Ấn Độ nhượng bộ để tiến tới thỏa thuận với Mỹ

date
10/05/2025 11:37

Ấn Độ nhượng bộ để tiến tới thỏa thuận với Mỹ

Theo hai nguồn tin thân cận, Ấn Độ đã đề xuất cắt giảm mạnh chênh lệch thuế quan với Mỹ, từ mức gần 13% hiện tại xuống còn chưa đầy 4% - một bước nhượng bộ lớn nhằm đổi lấy sự miễn trừ khỏi các đợt tăng thuế "hiện tại và trong tương lai" của chính quyền Trump.

Theo đề xuất này, khoảng cách thuế quan trung bình giữa hai nước, tính trên tất cả các sản phẩm mà không cân nhắc khối lượng thương mại, sẽ giảm tới 9 điểm phần trăm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay nhau khi họ tham dự một cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ở Washington, ngày 13/02/2025

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tiếp tục khẳng định vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với tổng giá trị thương mại song phương đạt khoảng 129 tỷ USD trong năm 2024. Hiện tại, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Ấn Độ với thặng dư 45.7 tỷ USD.

Thông tin này được đưa ra sau khi ông Trump công bố "thỏa thuận đột phá" đầu tiên của chính quyền mới với Vương quốc Anh. Thỏa thuận này đã thiết lập một khuôn mẫu có thể được áp dụng cho các đối tác khác: Giảm thuế của nước đối tác đối với hàng hóa Mỹ nhưng vẫn duy trì mức thuế cơ bản 10% mà Washington áp đặt.

"Chúng ta đang chứng kiến một cuộc đua. Sau Vương quốc Anh, Ấn Độ và Nhật Bản là hai quốc gia tiếp theo có khả năng hoàn tất thỏa thuận”, một quan chức Chính phủ Ấn Độ tiết lộ. "Chúng ta sẽ xem quốc gia nào về đích trước”.

Để giành vị trí thuận lợi, New Delhi đã đưa ra đề xuất xóa bỏ thuế đối với 60% dòng thuế ngay trong giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận đang đàm phán. Theo nguồn tin thân cận, Ấn Độ đã đề xuất tiếp cận ưu đãi cho gần 90% hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm cả việc giảm thuế đáng kể.

Đổi lại, New Delhi mong muốn Mỹ miễn toàn bộ các mức thuế hiện hành và các mức thuế có thể công bố trong tương lai.

Bên cạnh việc miễn thuế, Ấn Độ cũng đã yêu cầu được tiếp cận thị trường ưu đãi cho các ngành xuất khẩu chính của nước này bao gồm đá quý và đồ trang sức, các sản phẩm dệt may, nhựa, hóa chất, hạt có dầu, tôm và các sản phẩm thuộc ngành làm vườn như chuối và nho.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng mong muốn được hưởng quy chế tương tự như các đồng minh thân cận của Washington như Anh, Nhật Bản và Australia trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược gồm trí tuệ nhân tạo, viễn thông, công nghệ sinh học, dược phẩm và chất bán dẫn.

Một nguồn tin cho biết, một phái đoàn của Ấn Độ có thể sẽ tới Mỹ vào cuối tháng này để thúc đẩy tiến trình đàm phán. Có khả năng bộ trưởng thương mại Ấn Độ, Piyush Goyal, cũng sẽ tham gia chuyến đi này, mặc dù kế hoạch cuối cùng vẫn chưa được xác nhận.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FiLi - 10:35:24 10/05/2025