Câu chuyện kế nhiệm của gia tộc giàu nhất Singapore: Bi kịch gia đình và bài học cho nhà đầu tư
Suốt nhiều năm, Kwek được xem là gia tộc giàu có nhất Singapore, là hình mẫu lý tưởng trong việc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ một cách bài bản và suôn sẻ.
Nhưng mới đây, một mâu thuẫn cha con đã khiến bức tranh hoàn hảo ấy sụp đổ, biến đế chế trị giá 17 tỷ USD này thành bài học cảnh báo cho các nhà đầu tư vào công ty do gia đình kiểm soát.
Khắp thế giới, những gia tộc giàu có đang chuẩn bị chuyển giao hàng ngàn tỷ USD tài sản cho thế hệ kế cận. Ở châu Á, nhiều ông trùm lớn tuổi đang trăn trở giữa việc giao quyền cho con cháu hay thuê đội ngũ quản lý chuyên nghiệp từ bên ngoài. Và câu chuyện của gia đình Kwek – được dựng lại từ hàng chục cuộc phỏng vấn và tài liệu nội bộ – cho thấy, ngay cả kế hoạch kế nhiệm được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cũng có thể đổ bể vì mất niềm tin và bất đồng chiến lược.
Rạn nứt sau bức màn gia tộc
Trước năm 2025, City Developments Ltd. (CDL), tập đoàn bất động sản lớn có trụ sở tại Singapore, hầu như không để lộ dấu hiệu xung đột. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Kwek Leng Beng, CDL phát triển thành một đế chế sở hữu hàng loạt bất động sản đắt đỏ trên toàn cầu, từ Biltmore Mayfair tại London đến Millennium Hotel Broadway Times Square ở New York. Chủ tịch Kwek Leng Beng đã xây dựng nhà phát triển bất động sản này qua nhiều thập kỷ trước khi con trai cả Sherman Kwek, trở thành Giám đốc điều hành vào năm 2018.
Ông Kwek Leng Beng vào năm 2023. Ảnh: Kevin Lim/Singapore Press/AP Photo
Hai cha con thường xuất hiện cùng nhau tại nhiều sự kiện công khai, thể hiện sự thống nhất và gắn bó trong vai trò lãnh đạo. Kế hoạch kế nhiệm của gia đình được khắc họa rõ nét vào năm 2023 qua một bức chân dung ba chiều khổ lớn, ghi lại hình ảnh ông Kwek Leng Beng cùng người cha quá cố và người con trai Sherman. Bên cạnh bức tranh là một dòng thư pháp tiếng Trung nổi bật với thông điệp: “Ba thế hệ bền bỉ vươn lên, 60 năm vinh quang và danh dự”, được đặt trang trọng tại sảnh chính của Republic Plaza – tòa nhà chọc trời biểu tượng tại Singapore.
Tuy luôn xuất hiện với hình ảnh đồng thuận, phía sau hậu trường, giữa hai cha con ông Leng Beng và Sherman đã âm ỉ những căng thẳng. Một phần nguyên nhân đến từ bất đồng về định hướng chiến lược, phần khác liên quan đến ảnh hưởng của một nhân vật thân tín bên cạnh Chủ tịch – người được cho là có vai trò không nhỏ trong các quyết sách nội bộ, theo nguồn tin thân cận.
Mâu thuẫn gần đây đã khiến giới đầu tư càng thêm lo ngại về tình hình nội bộ của CDL – công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore. Trước đó, Tập đoàn này đã không đạt được các mục tiêu kinh doanh cũng như kỳ vọng về lợi nhuận từ giới phân tích, giá cổ phiếu của họ đã giảm mạnh hơn so với các đối thủ cùng ngành. Cơ quan quản lý sàn giao dịch Singapore thậm chí đã yêu cầu CDL làm rõ các vấn đề liên quan đến công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp, theo Bloomberg News.
Vào cuối tháng 1/2025, chỉ một ngày sau sinh nhật lần thứ 84 của ông Leng Beng, mối quan hệ giữa ông và con trai Sherman đã rạn nứt nghiêm trọng sau khi vị tỷ phú nhận được một email bất ngờ.
Sự việc diễn ra đúng vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán, thời khắc mà nhiều gia đình người Hoa thường quây quần sum họp dùng bữa cơm đoàn viên. Hội đồng quản trị CDL bất ngờ nhận được thông báo về việc đề cử hai thành viên HĐQT mới, khiến ông Leng Beng không khỏi bất ngờ. Dù ông phản đối, đa số thành viên HĐQT vẫn thông qua việc bổ sung này, đồng thời loại ông ra khỏi ủy ban phụ trách đề cử các vị trí quản lý cấp cao và bổ nhiệm thành viên HĐQT.
Điều đáng chú ý là chỉ vài tuần trước đó, ông Leng Beng và Sherman từng đạt được thỏa thuận rằng sẽ không thay đổi thành phần HĐQT. Các nguồn tin thân cận khẳng định thỏa thuận này là có thật, nhưng đã nhanh chóng bị phá vỡ.
Tới cuối tháng 2, mâu thuẫn chính thức bùng phát công khai. Khi ông Leng Beng lên tiếng cáo buộc con trai đứng sau một “cuộc đảo chính” trong phòng họp và cho biết ông đã từng cố gắng sa thải Sherman. Không dừng lại ở đó, ông đã đệ đơn kiện Sherman cùng một số thành viên HĐQT khác tại tòa án Singapore, với mục tiêu đảo ngược các thay đổi trong HĐQT, đồng thời tuyên bố Sherman không đủ năng lực để điều hành tập đoàn.
Giá cổ phiếu của CDL đã sụt giảm hơn 70% kể từ đỉnh cao vào năm 2007 (Đvt: Tỷ USD)
Dữ liệu tính đến ngày 14/04/2025. Nguồn: Bloomberg.
Trong khi đó, Sherman khẳng định những thay đổi trong HĐQT hoàn toàn không nhằm mục đích lật đổ cha mình. Thay vào đó, ông bất ngờ hé lộ một nguyên nhân khác đứng sau căng thẳng gia đình. Theo vị CEO 49 tuổi, gốc rễ của mâu thuẫn đến từ bà Catherine Wu – cố vấn lâu năm trong mảng khách sạn của CDL và cũng là người đã gắn bó nhiều năm với ông Leng Beng. Sherman cáo buộc bà Wu can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của tập đoàn và cho rằng cần phải giới hạn lại tầm ảnh hưởng của bà để đảm bảo sự minh bạch trong quản lý.
Xung đột giữa hai cha con leo thang nhanh chóng khiến họ không còn nói chuyện với nhau – theo tiết lộ từ những người thân cận.
Tuy nhiên đến tháng 3, căng thẳng bất ngờ hạ nhiệt chóng vánh. Bà Wu rút khỏi vai trò cố vấn không lương, chỉ vài ngày sau, ông Leng Beng cũng chính thức rút đơn kiện. Ông tuyên bố HĐQT CDL đã đồng thuận tạm gác bất đồng để ổn định tình hình. Theo các nguồn tin nội bộ, sự hòa giải tạm thời này diễn ra sau khi một số người bạn thân thiết khuyên hai cha con rằng cuộc tranh chấp công khai chỉ khiến cả hai tổn hại mà không đem lại lợi ích cho ai.
Vụ tranh chấp kế nhiệm diễn ra chóng vánh nhưng để lại nhiều dấu hỏi về gia đình Kwek. Làm sao một mối quan hệ cha con tưởng chừng khăng khít lại có thể rạn nứt nhanh chóng đến vậy? Và liệu sự hòa giải sau cùng có thực sự hàn gắn được tất cả?
Sherman Kwek - Giám đốc điều hành của CDL, tại một cuộc họp báo năm 2019. Ảnh: Ore Huiying/Bloomberg
Việc quay lại hiện trạng cũ và tránh “vạch áo cho người xem lưng” trước công chúng “không giải quyết được các vấn đề sâu xa hơn, như việc công ty sẽ được điều hành ra sao trong bối cảnh các thành viên HĐQT và ban điều hành thiếu tin tưởng nhau”, nhà phân tích Mervin Song của JPMorgan nhận định trong một báo cáo gửi khách hàng. Ông cũng cho rằng điều này không giải quyết được vấn đề hiệu suất hoạt động kém của CDL.
CDL và ông Sherman đều từ chối bình luận vụ việc. Trong khi đó, ông Leng Beng trả lời phóng viên Bloomberg News rằng câu chuyện được đưa ra “có nhiều điểm không đúng với thực tế”, nhưng không cung cấp thêm chi tiết cụ thể. Ông khẳng định, ưu tiên hàng đầu của CDL lúc này là “nâng cao hiệu quả hoạt động và tối đa hóa giá trị cho cổ đông”. Còn bà Catherine Wu không phản hồi các yêu cầu bình luận từ truyền thông.
Quá trình gây dựng
Gần 6 thập kỷ qua, ông Kwek Leng Beng đã dành phần lớn thời gian cuộc đời mình để xây dựng và mở rộng Hong Leong – Tập đoàn mẹ của CDL, đồng thời sở hữu nhiều tài sản trong lĩnh vực bất động sản, tài chính và công nghiệp.
Ông Kwek Leng Beng đảm nhận vị trí Chủ tịch từ năm 1990, 4 năm trước khi cha ông qua đời. Ông Leng Beng được biết đến là một doanh nhân sắc sảo và là nhà đàm phán lão luyện, nổi bật với phong cách làm việc nghiêm túc và thực tế.
Các mảng kinh doanh chính tạo nên Hong Leong Group của Singapore
Nguồn: Trang web công ty, hồ sơ công bố với cơ quan quản lý. Lưu ý: Dữ liệu được cập nhật đến cuối năm 2024, ngoại trừ Hong Leong Holdings – sử dụng số liệu của năm 2023.
Vào giữa những năm 1990, ông Leng Beng gây tiếng vang khi thẳng thừng từ chối đề nghị của Donald Trump về việc tiếp tục quản lý khách sạn Plaza ở New York, sau khi tài sản này bị chủ nợ thu giữ và rao bán. Thay vào đó, CDL cùng một Hoàng tử Ả Rập Xê Út đã thâu tóm biểu tượng bất động sản tại Manhattan với giá 325 triệu USD, thấp hơn 83 triệu USD so với số tiền Trump từng bỏ ra vào năm 1988. Thương vụ được phía Singapore mô tả là “một cuộc đảo chính làm rung chuyển thế giới kinh doanh”. Sau đó khách sạn này được bán lại với giá 675 triệu USD vào năm 2004.
Sherman, con cả trong hai người con trai của ông Leng Beng, bắt đầu sự nghiệp tại bộ phận khách sạn của Tập đoàn ở Mỹ, sau khi tốt nghiệp đại học ở Boston và có thời gian làm việc trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và ngân hàng đầu tư ở New York. Đến năm 2010, ông thành lập đơn vị CDL Trung Quốc và đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc điều hành. Trong một cuộc họp công bố kết quả kinh doanh, ông Leng Beng từng hài hước nhận xét rằng Sherman có tửu lượng tốt, một kỹ năng mà theo ông là cần thiết trong các cuộc đàm phán kinh doanh tại Trung Quốc.
Ranh giới giữa công việc và đời sống gia đình trong gia tộc Kwek thường không rõ ràng. Sherman vẫn gọi cha mình là “Chủ tịch” ngay cả khi ở bên ngoài văn phòng. Ông Kwek Leng Beng đôi lúc cũng đặt câu hỏi về các quyết định của con trai, thậm chí không ngần ngại khiển trách ông ngay tại nơi làm việc.
Năm 2017, khi được trao giải thưởng thành tựu trọn đời vì những đóng góp cho doanh nghiệp, ông Leng Beng đã ca ngợi Sherman là người có ý chí kiên định, có tầm nhìn, làm việc chăm chỉ hơn cả ông. Đồng thời, ông cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến vợ mình, bà Cecilia, người luôn đồng hành và ủng hộ ông suốt hành trình gây dựng sự nghiệp kinh doanh.
Canh bạc tỷ đô vào Trung Quốc
Một năm sau, Sherman được bổ nhiệm làm CEO của CDL với sự ủng hộ tuyệt đối từ HĐQT. Không lâu sau đó, ông dẫn đầu một thương vụ đầu tư lớn trị giá 1.9 tỷ đô la Singapore (tương đương 1.4 tỷ USD) vào Sincere Property Group, một công ty bất động sản Trung Quốc đang ngập nợ. Mục tiêu thương vụ là mở rộng phạm vi hoạt động của CDL tại Trung Quốc, từ chỉ 3 thành phố lên gần 20 thành phố trên toàn quốc.
Thời điểm đó, HĐQT CDL gồm 8 thành viên đã thông qua khoản đầu tư với 4 phiếu thuận, 3 phiếu chống, trong khi Sherman không tham gia bỏ phiếu. Đáng chú ý, ông Leng Beng nằm trong số những người ủng hộ thương vụ này.
Tuy nhiên, thương vụ nhanh chóng gặp trở ngại. Chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát hoạt động vay nợ của các công ty bất động sản, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhà ở kéo dài nhiều năm. Trong bối cảnh đó, Sincere rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản nghiêm trọng. CDL buộc phải xóa sổ toàn bộ khoản đầu tư, đến năm 2020, công ty bất động sản Singapore ghi nhận khoản lỗ 1.9 tỷ đô la Singapore, đây là lần đầu tiên thua lỗ trong gần 50 năm hoạt động của công ty.
Chuyện này đã gây ra rạn nứt trong gia đình. Anh họ của ông Leng Beng, ông Kwek Leng Peck, đã rời khỏi HĐQT CDL vào năm 2020, với lý do bất đồng về khoản đầu tư vào Sincere. Sau đó, hai thành viên HĐQT khác cũng nối gót.
“Khi thương vụ đầu tư vào Sincere sụp đổ, tôi từ người hùng trở thành kẻ thất bại chỉ sau một đêm”, Sherman chia sẻ sau này. Ông thừa nhận đã có nhiều ý kiến đề nghị ông từ chức, điều mà ông thực sự cân nhắc nghiêm túc. Trước áp lực đó, HĐQT CDL đã thuê một đơn vị độc lập tiến hành điều tra quá trình thẩm định và cách ông xử lý thương vụ đầu tư. Tuy nhiên, kết quả của cuộc điều tra chưa từng được công bố.
Sau cú sốc đó, Sherman cho biết CDL sẽ nỗ lực cải thiện lợi nhuận bằng cách đẩy mạnh thoái vốn các tài sản hiện có và mở rộng đầu tư vào bất động sản tại nhiều thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, công ty cũng bổ sung các thành viên độc lập vào HĐQT, nâng tổng số thành viên lên 10 người nhằm tăng cường tính minh bạch, chuyên môn trong công tác điều hành.
Người học việc thầm lặng
Suốt nhiều thập kỷ, ông Kwek Leng Beng dành phần lớn sự chú ý cho công ty con Millennium & Copthorne Hotels (M&C), một thương hiệu khách sạn thành lập tại Anh và trực thuộc CDL.
CDL sở hữu nhiều khách sạn nổi tiếng trên toàn thế giới. Ảnh: Lefteris Pitarakis/AP
Năm 2019, M&C được đưa ra khỏi sàn giao dịch và trở thành công ty tư nhân sau thời gian dài giá cổ phiếu tại London liên tục lao dốc. Khi đó, CDL cho biết M&C cần được đầu tư mạnh để có thể cạnh tranh hiệu quả và vượt qua những thách thức trong vận hành. Từ năm 2020 đến nay, công ty vẫn chưa bổ nhiệm CEO chính thức.
Một nhân vật gây chú ý trong câu chuyện này là bà Catherine Wu – nghệ sĩ piano kiêm ca sĩ gốc Đài Loan, có bằng tiến sĩ giáo dục âm nhạc tại Đại học New York. Theo một cuộc phỏng vấn trên báo, bà gặp ông Leng Beng lần đầu vào năm 1992 và chuyển đến Singapore trong cùng năm. Trong hơn 30 năm tiếp theo, bà nhiều lần tháp tùng ông tham dự các cuộc họp và khảo sát thực địa của M&C tại Singapore và nhiều quốc gia khác, theo lời bà Wu (nay 65 tuổi) chia sẻ với báo chí.
Năm 2018, tên của Wu được nhắc đến trong một phán quyết của tòa án lao động Anh liên quan đến vụ kiện sa thải không công bằng do một cựu nhân viên M&C khởi kiện. Mặc dù nguyên đơn không thắng kiện, phán quyết của tòa án ghi nhận rằng bà là trợ lý riêng của ông Leng Beng, do ông trực tiếp trả lương, và giữ vai trò như “tai mắt” của ông tại cơ sở.
Nhiều nhân viên cũ và hiện tại của M&C cho biết bà Wu từng tham gia các cuộc họp với đội ngũ khách sạn, quản lý và cả lãnh đạo cấp cao, ngay cả khi ông Leng Beng không có mặt.
Trong một talk show tại Đài Loan vào năm ngoái, bà gọi ông Leng Beng là “ân nhân và người sếp thân thiết”. Bà kể rằng sau ít nhất 15 đến 20 năm gắn bó, bà dần được ông cho phép “tự quyết” tại M&C và ngày càng tham gia sâu hơn vào công việc điều hành. Đặc biệt giai đoạn đại dịch COVID-19, bà phụ trách các vấn đề kỹ thuật như điều hòa không khí cho đến nhân sự, khiến bà cảm thấy như phải làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm.
Một số nhân viên cho biết đôi lúc bà Wu yêu cầu cấp dưới phải tuân theo chỉ thị của mình, thậm chí bác bỏ cả chỉ đạo từ ban lãnh đạo M&C. Tuy vậy, trong chia sẻ với báo chí, bà khẳng định mọi quyết định quan trọng đều do ông Leng Beng đưa ra, còn bản thân bà chỉ đóng vai trò tư vấn và đưa ra góc nhìn từ “người ngoài cuộc”.
Lợi nhuận của chuỗi khách sạn thuộc CDL hiện đã vượt mức trước đại dịch (Đvt: Triệu USD)
Nguồn: Báo cáo thường niên của Millennium & Copthorne Hotels.
Giữa năm 2022, bà Catherine Wu được bổ nhiệm làm thành viên không điều hành trong HĐQT M&C. Tuy nhiên đến tháng 1/2024, bà rời khỏi vị trí này sau khi có phản ánh từ nhân viên về việc bà can thiệp quá sâu vào công việc điều hành.
Dù đã rút lui khỏi vai trò chính thức, bà Wu vẫn duy trì mối liên hệ với công ty. Chuỗi khách sạn M&C là nhà tài trợ cho GeekCon International – một hội nghị về an ninh mạng do bà chủ trì vào tháng 5 năm ngoái, và một số nhân viên của công ty cũng tham gia hỗ trợ sự kiện này. Ông Leng Beng giữ vai trò “cố vấn danh dự” cho hội nghị, Sherman cũng có mặt tại sự kiện.
Đến tháng 8/2024, bà Wu chính thức quay lại M&C trong vai trò cố vấn không lương. Trong một bản ghi nhớ nội bộ, ông Leng Beng thông báo rằng bà sẽ hỗ trợ định hướng lại chiến lược phát triển cho chuỗi khách sạn.
Tuy nhiên, theo những người am hiểu vấn đề, Sherman và một số thành viên trong HĐQT CDL không hài lòng với sự trở lại của bà Wu. Họ cho rằng cần phải hạn chế ảnh hưởng của bà đối với hoạt động kinh doanh khách sạn, và cách tốt nhất là tái cấu trúc HĐQT của cả CDL lẫn M&C.
City Developments và bước lùi lợi nhuận
Cuối năm 2024, một thành viên HĐQT độc lập CDL bất ngờ từ chức, mở màn chuỗi sự kiện căng thẳng khiến những mâu thuẫn âm ỉ trong gia tộc Kwek dần lộ diện ra công chúng.
HĐQT gồm 9 thành viên rơi vào tình trạng chia rẽ khi thảo luận về người thay thế. Thời điểm đó, theo nguồn tin thân cận, ông Leng Beng và con trai Sherman đã đạt được thỏa thuận giữ nguyên thành phần hội đồng, không bổ sung thêm thành viên mới.
Tuy nhiên, ngay đêm giao thừa Tết Nguyên đán, một email được gửi đến hội đồng đã phá vỡ thỏa thuận này. Hai thành viên HĐQT độc lập bất ngờ đề xuất hai ứng viên mới vào tối 28/01/2025, ngay ngày đầu năm âm lịch. Ông Leng Beng đã phản đối quyết liệt và đặt câu hỏi về việc bổ nhiệm vội vàng này.
Một nguồn tin cho biết Sherman tin rằng thỏa thuận giữa ông và cha chỉ mang tính cá nhân, không có giá trị ràng buộc đối với toàn bộ hội đồng, và cũng không áp dụng cho các ứng viên được đề xuất sau đó.
Trong cuộc họp ngày 07/02, ông Leng Beng cùng ba thành viên HĐQT khác đã phản đối việc mở rộng HĐQT, đồng thời tuyên bố không còn xem xét ứng viên thứ ba từng được chủ tịch đề cử trước đó. Tuy nhiên, họ đã bị đa số trong hội đồng bác bỏ, với kết quả bỏ phiếu thông qua việc bổ nhiệm hai thành viên mới vào HĐQT.
Những diễn biến này đã đẩy mâu thuẫn nội bộ gia tộc Kwek lên cao trào, dẫn đến các cáo buộc “đảo chính” trong HĐQT và kiện tụng giữa hai cha con, làm dấy lên lo ngại về tương lai và sự ổn định của tập đoàn bất động sản hàng đầu Singapore này.
Các khoản đầu tư thất bại tại Trung Quốc, cùng với gánh nặng nợ gia tăng do nhiều thương vụ mua lại, đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận của CDL.
Kết quả kinh doanh của CDL (Đvt: tỷ USD)
Lưu ý: Lợi nhuận ròng không bao gồm phần lợi ích của cổ đông thiểu số. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính được tính bằng tổng nợ vay trừ đi tiền mặt, chia cho tổng vốn chủ sở hữu – bao gồm cả giá trị hợp lý của các bất động sản đầu tư.
Ông Leng Beng đã vô cùng tức giận. Ngay ngày hôm sau, ông gửi email đề nghị sa thải Sherman khỏi vị trí CEO. Tuy nhiên, HĐQT sau khi được tái cơ cấu đã bác đề xuất này.
Không dừng lại ở đó, HĐQT cũng có các nghị quyết thông qua việc nhằm hạn chế vai trò của bà Catherine Wu, cấm bà tham gia cố vấn hay tác động đến nhân sự tại cả công ty phát triển bất động sản và bộ phận khách sạn. Đồng thời, ảnh hưởng của ông Leng Beng tại HĐQT M&C cũng bị thu hẹp đáng kể sau khi số lượng thành viên được bổ sung 6 gương mặt mới, mở rộng từ 5 lên 11 người.
Thời điểm đó, Sherman dường như đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2, ông Leng Beng bất ngờ quyết định công khai mâu thuẫn gia đình, đẩy cuộc xung đột lên một cấp độ hoàn toàn mới.
Lời qua tiếng lại công khai
Ông Kwek Leng Beng đã phát đi một tuyên bố mạnh mẽ, cáo buộc rằng tại CDL đang tồn tại “những sai phạm nghiêm trọng trong quản trị doanh nghiệp”. Ông cho rằng một nhóm thành viên HĐQT đã liên kết với con trai ông – Sherman – nhằm củng cố quyền lực, đồng thời vi phạm các quy định niêm yết cũng như những thông lệ quản trị tốt nhất.
Vị Chủ tịch nhấn mạnh rằng đây là “sai lầm mới nhất” trong chuỗi các quyết định thiếu hiệu quả của Sherman, bao gồm cả các thương vụ đầu tư bất thành tại thị trường bất động sản Anh. Ông cũng quy trách nhiệm cho con trai về khoản lỗ khổng lồ mà CDL phải gánh chịu tại Trung Quốc. Cùng với một số thành viên khác trong HĐQT, ông Leng Beng đã nộp đơn kiện nhằm vô hiệu hóa các thay đổi mới trong hội đồng.
Phản hồi những cáo buộc, Sherman khẳng định không hề có ý định phế truất cha mình khỏi vị trí lãnh đạo. Thay vào đó, ông cho rằng nguyên nhân thực sự nằm ở bà Catherine Wu. “Bà ấy đã vượt quá giới hạn vai trò và can thiệp quá sâu vào công việc điều hành. Ảnh hưởng của bà là rất lớn”, Sherman phát biểu thay mặt cho đa số thành viên trong HĐQT CDL. “Vì mối quan hệ lâu năm giữa bà ấy và Chủ tịch, chúng tôi đã cố gắng xử lý tình hình một cách tế nhị, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được kết quả”.
Ngay sau khi tranh chấp nổ ra, cổ phiếu của CDL bị tạm ngừng giao dịch trong 3 ngày. Khi giao dịch được khôi phục, giá cổ phiếu đã lao dốc mạnh.
Cổ phiếu CDL sa sút dưới tay thế hệ kế nhiệm
Trong những năm gần đây, CDL rơi vào nhóm các nhà phát triển bất động sản có hiệu suất yếu nhất tại Singapore. Lưu ý: Dữ liệu được chuẩn hóa với tỷ lệ phần trăm tăng trưởng tính từ ngày 29/12/2017 đến ngày 14/04/2025. Nguồn: Bloomberg.
Khi tranh chấp nội bộ leo thang, bà Catherine Wu vẫn giữ im lặng. Trong khi đó, ông Philip Yeo – Thành viên HĐQT CDL từ năm 2009 cho rằng việc loại bỏ bà Wu phần lớn bắt nguồn từ “bức xúc cá nhân” của Sherman. Ông Yeo cũng lưu ý rằng mảng kinh doanh khách sạn đã bắt đầu có tín hiệu tích cực về lợi nhuận. Theo ông, các thay đổi gần đây trong HĐQT thực chất làm giảm đáng kể quyền lực của Chủ tịch, và Sherman nên tập trung vào việc tạo giá trị cho toàn bộ cổ đông thay vì sa vào tranh chấp.
Ông Robson Lee, đối tác tại hãng luật quốc tế Kennedys, khi nhận xét về vụ việc đã thẳng thắn nói: “Tình hình đang trở nên rối ren đến mức khó hiểu”. Ông cho rằng không rõ vì lý do gì HĐQT lại phải thay đổi chỉ để loại bỏ một cố vấn khỏi công ty con.
Cuộc tranh cãi công khai giữa hai thế hệ lãnh đạo đã khiến nhiều thành viên trong gia tộc Kwek và các đối tác kinh doanh lo lắng. Một số người đã cố gắng can thiệp để giảm nhiệt căng thẳng.
Đầu tháng 3, chỉ khoảng một tuần sau khi mâu thuẫn bùng phát, ông Leng Beng thông báo rằng bà Wu đã gửi “đơn từ chức không thể hủy ngang” với vai trò cố vấn không lương tại M&C. Ông cho rằng Sherman đã đưa ra những ám chỉ chưa được kiểm chứng về bà Wu, đồng thời nhấn mạnh rằng bà đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của M&C. Vụ kiện cũng được rút lại vào giữa tháng 3, đánh dấu sự lắng dịu tạm thời của cuộc khủng hoảng gia tộc.
Trở lại kinh doanh nhưng tương lai vẫn nhiều ẩn số
Dù bên ngoài cho thấy đã hòa giải, mối quan hệ giữa ông Leng Beng và con trai Sherman vẫn để lại những dấu hỏi lớn về tương lai của CDL cũng như toàn bộ Tập đoàn Hong Leong, nhất là khi thời điểm chuyển giao quyền lực ngày càng đến gần. Trong cuốn tiểu sử của mình, ông Leng Beng từng nhắc đến Sherman như một ứng viên kế nhiệm, nhưng cũng khẳng định rằng quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào năng lực thực tế và sự đồng thuận của đại gia tộc Kwek.
Vào ngày 23/04, gần một nửa thành viên HĐQT CDL, bao gồm cả hai thành viên HĐQT mới, sẽ phải tái tranh cử tại ĐHĐCĐ thường niên. Đây sẽ là dịp đầu tiên mà các cổ đông còn lại của công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore có cơ hội lên tiếng về vấn đề nhân sự cấp cao. Hiện tại, gia tộc Kwek đang nắm giữ gần 50% cổ phần CDL thông qua một công ty đầu tư riêng, mà công ty này lại được sở hữu bởi nhiều pháp nhân và thành viên gia đình.
Ai đứng sau Kwek Holdings?
Kwek Holdings là một công ty tư nhân, hiện nắm giữ 29% cổ phần của Hong Leong Investment Holdings (HLIH) * – công ty mẹ đang kiểm soát khoảng 49% cổ phần CDL, một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu Singapore. Lưu ý: * Các cổ đông khác của HLIH còn có 19 thành viên trong gia đình Kwek, gồm ông Kwek Leng Beng và con trai Sherman Kwek, cùng Davos Investment Holdings – một công ty gia đình khác, nơi ông Kwek Leng Kee là cổ đông lớn nhất. Nguồn: Báo cáo của Bloomberg
Theo những người thân cận, mục tiêu của Sherman không phải là giữ ghế CEO bằng mọi giá, mà là cải thiện hiệu quả kinh doanh và bảo vệ di sản của gia đình.
Tuy nhiên, dưới thời ông lãnh đạo, vốn hóa thị trường của CDL đã giảm hơn 70% so với mức đỉnh cách đây gần 18 năm – tương đương mức mất giá hơn 11 tỷ đô la Singapore. Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản đầu tư thất bại tại Trung Quốc, chi phí lãi vay tăng cao và tác động kéo dài từ đại dịch COVID-19.
Một số khoản đầu tư khác của CDL, bao gồm cả ở Anh, cũng bị giảm giá trị. Trong khi đó, lợi nhuận của công ty tiếp tục chịu áp lực bởi chi phí lãi vay ngày càng cao – một phần xuất phát từ các thương vụ mua lại sử dụng đòn bẩy. Năm ngoái, Sherman đặt mục tiêu thoái vốn 1 tỷ đô la Singapore tài sản, nhưng kết quả không đạt kỳ vọng.
“Sherman cần xây dựng lại niềm tin từ thị trường, truyền tải một chiến lược rõ ràng và kiên định thực hiện nó”, ông Vijay Natarajan – chuyên gia phân tích tại RHB Banking Group, người đã theo dõi CDL suốt hơn 8 năm – nhận định. “Anh ấy cần giành lại sự tin tưởng của các nhà đầu tư”.
Trong trường hợp Sherman rút khỏi vị trí CEO, ông Leng Beng từng bày tỏ rằng sẽ ưu tiên cháu trai mình là Kwek Eik Sheng - Giám đốc vận hành của CDL tạm đảm nhiệm vai trò quyền CEO, cho đến khi tìm được ứng viên phù hợp từ bên ngoài. Em trai của Sherman, Kingston, hiện không tham gia sâu vào công việc kinh doanh của gia đình.
Cuộc xung đột giữa hai thế hệ lãnh đạo cũng đã phơi bày một vấn đề lớn hơn – đó là sự thiếu hụt lòng tin trong nội bộ gia đình. “Đây là biểu hiện rõ ràng của một cuộc khủng hoảng niềm tin”, bà Marleen Dieleman – giáo sư chuyên ngành doanh nghiệp gia đình tại Trường Kinh doanh IMD ở Singapore nhận định. “Để hàn gắn những rạn nứt này sẽ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực”.
Quốc An (Theo Bloomberg)