Ấn Độ tính đáp trả thuế thép nhôm của Mỹ

date
14/05/2025 16:59

Ấn Độ tính đáp trả thuế thép nhôm của Mỹ

Ấn Độ đề xuất áp thuế lên một số hàng hóa Mỹ để đáp lại việc Washington áp thuế lên thép và nhôm, đánh dấu hành động trả đũa đầu tiên chống lại thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Động thái này được đưa ra ngay cả khi hai nước đang tiến gần đến việc hoàn tất thỏa thuận thương mại.

Trong thông báo gửi đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 12/05, Ấn Độ xem thuế quan của Mỹ đối với các kim loại này là "biện pháp bảo vệ" - một hình thức hạn chế thương mại - gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của nước này.

New Delhi bảo lưu quyền "tạm ngừng các nhượng bộ hoặc nghĩa vụ khác" để đối phó với thuế quan Mỹ, viện dẫn các quy tắc của WTO, trích từ thông báo. Động thái này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách thương mại của Ấn Độ với Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump.

Chỉ tháng trước, khi Trump công bố hàng loạt thuế quan mới, Ấn Độ vẫn tuyên bố kiềm chế không có hành động trả đũa, ưu tiên đàm phán thỏa thuận thương mại. Cả hai nước đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận vào mùa thu năm nay.

"Động thái mới nhất của Ấn Độ được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm", Ajay Srivastava, nhà sáng lập viện nghiên cứu Global Trade Research Initiative có trụ sở tại New Delhi cho biết. "New Delhi và Washington đang tìm hiểu một hiệp định thương mại tự do rộng lớn hơn, và hành động trả đũa này có thể gây căng thẳng cho các cuộc đàm phán”.

Theo tính toán trong thông báo WTO, thuế thép và nhôm của Trump sẽ ảnh hưởng đến 7.6 tỷ USD xuất khẩu của Ấn Độ, với mức thuế thu được khoảng 1.91 tỷ USD. Ấn Độ khẳng định sẽ áp mức thuế tương đương lên hàng hóa Mỹ, mặc dù chưa nêu cụ thể các mặt hàng.

Hồi đầu năm, Trump áp mức thuế 25% lên toàn bộ nhập khẩu thép và nhôm vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 12/03. Đây là một phần trong kế hoạch tái định hình quan hệ thương mại toàn cầu của ông. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ khi đó đã thúc giục chính phủ có biện pháp đáp trả.

Theo quy tắc WTO, Ấn Độ đã yêu cầu tham vấn với Mỹ vào tháng 4 về việc tăng thuế. Tuy nhiên, Washington từ chối, khẳng định rằng thuế quan được áp đặt vì lý do an ninh quốc gia và không đủ điều kiện là biện pháp bảo vệ.

Pankaj Chadha, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Kỹ thuật, hoan nghênh hành động trả đũa của Ấn Độ như một "diễn biến tích cực" và cho biết động thái này có thể giúp ngành của ông nhận được một số miễn trừ khỏi thuế quan Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal dự kiến thăm Mỹ từ 17-20/05 để đàm phán với chính quyền Trump. Một nguồn tin thân cận cho biết, kế hoạch thuế quan trả đũa của Ấn Độ sẽ trở thành chủ đề quan trọng trong các cuộc đàm phán.

Chuyển đổi giọng điệu

Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, Ấn Độ từng tăng thuế quan lên 28 mặt hàng Mỹ, đáp trả quyết định năm 2019 chấm dứt ưu đãi thương mại cho 5.7 tỷ USD hàng hóa Ấn Độ.

Nhiệm kỳ thứ hai này, Ấn Độ ban đầu theo đuổi chính sách hòa giải. Đầu năm, xứ sở cà ri cải cách toàn diện chế độ thuế quan, giảm thuế nhập khẩu khoảng 8,500 mặt hàng công nghiệp, bao gồm whisky bourbon và xe máy Harley-Davidson - hai sản phẩm Mỹ mà Trump thường nhắc đến.

Tuy nhiên, hành động tại WTO của New Delhi báo hiệu một lập trường cứng rắn hơn, theo Srivastava. "Động thái của Ấn Độ phản ánh một sự thay đổi rộng lớn hơn: sẵn sàng khẳng định mình trong các quy tắc thương mại toàn cầu để bảo vệ lợi ích kinh tế", ông nói trong một lưu ý vào thứ Ba.

Tuy nhiên, hành động mới tại WTO cho thấy New Delhi đang chuyển sang lập trường cứng rắn hơn. Srivastava cho biết: "Động thái này phản ánh sự thay đổi lớn: Ấn Độ sẵn sàng sử dụng luật thương mại quốc tế để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình”.

Thời điểm đưa ra thông báo cũng đáng chú ý - chỉ vài giờ sau khi Mỹ đồng ý giảm đáng kể thuế quan cho Trung Quốc, khi Bắc Kinh quyết giữ vững lập trường.

Tuần này, Ấn Độ cũng bác bỏ tuyên bố của Trump rằng thương mại với Mỹ được dùng làm "con bài mặc cả" trong thỏa thuận ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan.

"Nếu các anh dừng lại, chúng ta làm ăn. Nếu không dừng, chúng ta sẽ không giao thương", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng trong ngày 12/05.

Phản hồi lại thông tin trên trong ngày 13/05, Ấn Độ cho biết không có đề cập đến thương mại trong các cuộc đàm phán này. "Có các cuộc trò chuyện giữa lãnh đạo Ấn Độ và Mỹ về tình hình quân sự", Randhir Jaiswal, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, nói với phóng viên tại cuộc họp báo ở New Delhi. "Vấn đề thương mại không xuất hiện trong bất kỳ cuộc thảo luận nào”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI - 15:57:13 14/05/2025