm trị giá 10.5 tỷ USD và hàng hóa kỹ thuật trị giá 19.1 tỷ USD.

Tuy nhiên, phía Mỹ không chỉ quan tâm đến vấn đề thuế quan. Washington cũng đã yêu cầu Ấn Độ giải quyết các mối quan ngại xung quanh Lệnh Kiểm soát Chất lượng (QCO), điều mà họ coi là rào cản thương mại phi thuế quan đối với xuất khẩu của Mỹ. Các tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc này quy định các tiêu chí mà cả nhà sản xuất trong nước và nước ngoài phải đáp ứng trước khi bán hàng hóa tại Ấn Độ, nhưng đã bị phía Mỹ chỉ trích vì thiếu minh bạch và không công bằng.

Phía Ấn Độ đã thể hiện thiện chí khi sẵn sàng xem xét lại các QCO hiện có trong các lĩnh vực như thiết bị y tế và hóa chất. Nước này thậm chí còn đề xuất ký một thỏa thuận công nhận lẫn nhau với Mỹ, theo đó cả hai quốc gia sẽ chấp nhận các tiêu chuẩn và thông lệ quản lý của nhau.

Mặc dù chưa rõ liệu những đề xuất này có hình thành một phần của thỏa thuận cuối cùng hay không. Đáng chú ý là số lượng QCO tại Ấn Độ đã tăng đáng kể, từ chỉ 14 QCO trước năm 2014 lên hơn 140 kể từ năm 2017, theo một báo cáo gần đây.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi - 11:14:40 06/05/2025