Boeing trở lại sau khủng hoảng: Ký thỏa thuận kỷ lục với Qatar Airways, cổ phiếu hồi phục 50%

date
15/05/2025 10:48

Boeing trở lại sau khủng hoảng: Ký thỏa thuận kỷ lục với Qatar Airways, cổ phiếu hồi phục 50%

Chỉ một năm sau cuộc khủng hoảng kéo dài với loạt thay đổi nhân sự cấp cao, Boeing vừa có màn trở lại ấn tượng với đơn hàng máy bay lớn nhất lịch sử công ty. Động lực đằng sau thương vụ khủng này chính là sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng thống Donald Trump.

Tại buổi lễ ký kết trong sảnh đá cẩm thạch lộng lẫy của Hoàng gia Qatar trong ngày 14/05, CEO Kelly Ortberg đã ký thỏa thuận mua tối đa 210 máy bay thân rộng từ Qatar Airways. Thương vụ bao gồm dòng 787 Dreamliner và mẫu 777X lớn hơn với động cơ từ General Electric. Chứng kiến buổi lễ có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani.

Theo Nhà Trắng, giá trị thỏa thuận lên tới 96 tỷ USD, dù các khách hàng thường thương lượng được mức chiết khấu cao với những đơn hàng khổng lồ như thế này. Qatar Airways sẽ mua 130 chiếc 787 Dreamliner và 30 chiếc 777X, cùng tùy chọn mua thêm 50 máy bay thân rộng. Riêng GE Aerospace xác nhận thỏa thuận bao gồm hơn 400 động cơ - đơn hàng động cơ tua-bin thân rộng lớn nhất lịch sử hãng.

"Sau hai năm liên tiếp phá kỷ lục về hiệu suất thương mại, đơn hàng Boeing lịch sử này cho thấy chúng tôi không chỉ theo đuổi quy mô mà đang xây dựng sức mạnh thực sự", CEO Qatar Airways, Badr Mohammed Al-Meer phát biểu tại sự kiện.

Thương vụ này mang lại chiến thắng cho tất cả các bên. Ông Trump đang thực hiện sứ mệnh tại vùng Vịnh với mục tiêu thu hút hàng ngàn tỷ USD từ các thỏa thuận thương mại, khẳng định kỹ năng đàm phán của mình. Qatar thắt chặt quan hệ với Mỹ thông qua việc ủng hộ nhà xuất khẩu lớn nhất nước này. Còn Boeing được củng cố vị thế thống trị tại thị trường vốn là khách hàng truyền thống mua máy bay đắt tiền nhất của hãng.

Ông Ortberg tháp tùng Trump trong chuyến công du khu vực, bắt đầu từ Ả-rập Saudi trong ngày 13/05. Tại đây, Boeing cũng giành được cam kết 4.8 tỷ USD từ quỹ đầu tư quốc gia của Ả-rập Saudi. Sau khi ký kết thỏa thuận lớn hơn nhiều với Qatar, ông Trump chúc mừng ông Ortberg và nhấn mạnh đây là điều giúp bảo đảm việc làm cho người Mỹ.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ông Trump từng công khai chỉ trích Boeing chậm giao hai chiếc Air Force One mới được đặt trong nhiệm kỳ đầu của ông. Còn ông Ortberg thừa nhận chương trình đã chậm tiến độ nhiều năm nhưng khẳng định Boeing đang tìm cách đẩy nhanh.

Vấn đề chậm giao máy bay Tổng thống đã ám ảnh chuyến đi của Trump. Ông xác nhận đang cân nhắc nhận một chiếc Boeing 747-8 thuộc sở hữu của Qatar đã được trang trí như máy bay riêng. Ông Trump cho biết chiếc máy bay này sẽ được tặng cho Bộ Quốc phòng Mỹ và có thể được sử dụng như giải pháp tạm thời trong khi Boeing chế tạo những chiếc Air Force One mới, mặc dù ý tưởng này đã gây tranh cãi ở cả hai phe chính trị tại Mỹ.

Ortberg từ bỏ cuộc sống nghỉ hưu để quay lại cứu Boeing khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Vụ tai nạn suýt gây ra hậu quả thảm khốc đầu năm 2024 đã phơi bày sự cẩu thả đáng sợ tại các nhà máy Boeing và nhà cung cấp chính. Từ khi nắm quyền, ông Ortberg phải đối mặt với cuộc đình công dai dẳng, vá víu bảng cân đối kế toán bị thâm hụt và nỗ lực tăng sản lượng dòng 737 Max cùng 787 Dreamliner.

Nhà đầu tư phấn khởi với thỏa thuận Doha. Cổ phiếu Boeing tăng 3.1%, chạm mức cao nhất trong 15 tháng. Từ mức đáy 128.88 USD hồi đầu tháng 4 khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, cổ phiếu đã tăng 50% nhờ xu hướng hạ nhiệt gần đây.

"Boeing đang lấy lại nhịp độ hoạt động sau cuộc đình công kéo dài và các sự cố năm ngoái. Căng thẳng thương mại hạ nhiệt, thanh khoản dồi dào và động lực sản xuất cải thiện sẽ giúp hiệu suất trái phiếu của Boeing vượt trội các đối thủ", nhà phân tích Matthew Geudtner của Bloomberg Intelligence nhận định.

Các hãng hàng không vùng Vịnh từ lâu đã là khách hàng lớn nhất của máy bay tầm xa. Emirates, đối thủ của Qatar Airways, đặt hơn 100 máy bay Boeing tại Dubai Air Show 2023. Năm 2014, Emirates cũng đặt 150 chiếc 777X - kỷ lục vào thời điểm đó.

Qatar vốn là khách hàng trung thành của Boeing, dù cũng vận hành đội bay Airbus đáng kể. Nhu cầu máy bay thân rộng tăng mạnh hậu đại dịch khi các tuyến quốc tế mở cửa trở lại và hãng hàng không cần thay thế đội bay cũ.

Stephanie Pope, lãnh đạo mảng máy bay thương mại Boeing, cùng ông Ortberg tới Doha. Cả hai mới nhận chức trong đợt cải tổ năm ngoái, thay thế đội ngũ cũ của cựu CEO Dave Calhoun.

Cam kết này chắc chắn chuyển hướng trọng tâm của Qatar sang Boeing, dù hãng vẫn cân nhắc một số máy bay Airbus A350. Thỏa thuận Airbus, nếu có, nhiều khả năng sẽ công bố tại Paris Air Show tháng 6. Qatar hiện vận hành hơn 200 máy bay từ cả hai nhà sản xuất, trong đó có hơn 50 chiếc Boeing 777 cũ cần thay thế.

* Trung Quốc gỡ lệnh cấm Boeing sau thỏa thuận thuế quan với Mỹ

* Ông Trump mang về khoản đầu tư 600 tỷ USD từ Ả-rập Saudi

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI - 09:46:06 15/05/2025