Apple hụt hơi trong cuộc đua AI (kỳ 1): Chiến lược lỗi thời

date
22/05/2025 19:32

Apple hụt hơi trong cuộc đua AI (kỳ 1): Chiến lược lỗi thời

Nhiều người cho rằng việc Apple liên tục thất bại trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với mọi thứ, từ vị thế thống trị của iPhone cho đến các dự án về robot và sản phẩm tương lai khác.

Quay lại năm 2018, không ít người tin rằng nỗ lực phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của Apple cuối cùng đã đi đúng hướng. Đầu năm đó, Craig Federighi là Giám đốc phần mềm của Apple đã triệu tập ban lãnh đạo cấp cao để công bố một thương vụ tuyển dụng gây chấn động. Apple vừa chiêu mộ John Giannandrea từ Google về làm trưởng bộ phận AI. Trong ngành, ông thường được gọi là JG, từng lãnh đạo các nhóm phát triển tìm kiếm và AI của Google. Dưới sự dẫn dắt của ông, các đội nhóm đã tích hợp công nghệ AI tiên tiến vào các sản phẩm như Photos, Translate và Gmail - những thành tựu này, cùng với thương vụ mua lại DeepMind của Anh năm 2014, đã giúp Google xây dựng danh tiếng là công ty dẫn đầu về AI.

Đối với ban lãnh đạo Apple, việc chiêu mộ Giannandrea không chỉ là một chiến thắng trước đối thủ lớn nhất mà còn là bước khởi đầu cho quá trình chuyển mình thành một thế lực về AI. Trước khi Steve Jobs đồng sáng lập Apple qua đời năm 2011, Apple đã giới thiệu trợ lý giọng nói Siri. Ban đầu, Siri như bước ra từ truyện khoa học viễn tưởng và một lần nữa, Apple biến ý tưởng máy tính tương lai thành sản phẩm đại chúng. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, Google, Amazon.com Inc. cùng nhiều đối thủ khác đã tung ra các trợ lý giọng nói vượt trội hơn hẳn, trong khi Siri lại gặp khó khăn ngay cả với những lệnh cơ bản.

Siri được giới thiệu vào tháng 10/2011 bởi Phil Schiller, khi đó là Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị toàn cầu của Apple. Ảnh: Kevork Djansezian/Getty Images

Giannandrea là người gốc Scotland, được giao nhiệm vụ dẫn dắt một nhóm thống nhất toàn bộ mảng AI của Apple. Một số nhân viên cho biết, lãnh đạo cấp cao từ lâu đã nhận thấy thách thức của công ty phần nào xuất phát từ việc các dự án AI bị chia nhỏ, phân tán cho nhiều nhóm sản phẩm khác nhau. Giờ đây, nghiên cứu về máy học, thử nghiệm vận hành và Siri đều được đặt dưới một mái nhà chung. Giannandrea báo cáo trực tiếp cho CEO Tim Cook, đưa AI lên vị thế ngang hàng với phần mềm, phần cứng và dịch vụ vốn là ba trụ cột chính của lực lượng lao động Apple.

Sự hào hứng của Federighi khi công bố thương vụ tuyển dụng này là điều dễ nhận thấy. Siri đã nhiều lần được chuyển giao kể từ khi ra mắt, cuối cùng về tay ông, và giờ đây ông lại chuyển giao nó cho Giannandrea. “Đây chính xác là mẫu người mà chúng ta cần cho mảng AI”, ông nói với nhân viên. Ngoài những thành tựu tại Google, nơi ông được xem là lãnh đạo quyền lực thứ hai chỉ sau CEO, Giannandrea còn từng giữ vị trí giám đốc công nghệ tại Netscape, một trong những công ty tiên phong trên Internet. “Trên thế giới này còn ai phù hợp hơn nữa?” một người tham gia vào quá trình tuyển dụng đặt câu hỏi.

7 năm sau ngày Giannandrea gia nhập, sự lạc quan mà ông mang lại đã không còn nữa. AI của Apple không những không bắt kịp mà còn tụt hậu xa hơn. Kể từ khi ChatGPT của OpenAI gây tiếng vang toàn cầu vào năm 2022, các ông lớn công nghệ đều tăng tốc phát triển mô hình ngôn ngữ lớn để vận hành những chương trình tương tự, tích hợp vào trợ lý giọng nói và các công cụ khác, đồng thời quảng bá rầm rộ tới người dùng.

Apple cũng như các đối thủ đã giới thiệu một số tính năng AI mới, nhưng chủ yếu lại gây chú ý vì sự chậm trễ và gây thất vọng. Tháng 6 năm ngoái, tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC), Apple công bố Apple Intelligence, gọi đây là “AI cho số đông”, gợi nhớ đến chiếc máy tính Mac đầu tiên từng được quảng bá năm 1984 là “máy tính cho số đông”. Những tính năng được hứa hẹn bao gồm các công cụ cải thiện kỹ năng viết, tóm tắt email và thông báo, tạo emoji và hình ảnh cá nhân từ mô tả bằng chữ. Công ty cũng hé lộ Siri phiên bản mới vận hành bằng AI.

Lần đầu tiên, Apple tuyên bố trợ lý giọng nói này có thể truy cập dữ liệu cá nhân và nội dung trên màn hình người dùng để trả lời câu hỏi. Để minh họa, một phó tướng của Giannandrea đã hỏi Siri về kế hoạch du lịch của mẹ mình. Siri đã tổng hợp thông tin từ email và tin nhắn để lên lịch trình. Apple cũng cho biết người dùng có thể điều khiển thiết bị theo cách mới qua Siri: chọn, cắt và gửi ảnh cho người thân mà không cần chạm vào màn hình.

Giannandrea và Federighi tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple (WWDC) vào tháng 6/2024. Ảnh: David Paul Morris/Bloomberg

Viễn cảnh về các thiết bị thực sự vận hành bằng AI đã khiến giá cổ phiếu Apple tăng mạnh. Sự kỳ vọng tiếp tục dâng cao vào tháng 9, khi công ty công bố dòng iPhone 16 mới nhất được xây dựng lại hoàn toàn cho Apple Intelligence. Tuy nhiên, khi sản phẩm lên kệ, các tính năng AI vẫn chưa xuất hiện; những tính năng đầu tiên như công cụ viết và tóm tắt phải đến hơn một tháng rưỡi sau mới ra mắt. Bộ emoji “Genmoji” tùy chỉnh phải đến tháng 12 mới có. Một bản nâng cấp lớn cho tính năng thông báo trên iOS, giúp ưu tiên cảnh báo theo mức độ khẩn cấp, chỉ được phát hành vào tháng 3.

Apple từng đặt mục tiêu ra mắt bản nâng cấp Siri vào tháng 4/2025. Tuy nhiên, khi Craig Federighi thử nghiệm bản beta iOS 18.4 trên điện thoại cá nhân chỉ vài tuần trước thời điểm dự kiến phát hành, ông đã bất ngờ phát hiện nhiều tính năng mà Apple từng quảng bá bao gồm cả việc tìm số bằng lái xe qua giọng nói thực tế lại không hoạt động, theo lời kể của nhiều lãnh đạo cấp cao.

Thực chất, các màn trình diễn tại WWDC chỉ là video mô phỏng từ bản mẫu sơ khai, thể hiện những gì Apple kỳ vọng hệ thống có thể làm ổn định trong tương lai. Kế hoạch ra mắt Siri mới bị lùi sang tháng 5, rồi tiếp tục bị hoãn vô thời hạn, dù các tính năng này vẫn xuất hiện trong các quảng cáo iPhone 16. Một số khách hàng mua sản phẩm với kỳ vọng sẽ được trải nghiệm AI đã tham gia kiện tập thể, cáo buộc Apple quảng cáo sai sự thật. Apple từ chối bình luận về các vụ kiện cũng như nội dung bài viết, kể cả khi được hỏi thay mặt các lãnh đạo liên quan.

Siri mới sẽ không kịp ra mắt tại WWDC tháng tới, đúng một năm sau khi bản nâng cấp được công bố. Thay vì có một trợ lý được đại tu toàn diện, thậm chí chưa thể trở thành đối thủ xứng tầm với ChatGPT như nhiều hãng khác đã làm, người dùng sẽ chỉ nhận được những lời hứa về việc tiếp tục triển khai thêm các tính năng Apple Intelligence. Ngoài ra, Apple sẽ ra mắt một số nâng cấp phần mềm không liên quan đến AI, như giao diện người dùng được thiết kế lại giúp hệ điều hành iPad, Mac và iPhone đồng bộ hơn, gợi nhớ đến phần mềm trên kính thực tế ảo hỗn hợp Vision Pro của Apple.

“Đây là một cuộc khủng hoảng”, một lãnh đạo cấp cao trong nhóm AI của Apple thẳng thắn nhận định. Một thành viên khác ví von nỗ lực này như một con tàu đang chìm: “Nó đã chìm từ lâu rồi”. Theo dữ liệu nội bộ mà Bloomberg Businessweek tiếp cận, công nghệ AI của Apple hiện vẫn bị các đối thủ bỏ xa nhiều năm.

Quốc An (theo Bloomberg)

Thiết kế: TM

FILI