Apple hụt hơi trong cuộc đua AI (kỳ 3): Cách để vượt qua “khủng hoảng” AI

date
25/05/2025 18:14

Apple hụt hơi trong cuộc đua AI (kỳ 3): Cách để vượt qua “khủng hoảng” AI

Trong lúc Apple nỗ lực vực dậy mảng AI, hãng lại đối mặt với thách thức bên ngoài chưa từng có. Để đáp ứng quy định mới của Liên minh châu Âu, Apple đang phát triển hệ điều hành cho phép người dùng lần đầu tiên chuyển đổi Siri sang các trợ lý giọng nói bên thứ ba. Nếu không tạo được đột phá lớn, nguy cơ người dùng chuyển sang các đối thủ như OpenAI, Anthropic, Meta, Alphabet hay các tên tuổi mới nổi như DeepSeek là rất rõ ràng.

Ở nội bộ, văn phòng AI của Apple tại Zurich đang xây dựng kiến trúc phần mềm hoàn toàn mới để thay thế mô hình lai cũ của Siri. Dự án bí mật này, gọi là “LLM Siri”, hướng tới một mô hình “đơn khối” dựa hoàn toàn trên mô hình ngôn ngữ lớn, giúp Siri trò chuyện tự nhiên hơn và tổng hợp thông tin tốt hơn về lâu dài.

Hiện tại, Apple có hàng ngàn nhà phân tích tại các văn phòng từ Texas đến Tây Ban Nha, Ireland kiểm tra độ chính xác của các bản tóm tắt Apple Intelligence, đối chiếu kết quả với nguồn gốc nhằm xác định tần suất hệ thống tạo ra phản hồi sai lệch (AI hallucinations). Nhờ cập nhật phần mềm gần đây, iPhone cũng được dùng để cải thiện dữ liệu tổng hợp của Apple. Dữ liệu giả này được đánh giá, tinh chỉnh bằng cách so sánh với ngôn ngữ trong email người dùng trên điện thoại, tạo ra chuẩn tham chiếu thực tế cho AI mà không cần dùng dữ liệu thật của người dùng.

Đầu năm nay, John Giannandrea bị tước toàn bộ quyền kiểm soát phát triển sản phẩm, bao gồm cả các chương trình kỹ thuật Siri và dự án robot tương lai, sau khi Tim Cook mất niềm tin vào khả năng triển khai sản phẩm mới của ông. Siri hiện do Mike Rockwell người từng dẫn dắt đội phát triển kính thực tế ảo hỗn hợp Vision Pro phụ trách, báo cáo trực tiếp cho Federighi. Rockwell đã tái cấu trúc đội ngũ Siri, đưa các lãnh đạo từ Vision Pro lên thay thế và chuyển hầu hết kỹ sư của Walker sang dự án mới.

Rockwell xuất hiện trên màn hình tại WWDC tháng 6/2024 - Ảnh: David Paul Morris/Bloomberg

Giannandrea hiện chỉ còn giám sát mảng nghiên cứu AI, phát triển và cải tiến các mô hình ngôn ngữ lớn, đội ngũ phân tích AI và một số nhóm hạ tầng. Một số lãnh đạo nội bộ đã bàn về việc tiếp tục thu hẹp vai trò của Giannandrea hoặc hướng ông đến lộ trình nghỉ hưu, nhưng Federighi và nhiều người khác lo ngại nếu ông rời đi, các kỹ sư xuất sắc mà ông mang về cũng sẽ rời theo.

Dù vậy, Giannandrea vẫn ở lại Apple và chia sẻ với đồng nghiệp rằng ông chưa muốn rời đi trước khi công việc về AI thực sự đi vào quỹ đạo. Ông cũng thừa nhận cảm thấy nhẹ nhõm khi Siri giờ đã là vấn đề của người khác.

Người tiếp quản, Mike Rockwell, ban đầu khá do dự khi nhận nhiệm vụ, nhất là khi Federighi từng tỏ ra hoài nghi về AI. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Rockwell làm mới một tính năng mà ông đã nhiều năm trăn trở. Khi gia nhập Apple năm 2015, Rockwell từng đề xuất biến Siri thành một trợ lý thông minh thực thụ, đóng vai trò trung tâm trong trải nghiệm người dùng, một “người đồng hành” luôn hiện diện.

Thời điểm đó, ông chủ yếu thành công trong việc nâng cấp giọng nói Siri bằng cách thuê diễn viên đắt tiền và mở phòng thu cao cấp. Khi bắt đầu dự án kính thực tế ảo, ông cũng muốn Siri trở thành giao diện điều hướng chính nhưng gặp khó khăn khi thuyết phục đội ngũ Siri. Giờ đây, Rockwell có vị thế tốt hơn để thúc đẩy nguồn lực xây dựng một trợ lý hoạt động như chế độ thoại của ChatGPT, tập trung cải thiện tốc độ và khả năng hiểu của Siri.

Trong khi đó, Apple cũng như các ông lớn công nghệ khác đang quan sát sự thay đổi thói quen người dùng. Số lượt tìm kiếm Google trên thiết bị Apple đã giảm trong tháng trước điều chưa từng xảy ra trong 22 năm qua, theo Eddy Cue với nguyên nhân chính là AI.

Do đó, Apple đang cân nhắc các thỏa thuận với OpenAI, Anthropic để thay thế Google tìm kiếm trên Safari, thừa nhận rằng người dùng ngày càng dùng trợ lý dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn để tìm kiếm thông tin. Google Gemini, dịch vụ mà Giannandrea từng muốn tích hợp vào Siri, dự kiến sẽ xuất hiện trong iOS 19 như một lựa chọn thay thế ChatGPT. Apple cũng đang thảo luận với Perplexity để cung cấp công cụ tìm kiếm AI cho Safari và trở thành lựa chọn thay thế trong Siri.

Về phát triển chatbot nội bộ, một số lãnh đạo Apple đang thúc đẩy mạnh mẽ việc biến Siri thành đối thủ thực sự của ChatGPT, bất chấp sự dè dặt trước đây của Giannandrea. Công ty đã bàn bạc về việc cho phép Siri truy cập web mở để tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn. Theo nhân viên, chatbot mà Apple thử nghiệm nội bộ đã tiến bộ vượt bậc trong 6 tháng qua, đến mức một số lãnh đạo đánh giá nó ngang tầm với các phiên bản ChatGPT mới nhất.

Nếu chatbot này được tích hợp vào Siri, Apple sẽ có “bảo hiểm” trước nguy cơ mất khoản doanh thu 20 tỷ USD mỗi năm mà Alphabet trả để Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari, một thỏa thuận đang bị các cơ quan chống độc quyền Mỹ nhắm tới. Ban lãnh đạo Apple cũng lạc quan về một tính năng AI khác đang bị trì hoãn, đó là cho phép Siri tích hợp sâu hơn với các ứng dụng iPhone, giúp người dùng điều khiển thiết bị bằng giọng nói tốt hơn, qua đó duy trì nguồn thu 20 tỷ USD từ App Store.

Theo nguồn tin nội bộ, với iOS mới dự kiến ra mắt tại WWDC 2025, Apple sẽ tập trung nâng cấp các khả năng hiện có của Apple Intelligence và bổ sung một số tính năng mới như chế độ quản lý pin tối ưu hóa bằng AI, huấn luyện viên sức khỏe ảo. Các nâng cấp lớn cho Siri bao gồm cả những tính năng từng hứa hẹn gần một năm trước khó có khả năng được nhắc đến nhiều và vẫn còn vài tháng nữa mới xuất hiện.

Apple cũng đang chuẩn bị tách biệt thương hiệu Apple Intelligence với Siri trong chiến lược tiếp thị, ngầm thừa nhận rằng danh tiếng kém của Siri đang ảnh hưởng đến thông điệp AI của công ty. Apple sẽ hạn chế công bố các tính năng mới quá sớm trước ngày ra mắt chính thức.

Về phần mình, Dag Kittlaus đồng sáng lập ứng dụng Siri gốc vẫn lạc quan về tương lai của Siri tích hợp AI. “Tất cả công ty phát triển mô hình nền tảng đều không thực sự hiểu một trợ lý là gì, trong khi Apple đã theo đuổi khái niệm này từ năm 2010”, ông nói. Theo ông, điều duy nhất Apple cần làm là khiến Siri thông minh hơn rất nhiều. “Họ vẫn còn nút bấm, thương hiệu, và nếu thay đổi ‘bộ não’ cho Siri, họ hoàn toàn có cơ hội trở thành trợ lý được ưa chuộng nhất”.

Apple hụt hơi trong cuộc đua AI (kỳ 1): Chiến lược lỗi thời

Apple hụt hơi trong cuộc đua AI (kỳ 2): Nguyên nhân thất bại

Quốc An (theo Bloomberg)

Thiết kế: TM

FILI - 17:12:01 25/05/2025