Các nhà máy Trung Quốc “quay lưng” với Mỹ, tìm lối đi mới
Suốt hơn 20 năm qua, doanh nhân Trung Quốc Sandy Zeng đã gây dựng một doanh nghiệp sản xuất đa dạng sản phẩm dành cho thú cưng, từ chén ăn cho đến đồ chơi, chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ. Hiện tại, ông đang chuyển hướng tập trung tìm kiếm khách hàng là những người nuôi chó mèo tại các thị trường mới ngoài Mỹ.
Ông Zeng, đồng sáng lập Công ty Công nghệ Siêu cấp Quảng Đông, chia sẻ tại gian hàng của mình ở Hội chợ Canton (Quảng Châu), hội chợ thương mại lớn nhất thế giới, rằng: “Thị trường châu Á của chúng tôi năm nay sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, kinh tế khu vực rất sôi động, chúng tôi chỉ cần điều chỉnh sơ về thiết kế sản phẩm là có thể đáp ứng nhu cầu”. Năm nay, hội chợ diễn ra trong bối cảnh hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang phải chịu mức thuế rất cao.
![]() Các sản phẩm sản xuất cho thị trường Mỹ tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang vào ngày 28/4. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images |
Zeng là một trong nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc phải đối mặt với việc đơn hàng từ Mỹ bị tạm dừng khi căng thẳng thương mại leo thang. Khi hội chợ kết thúc đầu tuần này, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đang chủ động tìm kiếm và mở rộng sang các thị trường ngoài Mỹ.
Dù Tổng thống Trump khẳng định mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc cuối cùng sẽ thấp hơn nhiều so với mức 145% đã áp dụng hồi tháng 4, các lãnh đạo nhà máy và giám đốc kinh doanh Trung Quốc vẫn hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận nếu không có sự thay đổi lớn trong chính sách.
Phỏng vấn với hơn 20 nhà sản xuất Trung Quốc cho thấy tất cả đều ủng hộ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề thương mại. Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị tâm thế cho kịch bản xấu nhất, đó là khi lượng khách hàng từ Mỹ sụt giảm mạnh và thị trường toàn cầu trở nên khó lường hơn.
“Trước đây, hơn 80% hàng xuất khẩu của tôi đều sang Mỹ, nhưng những năm gần đây, tỷ lệ này đã thay đổi”, ông Albert Zhai, chủ Công ty Thương mại Quốc tế Liaoning Aroma, đơn vị có 20 năm xuất khẩu hàng Halloween sang Mỹ, chia sẻ. “Sắp tới, tôi sẽ tập trung vào thị trường châu Âu hoặc Nam Mỹ”, ông nói.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm thị trường mới không dễ, bởi nhiều quốc gia sẽ tăng cường các biện pháp bảo hộ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc chuyển hướng khỏi Mỹ.
Khó khăn phía trước
Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu gây ra những tác động tiêu cực rõ rệt đối với kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 4, hoạt động sản xuất của nước này ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2023, số đơn hàng xuất khẩu mới cũng xuống mức thấp nhất kể từ 2022.
Tại Quảng Châu, khách mua đến từ Mỹ xuất hiện rất ít, nhưng hội chợ Canton vẫn diễn ra sôi động nhờ lượng khách từ Trung Đông và châu Phi tăng mạnh. Theo dữ liệu từ ban tổ chức, số khách tiềm năng đến từ các nước BRICS (bao gồm Nga, Ấn Độ) tăng 24%, còn khách từ các quốc gia thuộc sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc tăng 17%. Trong khi đó, lượng khách mua từ châu Âu và Mỹ cộng lại chỉ tăng 3%, dù tổng số khách tham dự hội chợ tăng tới 17%.
Thị trường mới nổi
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng tiêu dùng và gia dụng của Trung Quốc cho biết họ đang ưu tiên mở rộng sang các thị trường gần như Trung Đông và Đông Nam Á, nơi nền kinh tế đang công nghiệp hóa nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng.
Ông Kim Chong Chim, Giám đốc điều hành Stechcol Ceramic Crafts Development, công ty chuyên sản xuất gốm sứ thiết kế tinh xảo, chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng kinh doanh sẽ thuận lợi hơn tại Trung Đông, nơi người dân có mức sống cao và sức mua lớn, đồng thời chúng tôi cũng đang đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa”.
![]() Nhãn mác dưới đáy một chiếc kẹp hạt cho thấy sản phẩm này được sản xuất tại Trung Quốc và đang được bày bán tại một cửa hàng đồ Giáng sinh ở West Palm Beach, Florida. Ảnh: Joe Raedle/Getty Images |
Đông Nam Á đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong những năm gần đây. Đặc biệt, nhiều quốc gia trong khu vực ghi nhận mức tăng trưởng thương mại điện tử hai con số, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến. Ông Guochen Du, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thương mại Điện tử thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định.
Bà Yuan Li, Phó tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Songfa Quảng Đông, cho biết doanh số sụt giảm tại Mỹ sẽ được bù đắp nhờ mở rộng xuất khẩu sang châu Âu và các nước mới nổi.
Ngoài ra, biến động tỷ giá cũng đang hỗ trợ các nhà xuất khẩu Trung Quốc tìm kiếm thị trường mới. Đồng nhân dân tệ đã giữ giá so với đô la Mỹ trong bối cảnh bán tháo toàn cầu, và tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020 so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại, giúp hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn trên toàn cầu.
![]() Công nhân đang bốc xếp hàng hóa tại một khu công nghiệp tập trung nhiều nhà sản xuất nhỏ ở Nghĩa Ô, Trung Quốc ngày 07/05. Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg |
Nhiều doanh nghiệp từng có ý định xây dựng hoặc mở rộng sản xuất ra ngoài Trung Quốc hiện đã tạm dừng kế hoạch do bất ổn quá lớn.
“Vài năm trước, chúng tôi đã mua đất ở Campuchia và bắt đầu xây dựng”, bà Roe Yuan, Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Zhuguang, đơn vị chuyên bán đèn trang trí Giáng sinh sang Nam Mỹ và châu Âu, chia sẻ. “Nhưng do các vấn đề về thuế quan và chính sách thay đổi liên tục, chúng tôi quyết định dừng lại và hiện chỉ cho thuê lại nhà xưởng”.
Do quan hệ với Mỹ liên tục biến động, công ty cũng đã quyết định rút khỏi thị trường này.
“Ngay cả khi hiện tại có khách hàng Mỹ hỏi mua, chúng tôi cũng không muốn nhận đơn”, bà chia sẻ.
Quốc An (Theo Bloomberg)