Apple hụt hơi trong cuộc đua AI (kỳ 2): Nguyên nhân thất bại

date
24/05/2025 09:02

Apple hụt hơi trong cuộc đua AI (kỳ 2): Nguyên nhân thất bại

Việc đi sau trong một cuộc cách mạng công nghệ chưa hẳn là thảm họa đối với Apple. Công ty này vốn nổi tiếng với chiến lược chờ các đối thủ tiên phong, chấp nhận rủi ro trước, rồi mới tung ra phiên bản hoàn thiện, dễ tiếp cận cho hơn 1 tỷ người dùng của mình.

Apple từng thành công với cách tiếp cận này trong lĩnh vực máy nghe nhạc MP3, điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ và tai nghe không dây. Khi được hỏi về các lần trì hoãn trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh quý vừa qua, Tim Cook nhấn mạnh những tính năng Apple Intelligence đã ra mắt, cũng như việc mở rộng sang tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung và các ngôn ngữ khác. Ông cho biết bản nâng cấp Siri đơn giản là cần thêm thời gian để đạt chuẩn chất lượng của Apple: “Không có lý do nào khác. Chỉ là mọi thứ mất nhiều thời gian hơn chúng tôi nghĩ”.

Điều đáng chú ý là dù đã đầu tư nguồn lực lớn, kết quả Apple thu về trong lĩnh vực AI lại quá ít ỏi. Theo các lãnh đạo trong và ngoài công ty, Apple từ lâu có số lượng nhân sự tập trung cho AI ít hơn hẳn các đối thủ, đồng thời mua ít đơn vị xử lý đồ họa (GPU), thiết bị cần thiết để huấn luyện và vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn hơn các hãng khác. Năm nay, ban lãnh đạo Apple đã có những thay đổi lớn để đối phó với các vấn đề này, trong đó các nhóm Siri và AI khác được rút khỏi quyền quản lý của John Giannandrea.

Tuy nhiên, trong khi một số nhân viên cho rằng khó khăn xuất phát từ quyết định của một vài lãnh đạo cụ thể, những người khác lại nhìn nhận đây là dấu hiệu của vấn đề sâu xa hơn. Apple trở thành công ty công nghệ giá trị nhất thế giới nhờ kiên trì tung ra những sản phẩm tinh xảo, nội dung chọn lọc kỹ càng, dựa trên phần mềm chỉ được cập nhật lớn mỗi năm một lần; trong khi AI lại là lĩnh vực phát triển nhanh, hỗn loạn và liên tục thay đổi.

Lịch sử cho thấy những sản phẩm thành công nhất của Apple đều dựa vào công nghệ lõi tự phát triển, như cảm ứng đa điểm cho iPhone hay chip tiên tiến cho iPad và Mac đời mới. Nhưng với AI, công thức này chưa thể vận hành. Năm ngoái, Apple đã phải dừng dự án xe tự lái sau khi chi hàng tỷ USD trong một thập kỷ, một phần vì nhận ra AI của mình không thể hiện thực hóa lời hứa về xe tự hành hoàn toàn. Nếu tiếp tục thất bại với AI, nhiều kế hoạch tương lai của Apple từ kính thực tế tăng cường, robot cho đến đồng hồ và tai nghe có khả năng nhận diện vật thể xung quanh sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. Apple sẽ rơi vào thế bất lợi nghiêm trọng trong cuộc đua định hình cách người dùng tương tác với thiết bị thông minh trong những năm tới

Eddy Cue, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng dịch vụ của Apple và cũng là người thân cận với Tim Cook, đã cảnh báo các đồng nghiệp rằng vị thế dẫn đầu của Apple trong làng công nghệ đang bị đe dọa. Ông chỉ ra rằng Apple không giống như Exxon Mobil Corp., một doanh nghiệp cung cấp mặt hàng thiết yếu mà thế giới luôn cần đến, và bày tỏ lo ngại rằng AI có thể làm với Apple điều mà iPhone từng làm với Nokia. Trong phiên tòa liên bang liên quan đến vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ đối với Alphabet Inc., Cue thậm chí cho rằng iPhone có thể trở nên lỗi thời trong vòng một thập kỷ tới: “Nghe có vẻ điên rồ, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra”.

Steve Jobs vốn không quá quan tâm đến việc xây dựng công cụ tìm kiếm, dù là thông minh hay không. “Steve không tin vào việc khách hàng phải tự đi tìm kiếm thông tin”, một người từng làm việc với ông chia sẻ. “Ông ấy tin rằng nhiệm vụ của Apple là lựa chọn và giới thiệu cho khách hàng những gì họ nên muốn”. Quan điểm này, giống như nhiều triết lý khác của Jobs, đã định hình Apple rất lâu sau khi ông qua đời. Vào giữa những năm 2010, Apple từng cân nhắc đưa thanh tìm kiếm lên đầu màn hình chính của iPhone thay vì ẩn sau thao tác vuốt, nhưng đội ngũ thiết kế đã phủ quyết ý tưởng này.

Mặc dù trước đó không quá chú trọng vào công cụ tìm kiếm, Steve Jobs lại bị Siri khi ấy chỉ là một ứng dụng trên App Store cuốn hút ngay từ lần đầu trải nghiệm. Dag Kittlaus, đồng sáng lập Siri, chia sẻ rằng ý tưởng ban đầu là tạo ra một “cỗ máy thực thi”, với tầm nhìn cuối cùng là người dùng có thể trò chuyện với Internet và trợ lý sẽ tự động xử lý mọi yêu cầu. “Bạn thậm chí không cần biết thông tin lấy từ đâu, và việc phải tìm ứng dụng hay trang web sẽ không còn cần thiết nữa”, ông nhớ lại.

Ở phiên bản ứng dụng iPhone ban đầu, Siri có thể đặt bàn ăn tối, tìm rạp chiếu phim hoặc gọi taxi. Jobs nhanh chóng nhận ra tiềm năng vượt xa một ứng dụng thông thường, ông tin rằng Siri có thể trở thành giao diện người dùng chính trên các thiết bị Apple. Ngay sau khi dùng thử, Jobs đã chủ động liên hệ với Kittlaus, mời ông cùng các đồng sáng lập đến nhà riêng. Trong cuộc trò chuyện kéo dài 3 tiếng, Jobs đề nghị mua lại công ty. Khi Kittlaus còn do dự, Jobs đã gọi cho ông liên tục suốt 24 ngày.

Sau khi Kittlaus đồng ý, Jobs đưa Siri trở thành một trong những dự án trọng điểm của Apple. “Ông ấy biến nó thành dự án cá nhân”, Kittlaus kể lại. “Tôi gặp ông ấy hàng tuần cho đến khi ông không thể tiếp tục vì lý do sức khỏe”.

Kittlaus tại San Jose, California, năm 2016 - Ảnh: Andrew Burton/For The Washington Post/Getty Images

Siri được ra mắt ngay sau khi Jobs qua đời. Trong những năm đầu, quá trình phát triển chủ yếu tập trung vào các tác vụ cơ bản như cung cấp thông tin thời tiết, đặt hẹn giờ, phát nhạc và xử lý tin nhắn. Siri chưa tận dụng nhiều thành quả nghiên cứu máy học còn non trẻ của Apple, vốn lúc đó chủ yếu tập trung vào nhận diện khuôn mặt, vân tay, gợi ý thông minh (như nhắc khi nào nên rời đi dựa trên tình trạng giao thông), cải tiến bản đồ và các dự án lớn như kính thực tế ảo hay xe tự lái.

Một số lãnh đạo kỹ thuật phần mềm cho rằng Apple nên đưa AI trở thành điểm nhấn trong hệ điều hành iPhone. Khoảng năm 2014, “chúng tôi nhanh chóng nhận ra đây là điều mang tính cách mạng và mạnh mẽ hơn nhiều so với tưởng tượng ban đầu”, một người chia sẻ. Tuy nhiên, họ không thể thuyết phục được Federighi là sếp trực tiếp của mình rằng AI cần được đầu tư nghiêm túc: “Phần lớn ý kiến đều bị phớt lờ”.

Apple bắt đầu mua lại hàng chục công ty AI nhỏ để củng cố năng lực, trong đó có Laserlike, Tuplejump và Turi. Công ty thậm chí từng cân nhắc mua lại Mobileye Global Inc. với giá khoảng 4 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ lớn nhất trong lịch sử Apple, giúp tăng tốc phát triển hệ thống lái tự động và công nghệ thị giác máy tính, đồng thời bổ sung nguồn nhân lực AI cho nhiều dự án khác. Tuy nhiên, cuối cùng Apple đã từ bỏ, để Intel mua lại Mobileye năm 2017 với giá 15 tỷ USD.

Dự án xe tự lái của Apple cũng mang lại một thành tựu AI sớm: bộ xử lý chuyên dụng Apple Neural Engine, cho phép chip của hãng xử lý khối lượng lớn tác vụ AI cần thiết cho xe tự hành. Sau này, các chip tích hợp Neural Engine trở thành tiêu chuẩn trên iPhone, iPad và nhiều thiết bị phần cứng khác, giúp các thiết bị này có khả năng vận hành các mô hình AI tạo sinh.

Tim Cook, người vốn nổi tiếng giữ khoảng cách với quá trình phát triển sản phẩm, lại thúc đẩy mạnh mẽ hướng đi nghiêm túc hơn cho AI. “Tim là một trong những người tin tưởng AI nhất ở Apple”, một người từng làm việc với ông chia sẻ. “Ông ấy luôn bực bội vì Siri tụt lại phía sau Alexa”, và vì công ty chưa tạo được chỗ đứng trong lĩnh vực thiết bị gia đình như loa thông minh Echo của Amazon.

Khi Giannandrea bắt đầu làm việc tại Apple năm 2018, các lãnh đạo khác cho biết ông đánh giá hệ sinh thái phần mềm khép kín của Apple là một lợi thế, cho phép triển khai nhanh các tính năng mới tới hàng tỷ thiết bị. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, ông nhận ra công ty sẽ phải chi thêm hàng trăm triệu USD cho các hoạt động kiểm thử quy mô lớn và gán nhãn dữ liệu hình ảnh, văn bản những yếu tố cần thiết để huấn luyện các mô hình máy học cho AI. Ông đã xin được ngân sách để tuyển dụng một số nhà nghiên cứu AI hàng đầu từ Google và mở rộng các nhóm phụ trách kiểm thử, phân tích dữ liệu.

Giannandrea cũng tập trung cải tổ Siri, loại bỏ lãnh đạo cũ và đề xuất loại bỏ các tính năng ít dùng, nhằm giảm lượng mã nguồn và giúp đội ngũ tập trung vào các chức năng quan trọng nhất. Ông tỏ ra hoài nghi với dự án xe tự lái, dự án mà ông từng tạm thời phụ trách. Khi Apple sau đó từ bỏ dự án này, hàng trăm kỹ sư AI từng làm việc ở đó được chuyển về nhóm của ông.

Tuy vậy, nỗ lực của Giannandrea thường bị cản trở. Federighi, Giám đốc phần mềm của Apple, vẫn ngần ngại đầu tư lớn cho AI, không xem đây là năng lực cốt lõi của máy tính cá nhân hay thiết bị di động và không muốn phân tán nguồn lực khỏi các bản cập nhật hệ điều hành iPhone, Mac và iPad hàng năm, theo nhiều đồng nghiệp. “Craig không phải kiểu người sẽ nói, ‘Chúng ta cần làm một thứ lớn, cần ngân sách khủng và thật nhiều nhân sự’”, một lãnh đạo lâu năm của Apple nhận xét.

Nhiều lãnh đạo khác cũng có chung quan điểm với Federighi. “Trong lĩnh vực AI, bạn thực sự không biết sản phẩm sẽ ra sao cho đến khi đã đầu tư”, một lãnh đạo kỳ cựu khác nói. “Đó không phải cách Apple vận hành. Apple chỉ bắt tay làm sản phẩm khi đã biết rõ đích đến”.

Hệ quả là Apple hoàn toàn bị bất ngờ khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11/2022. Một lãnh đạo cấp cao cho biết, trước đó “Apple Intelligence thậm chí còn chưa phải là ý tưởng”. Một người khác nhận xét: “Những gì OpenAI làm đâu phải bí mật. Bất kỳ ai quan tâm thị trường đều có thể nhận ra và nhảy vào”.

Chỉ trong vòng một tháng sau khi ChatGPT xuất hiện, Craig Federighi đã sử dụng AI tạo sinh để viết mã cho một dự án phần mềm cá nhân. Tiềm năng của công nghệ này lập tức trở nên rõ ràng với ông. Ngay sau đó, Federighi, Giannandrea cùng các lãnh đạo khác bắt đầu gặp gỡ OpenAI, Anthropic và nhiều bên khác để tìm hiểu nhanh về các mô hình AI mới nhất cũng như xu hướng thị trường. Federighi sau đó yêu cầu bản cập nhật hệ điều hành iPhone năm 2024, tức iOS 18, phải tích hợp càng nhiều tính năng AI càng tốt. Giannandrea đã thành lập đội ngũ tăng tốc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn, điều mà các đối thủ đã làm từ nhiều năm trước.

Khi Apple chuẩn bị cho màn ra mắt lớn của Apple Intelligence tại WWDC 2024 vào tháng 6, công ty buộc phải đối diện với thực tế rằng năng lực AI tạo sinh của mình còn tụt lại rất xa. Apple chỉ mới làm được các tác vụ cơ bản như tạo ảnh và đang thử nghiệm một chatbot nội bộ, nhưng chatbot này lại kém xa ChatGPT. Theo dữ liệu nội bộ mà Businessweek tiếp cận, sản phẩm của đối thủ có độ chính xác cao hơn ít nhất 25% trong phần lớn loại truy vấn.

Nhu cầu phải cung cấp một phiên bản AI đáp ứng kỳ vọng người dùng khiến Apple cuống cuồng tìm kiếm đối tác. Công ty bắt đầu đàm phán với các đối thủ như Google, Anthropic và OpenAI để tích hợp công nghệ của họ vào phần mềm Apple. Giannandrea đã vận động mạnh mẽ để Apple hợp tác với Gemini của Google, với lý do OpenAI không đủ bền vững, thiếu tin cậy và không bảo vệ dữ liệu cá nhân tốt. Tuy nhiên, đội ngũ phát triển doanh nghiệp của Apple lại có quan điểm khác, và tại WWDC, công ty công bố sẽ chuyển các yêu cầu mà Siri không xử lý được sang ChatGPT.

Việc tích hợp này phải đến tháng 12 mới thành hiện thực, nhưng khi xuất hiện, đây lại là một trong số ít tính năng của Apple Intelligence hoạt động đúng như quảng cáo. Một số tính năng ra mắt thành công, như tóm tắt email bao gồm thay thế dòng xem trước trong hộp thư bằng bản tổng hợp nội dung và tính năng Writing Tools, cho phép chỉnh sửa, sắp xếp lại và tóm tắt văn bản. (Tuy nhiên, AI tạo văn bản cho Writing Tools thực chất là của ChatGPT). Nhưng nhiều tính năng khác lại khiến người dùng cảm giác như bị vội vã đưa ra thị trường, dù thực tế đã trễ hàng tháng.

Genmoji cho phép tạo emoji tùy chỉnh, ví dụ như ghép công và kem que, nhưng hiếm khi giống với hình ảnh bóng bẩy mà Apple quảng bá trên TV và bảng quảng cáo ở các thành phố lớn, đồng thời tiêu tốn quá nhiều tài nguyên xử lý, khiến iPhone dễ nóng và hao pin. Tính năng tóm tắt tin tức bị dừng lại sau khi một số tiêu đề do AI tạo ra sai nghiêm trọng, như việc khẳng định nghi phạm Luigi Mangione đã tự bắn mình. Một số tính năng AI nặng về tính toán chỉ hoạt động được nhờ bộ phận dịch vụ trực tuyến của Apple đã kịp phát triển dự án máy chủ đám mây để xử lý các tác vụ mà điện thoại không gánh nổi.

Kế hoạch nâng cấp Siri còn tụt hậu hơn nữa. Dù Apple đã quảng bá các tính năng mới của trợ lý này trên TV từ khi iPhone 16 ra mắt, thực tế các tính năng đó còn lâu mới sẵn sàng. Trong một quảng cáo, Bella Ramsey là ngôi sao phim The Last of Us của HBO gặp một người đàn ông tại bữa tiệc, quên tên và rút iPhone ra hỏi: “Tên anh chàng mà tôi từng gặp ở Café Grenelle mấy tháng trước là gì nhỉ?” Siri trả lời ngay khi “Zac” vừa đi ngang qua phòng.

Việc không có chatbot AI tự phát triển khiến một số lãnh đạo Apple lo lắng hơn những người khác. Theo nhiều nhân viên, Giannandrea từng lập luận nội bộ rằng các “trợ lý AI” còn lâu mới thay thế được con người một cách thực chất, và phần lớn người dùng cũng không tin tưởng vào AI tạo sinh.

Nhân viên cho rằng đó là lý do ông không quyết liệt xây dựng một đối thủ ChatGPT thực sự dành cho người dùng. Đồng nghiệp kể rằng Giannandrea từng nói người dùng không thích các công cụ kiểu ChatGPT, và một trong những yêu cầu phổ biến nhất từ khách hàng là tắt tính năng này.

Tháng 3/2025, Apple xác nhận thông tin từ Bloomberg News rằng Siri mới sẽ bị hoãn ra mắt. Hãng đã gỡ các quảng cáo có Bella Ramsey khỏi YouTube và các kênh truyền hình lớn. Tuần sau đó, sếp Siri khi ấy là Giám đốc cấp cao Robby Walker đã gặp đội ngũ nhân viên đang chán nản để động viên:

“Chúng ta đã bơi hàng trăm dặm, lập kỷ lục Guinness về bơi xa, nhưng vẫn chưa bơi tới Hawaii”, ông nói. “Và chúng ta bị chỉ trích không phải vì bơi giỏi, mà vì chưa đến đích”. Dù đã rất nỗ lực, cả đội vẫn như đang lênh đênh giữa biển.

Walker yêu cầu mọi người tiếp tục phát triển các nâng cấp cho phiên bản hệ điều hành iPhone tiếp theo, iOS 19, dự kiến ra mắt tháng 9. Nhưng ông cũng thừa nhận không chắc khi nào các nâng cấp này, vốn không hoạt động ổn định tới 1/3 thời gian, sẽ thực sự được phát hành, một phần vì các tính năng khác được ưu tiên hơn. “Những tính năng này chưa sẵn sàng cho công chúng, dù đối thủ có thể đã tung ra trong tình trạng này hoặc tệ hơn”, ông nói.

Một thành viên nhóm Siri cho biết đánh giá của Walker còn nhẹ nhàng so với thực tế. “Hiện có hàng trăm lỗi”, một người nói. “Sửa được 1 lỗi thì 3 lỗi khác lại xuất hiện”.

Vấn đề kỹ thuật lớn nhất mà Apple gặp phải là buộc phải tách hạ tầng Siri thành hai phần: phần mã cũ tiếp tục vận hành các tính năng truyền thống như đặt báo thức, trong khi phần mã mới xử lý các yêu cầu liên quan đến dữ liệu cá nhân. Cách làm chắp vá này được cho là cần thiết để đưa các tính năng mới ra thị trường càng sớm càng tốt, nhưng thực tế lại gây ra nhiều vấn đề tích hợp, dẫn đến các đợt trì hoãn kéo dài. Nhân viên cho biết từng tính năng riêng lẻ có thể hoạt động ổn định, nhưng khi hợp nhất mã để kiểm thử tổng thể trên Siri thì mọi thứ bắt đầu rối tung, phát sinh hàng trăm lỗi.

Tình trạng này khiến tinh thần đội ngũ kỹ sư đi xuống rõ rệt. “Chúng tôi thậm chí không được thông báo chuyện gì đang xảy ra hay lý do vì sao”, một thành viên chia sẻ, tình hình như “Không có lãnh đạo”.

Bên trong Apple, nhiều nhân viên và người thân cận công ty cho rằng John Giannandrea phải gánh phần lớn trách nhiệm cho các lần trì hoãn và thất bại. Ông gặp khó khăn trong việc hòa nhập với nhóm lãnh đạo cốt lõi của Apple, những người đã làm việc cùng nhau hàng chục năm và điều hành công ty như một doanh nghiệp gia đình.

Tương tự các lãnh đạo ngoại nhập trước đây, Giannandrea nhận ra điều này khiến việc thay đổi càng khó khăn. Lãnh đạo Apple là tập hợp những cá tính mạnh và cuối cùng đều bị đánh giá qua việc đưa sản phẩm mới ra thị trường. Giannandrea là người kín tiếng, và một số người cho rằng ông không đấu tranh đủ mạnh để giành ngân sách cho nhóm của mình. “JG lẽ ra phải quyết liệt hơn nhiều trong việc xin kinh phí để làm lớn. Nhưng John không phải kiểu người bán hàng. Ông ấy là dân công nghệ”, một nhân viên nhận xét.

Một số ý kiến khác lại cho rằng Giannandrea không sát sao công việc và không thúc ép nhân viên đủ mạnh. “Mọi đội kỹ thuật khác ở Apple đều làm việc hết tốc lực, cố gắng hoàn thành đúng hạn, còn đội của JG thì không như vậy”, một lãnh đạo nói. “Họ không thực sự thực thi”. Quan niệm về sự “nuông chiều” còn lan sang các phúc lợi. Khác với các công ty lớn ở Thung lũng Silicon, nhân viên Apple tại trụ sở phải tự trả tiền ăn ở căng tin. Nhưng khi đội kỹ sư của Giannandrea chạy nước rút cho Apple Intelligence, một số người được phát phiếu ăn miễn phí, khiến các nhóm khác bất mãn. “Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng Apple không bao giờ cho ăn miễn phí”, một nhân viên nói. “Họ giao hàng muộn cả năm mà vẫn được ăn trưa không mất tiền”.

Sự thiếu cấp bách của Giannandrea có thể xuất phát từ triết lý hơn là tính cách. Ông thận trọng với tốc độ phát triển AI và hoài nghi về giá trị thực sự của chatbot, nhiều lần khẳng định nội bộ rằng không có mối đe dọa cấp thiết nào từ OpenAI, Meta, Google hay các đối thủ khác. Theo đồng nghiệp, Giannandrea cho rằng điều người dùng thực sự mong muốn ở một trợ lý là giao diện điều khiển thiết bị, và dù liên tục gặp trì hoãn, ông vẫn kiên định với tầm nhìn này.

Tuy nhiên, quy mọi sai lầm về một cá nhân là quá đơn giản. Giannandrea cho rằng phần lớn trách nhiệm thuộc về các đội marketing và quảng cáo của Apple do Greg Joswiak và Tor Mhyren phụ trách từng mảng, vì đã thổi phồng các tính năng chưa hoàn thiện. Các quản lý sản phẩm phải có trách nhiệm nói rõ với marketing về thời điểm thực sự sẵn sàng ra mắt. Federighi là người quyết định cuối cùng về phần mềm, còn Tim Cook là người định hình toàn bộ văn hóa phát triển sản phẩm của Apple.

Tim Cook tại Abu Dhabi vào tháng 12/2024 - Ảnh: Jakub Porzycki/NurPhoto/Getty Images

Một vấn đề lớn khác là chiến lược mua GPU của Apple. Cách tiếp cận thận trọng của cựu Giám đốc tài chính Luca Maestri trong việc mua GPU, vốn là những vi mạch chuyên dụng thiết yếu cho AI, giờ đây bị đánh giá là lỗi thời. Dưới thời Tim Cook, Apple từng tận dụng vị thế thị trường và lượng tiền mặt khổng lồ để kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu cho mọi thứ, từ bán dẫn đến kính màn hình điện thoại.

Nhưng nhu cầu GPU đã vượt xa nguồn cung, và việc Apple chậm chân mua GPU với các công nghệ mới mà hãng chưa thực sự tin tưởng đã phản tác dụng. Apple chỉ biết đứng nhìn Amazon, Microsoft và các đối thủ khác mua hết nguồn cung toàn cầu. Ít GPU hơn đồng nghĩa các mô hình AI của Apple được huấn luyện chậm hơn hẳn. “Bạn không thể hô biến GPU khi đối thủ đã gom sạch rồi”, một thành viên nhóm AI nhận xét..

Cam kết lâu dài với quyền riêng tư người dùng cũng là rào cản lớn. Dù Apple sở hữu 2.35 tỷ thiết bị đang hoạt động và nắm trong tay lượng dữ liệu khổng lồ, hãng lại nghiêm ngặt hơn Google, Meta hay OpenAI trong việc cho phép các nhà nghiên cứu AI tiếp cận dữ liệu khách hàng. Cam kết này còn mở rộng đến cả dữ liệu cá nhân của người không phải khách hàng: Applebot cho phép các trang web dễ dàng từ chối cho Apple sử dụng dữ liệu để cải thiện Apple Intelligence, và rất nhiều trang đã chọn cách này.

Hệ quả là các nhà nghiên cứu của Apple phải phụ thuộc nhiều hơn vào các bộ dữ liệu mua từ bên thứ ba và dữ liệu tổng hợp, dữ liệu nhân tạo được tạo ra riêng để huấn luyện AI. “Có cả ngàn cái ‘không’ cho mọi thứ trong lĩnh vực này, và bạn phải vượt qua rào cản quyền riêng tư thì mới làm được gì”, một người hiểu rõ công tác phát triển AI và phần mềm của Apple cho biết. Một lãnh đạo khác cùng quan điểm nói: “Nhìn Grok của X mà xem, họ sẽ ngày càng tốt lên vì có toàn bộ dữ liệu X. Còn Apple sẽ huấn luyện AI bằng gì?”.

Đây lại là một ví dụ khác cho thấy AI là công nghệ không phù hợp với thế mạnh truyền thống của Apple. Một lãnh đạo kỳ cựu của công ty thừa nhận, “Chiến lược quen thuộc của chúng ta là: đến sau, có hơn 1 tỷ người dùng, cứ kiên trì rồi sẽ vượt lên. Nhưng lần này, chiến lược đó không còn hiệu quả”.

Apple hụt hơi trong cuộc đua AI (kỳ 1): Chiến lược lỗi thời

Quốc An (theo Bloomberg)

Thiết kế: TM

FILI - 08:00:00 24/05/2025