Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản mất chức vì… chưa bao giờ mua gạo
Theo truyền thông Nhật Bản, Bộ trưởng Nông nghiệp Taku Eto đã phải từ chức vào hôm nay, sau khi công chúng phẫn nộ vì những phát ngôn có liên quan đến gạo của ông.
Cụ thể, vào Chủ Nhật vừa qua, Eto cho biết ông chưa bao giờ phải mua gạo vì được những người ủng hộ tặng rất nhiều - một bình luận khiến người dân trong nước giận dữ vì họ đang phải vật lộn với giá cả tăng vọt của loại nhu yếu phẩm này.
Nguyên nhân khiến Nhật Bản gặp khó với giá gạo tăng cao trong nhiều tháng là do thời tiết khắc nghiệt và chính sách lâu nay của nước này nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân địa phương, khiến nguồn cung bị giảm.
Việc từ chức của ông Taku diễn ra vào thời điểm chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba đang phải hứng chịu tỷ lệ ủng hộ thấp trước thềm cuộc bầu cử quan trọng tại Thượng viện vào mùa hè này và vất vả đàm phán thuế quan với Mỹ. NHK World đưa tin cựu Bộ trưởng Môi trường Koizumi Shinjiro sẽ là người kế nhiệm.
![]() Bộ trưởng Nông nghiệp Taku Eto |
Theo cuộc thăm dò của Kyodo News công bố hôm Chủ Nhật, tỷ lệ chấp thuận dành cho nội các của ông Ishiba đã giảm xuống mức 27.4%, thấp nhất từ trước đến nay, vì cử tri ngày càng bất mãn với việc chính quyền không giải quyết được tình trạng giá gạo tăng cao và từ chối cắt giảm thuế tiêu dùng để ứng phó với lạm phát gia tăng.
Mặc dù Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đang cố gắng kiềm chế việc tăng giá bằng cách mở kho dự trữ của chính phủ, nhưng động thái này không mang lại nhiều hiệu quả trong việc kiểm soát giá cả.
Giá gạo tại khoảng 1,000 siêu thị trên toàn quốc được cho là đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong tuần kết thúc vào ngày 11/05. Giá một bao gạo 5 kg tăng 54 Yên so với tuần trước, lên 4,268 Yên (29.63 USD)
Trong báo cáo vào tháng 3, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho biết: "Sau tình trạng thiếu gạo ở Nhật Bản và giá tăng cao vào mùa hè năm 2024, giá cả tiếp tục tăng vọt, bất chấp vụ mùa mới trong nước và lượng nhập khẩu kỷ lục".
Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, cho biết giá gạo tăng đột biến phản ánh những tác động kéo dài của vụ thu hoạch kém năm ngoái, trong khi việc tiêu thụ gạo trong nước chủ yếu được hỗ trợ bởi sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu.
Sayuri Shirai, giáo sư kinh tế thuộc khoa quản lý chính sách của Đại học Keio, cho biết nguyên nhân gây căng thẳng cho nguồn cung là do gạo ở Nhật Bản chủ yếu được sản xuất bởi những người lớn tuổi điều hành các trang trại nhỏ, vì vậy không thực sự hiệu quả. Thêm vào đó, số lượng nông dân cũng đang giảm theo tốc độ già hóa dân số.
“Người Nhật thích gạo Nhật. Họ không thực sự thích gạo nước ngoài”, bà nói. Nền kinh tế lúa gạo của Nhật Bản vẫn khá tách biệt với thị trường thế giới, với mức thuế cao đối với gạo nhập khẩu nhằm bảo vệ người nông dân trồng lúa.
Vị giáo sư này cũng lưu ý rằng nhu cầu về gạo Nhật Bản đã tăng vọt do lượng khách du lịch quá đông, khiến cho tình hình càng trầm trọng thêm.
Trong khi đó, Takuji Okubo, nhà kinh tế trưởng của Diễn đàn Rủi ro Nhật Bản, cho biết giá gạo tăng mạnh một phần cũng là do tình trạng tích trữ hoảng loạn của cả hộ gia đình lẫn doanh nghiệp.
Mặc dù một số nhà bán lẻ đã công bố kế hoạch nhập khẩu gạo, nhưng do người tiêu dùng và doanh nghiệp chưa quen với gạo nhập khẩu nên điều này khó có thể làm giảm đáng kể tình trạng mất cân bằng cung cầu, ông nói với CNBC.
Vào tháng 3, lạm phát của Nhật Bản tăng 3.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù con số này thấp hơn mức 3.7% ghi nhận hồi tháng 2, nhưng vẫn đánh dấu ba năm liên tiếp tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Nhật Bản.
“Con số này rất cao so với Mỹ hoặc châu Âu”, Shirai nói và cho biết thêm rằng bức tranh lạm phát của Nhật Bản có liên quan nhiều hơn đến áp lực chi phí chủ yếu bắt nguồn từ giá thực phẩm. “Đó là lý do tại sao nhiều người tiêu dùng rất tức giận”.
Ngoài ra, bà lưu ý rằng đồng Yên rẻ cũng khiến việc nhập khẩu thực phẩm trở nên đắt đỏ.
Theo trung tâm dữ liệu Tridge, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 60% nguồn cung thực phẩm. Nước này có tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực là 38%, thấp hơn so với mục tiêu của chính phủ là 45% vào năm tài khoá 2030.
Nhã Thanh (Theo CNBC)