Bloomberg: Đồng USD yếu không được đề cập trong các cuộc đàm phán thuế quan của Mỹ
Căng thẳng bao trùm thị trường ngoại hối toàn cầu khi nhà đầu tư lo ngại chính quyền Trump đang âm thầm tìm cách làm yếu đồng USD. Tuy nhiên, theo nguồn tin thân cận với vấn đề này, các quan chức Mỹ đang đàm phán thương mại khắp thế giới không hề đưa vấn đề tiền tệ vào các thỏa thuận.
Mối lo này đã đẩy đồng Won Hàn Quốc tăng vọt gần 2% so với USD trong ngày 12/05, đồng Yên Nhật cũng mạnh lên. Đặc biệt, đầu tháng này, đồng tiền Đài Loan ghi nhận đợt tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ - một động thái bất thường với quốc gia vốn nổi tiếng kiểm soát chặt tỷ giá.
![]() Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent |
Trung tâm của mọi sự chú ý là Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent - người duy nhất trong nhóm kinh tế của Trump được phép xử lý vấn đề tỷ giá. Nguồn tin khẳng định ông Bessent không ủy quyền cho bất kỳ quan chức nào khác đàm phán về vấn đề tỷ giá với các đối tác thương mại. Mọi thảo luận liên quan chỉ diễn ra khi có mặt ông.
Thực tế, đồng USD đã mất khoảng 8% giá trị so với các đồng tiền thế giới từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Trong quá khứ, ông Trump nhiều lần phàn nàn về các nước châu Á cố tình phá giá đồng tiền để giành lợi thế thương mại. Chính quyền của ông đã áp thuế quan lên hầu hết thế giới và giờ đây, ông đang dàn xếp khả năng giảm thuế trong các cuộc đàm phán mới.
"Không nghi ngờ gì thị trường đang rất bồn chồn", Gregory Faranello từ AmeriVet Securities nhận định. "Biến động cực độ này phản ánh sự bất ổn thương mại hiện tại”.
Ông Bessent liên tục nỗ lực trấn an thị trường. Từ tháng 2, ông khẳng định chính quyền Mỹ vẫn theo đuổi chính sách đồng USD mạnh, kể cả sau khi thông báo thuế quan ngày 02/04 của ông Trump kích hoạt làn sóng bán tháo tài sản Mỹ. Tại hội nghị IMF tháng trước và sự kiện Milken Institute, ông gọi Mỹ là "điểm đến hàng đầu" cho vốn toàn cầu.
Đáng chú ý, sau đàm phán với Trung Quốc cuối tuần qua, vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ xác nhận "không có thảo luận về tiền tệ" với phái đoàn Bắc Kinh. Nguồn tin tiết lộ điều diễn ra sau cánh cửa đóng kín hoàn toàn phù hợp với tuyên bố công khai này. Chính quyền muốn các đối tác không thao túng phá giá đồng tiền, nhưng không định đưa điều khoản này vào các thỏa thuận có thể giảm thuế quan.
Tuy nhiên, thị trường vẫn hoài nghi. Ông Trump đã chọn các cố vấn như Stephen Miran, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng. Trước đây, ông Miran đã vạch ra con đường giảm bớt những gì gần đây ông gọi là "gánh nặng" của việc sở hữu đồng tiền dự trữ của thế giới.
Đó là một lý do tại sao những người tham gia thị trường có khả năng kết luận rằng logic của các mục tiêu kinh tế của Trump - bao gồm thâm hụt thương mại nhỏ hơn và sự hồi sinh sản xuất của Mỹ - hướng tới đồng bạc xanh yếu hơn bất kể chính sách đồng USD được mô tả chính thức như thế nào.
"Nói về phối hợp tiền tệ có thể còn sớm, nhưng các nhà giao dịch ngoại hối đang đánh hơi thấy điều gì đó", Haris Khurshid từ Karobaar Capital bình luận. "Thị trường đã giao dịch như thể đồng USD yếu là điều ngầm hiểu."
Sự tăng vọt của đồng tiền Đài Loan hồi đầu tháng - mức tăng mạnh nhất kể từ 1988 - được cho là phản ánh kỳ vọng Đài Loan sẽ cho phép đồng tiền tăng giá để đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Cùng với Nhật Bản và Trung Quốc, Đài Loan nằm trong "danh sách giám sát" thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ. Hàn Quốc vừa được thêm vào tháng 11.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato tuần này cho biết sẽ tìm cơ hội thảo luận về tiền tệ với ông Bessent tại hội nghị G7 sắp tới ở Canada.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)