Các ông lớn bán lẻ Nhật Bản, Thái Lan đổ xô mở rộng tại Việt Nam

date
06/05/2025 17:15

Các ông lớn bán lẻ Nhật Bản, Thái Lan đổ xô mở rộng tại Việt Nam

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các đại gia bán lẻ khu vực, đặc biệt là từ Nhật Bản và Thái Lan. Với dân số đông và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam trở thành miếng bánh béo bở mà các nhà bán lẻ ngoại quốc đang tranh nhau giành giật thị phần.

Aeon - nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản - đang tiên phong trong chiến lược mở rộng này với kế hoạch tăng gấp 8 lần số lượng siêu thị lớn và cửa hàng bách hóa tổng hợp tại Việt Nam vào năm 2030. Động thái này thể hiện niềm tin mạnh mẽ của tập đoàn vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam.

Hồi tháng 1/2025, Aeon khai trương Aeon Xuân Thủy tại Hà Nội - một cửa hàng bách hóa tổng hợp đặt tại khu vực sôi động với các văn phòng, trường học và một nhà ga tàu điện ngầm mới. Ba tầng đầu tiên của tòa nhà bốn tầng này không chỉ bán thực phẩm mà còn có mỹ phẩm, đồ nội thất và quần áo. Điều đáng chú ý là cửa hàng luôn chật kín khách địa phương ngay cả vào những ngày làm việc trong tuần.

Bên trong Aeon Xuân Thủy

Điểm đặc biệt của mô hình kinh doanh Aeon tại Việt Nam là việc tập trung vào không gian thực phẩm chế biến sẵn với diện tích lên đến 1,620 m2, vượt xa so với mức trung bình của các không gian tương tự trong các siêu thị Nhật Bản. Tầng 3 được thiết kế như một khu ẩm thực rộng lớn với 450 chỗ ngồi.

Ngoài mô hình cửa hàng bách hóa truyền thống, Aeon còn phát triển mạnh mẽ mô hình "siêu-siêu thị" (super-supermarket) - sự kết hợp giữa siêu thị thông thường với các yếu tố của cửa hàng bách hóa tổng hợp như khu ẩm thực và khu làm đẹp. Tính đến cuối tháng 2, Aeon đã xây dựng được mạng lưới gồm 12 cửa hàng bách hóa tổng hợp (trong đó có 3 siêu-siêu thị) và 36 siêu thị thông thường bao gồm các cửa hàng Citimart.

"Để cạnh tranh với các công ty như [nhà bán lẻ Thái Lan] Central, chúng tôi cần hướng tới mục tiêu 100 cửa hàng bách hóa tổng hợp và siêu-siêu thị vào khoảng năm 2030", Yasuyuki Furusawa, cựu lãnh đạo chi nhánh Việt Nam của Aeon và hiện là Chủ tịch của Aeon Retail chia sẻ. Ông cũng tiết lộ thêm rằng đối với các cửa hàng quy mô nhỏ hơn như cửa hàng tạp hóa, Aeon đặt mục tiêu mở rộng lên khoảng 200 địa điểm.

Không chỉ có Aeon, các công ty Nhật Bản khác cũng đang ráo riết mở rộng tại thị trường Việt Nam.

Sumitomo - một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất Nhật Bản - đang đẩy mạnh phát triển chuỗi FujiMart với kế hoạch tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 50 địa điểm vào năm 2028. Cửa hàng FujiMart được điều hành cùng với đối tác địa phương là Tập đoàn BRG.

Dù FujiMart mang phong cách siêu thị kiểu Nhật, lãnh đạo chuỗi cửa hàng này khẳng định họ đang nhắm đến người tiêu dùng Việt Nam, thu hút khách hàng từ các chợ truyền thống với sản phẩm tươi sống và tạo sự khác biệt bằng thực phẩm chế biến sẵn cùng các tiệm bánh độc đáo.

Bên trong cửa hàng FujiMart

Yaoko - một siêu thị địa phương có trụ sở tại tỉnh Saitama - cũng đã đầu tư gần 100 triệu Yên (tương đương 700,000 USD) vào công ty điều hành chuỗi 3Sach của Việt Nam. Dù chưa có cửa hàng nào bên ngoài Nhật Bản, Yaoko nhìn nhận Việt Nam như thị trường mục tiêu cho kế hoạch mở rộng quốc tế trong tương lai.

Về phía Thái Lan, Tập đoàn Central - một trong những đế chế bán lẻ lớn nhất tại quốc gia này - đang đẩy nhanh chiến lược mở rộng tại Việt Nam, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.

Siêu thị Go! của Central Retail

Những con số thống kê giải thích rõ lý do vì sao các nhà bán lẻ Nhật Bản và Thái Lan đang đổ xô vào thị trường Việt Nam. Doanh số bán lẻ tại Việt Nam tăng mạnh 8% vào năm ngoái, đạt 4.92 triệu tỷ đồng (tương đương 190 tỷ USD), theo dữ liệu chính thức từ Chính phủ. Các cửa hàng tạp hóa nhỏ và các chợ truyền thống vẫn chiếm ưu thế với khoảng 70% đến 80% doanh số bán hàng, điều này lại tạo ra cơ hội vàng cho các chuỗi siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi mở rộng thị phần.

Tuy nhiên, cuộc đua trên thị trường bán lẻ Việt Nam không hề dễ dàng. Các đối thủ trong nước như Tập đoàn Masan đã xây dựng được đế chế với khoảng 3,800 siêu thị và cửa hàng tiện lợi tính đến tháng 12, và còn tham vọng mở thêm 1,000 địa điểm mỗi năm, chủ yếu là các cửa hàng tiện lợi WinMart+.

Một trong những yếu tố thành công của Aeon tại Việt Nam là hiểu được thói quen và sở thích của người tiêu dùng. Theo dữ liệu nội bộ của Aeon, trong khi thực phẩm chế biến sẵn và các mặt hàng bánh nướng chỉ chiếm 13% tổng doanh số bán thực phẩm tại các cửa hàng ở Nhật Bản, con số này tăng vọt lên 20% tại Việt Nam. Đặc biệt, gần 30% doanh số bán hàng tại cửa hàng Aeon Xuân Thủy đến từ thực phẩm chế biến sẵn (tính từ khi khai trương vào tháng 1 đến đầu tháng 3).

"Việc đi đến cửa hàng cùng gia đình, mỗi người chọn những gì họ muốn, và ngồi quanh bàn để ăn là một hình thức giải trí tại Việt Nam”, Ông Furusawa của Aeon Retail nói.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)

FiLi - 16:13:58 06/05/2025