Chiến lược đầu tư giá trị đang “hồi sinh”

date
18/05/2025 15:13

Chiến lược đầu tư giá trị đang “hồi sinh”

Warren Buffett, nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại, vừa tuyên bố nghỉ hưu. Điều này đã gây sốc cho các nhà đầu tư giá trị khác. Thật không may, họ phải cân nhắc những vấn đề nghiêm trọng hơn. Trong nhiều năm, phong cách đầu tư ưa thích của họ đã lỗi thời. Khách hàng của họ mất dần kiên nhẫn. Trong một thế giới mà chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ liên tục mang lại lợi nhuận vượt trội, các quỹ thụ động có chi phí thấp dường như là kênh đầu tư hợp lý.

Tuy nhiên, triển vọng cho các nhà đầu tư giá trị lại luôn tươi sáng nhất khi phần còn lại của thế giới mất niềm tin. Về lâu dài, việc mua cổ phiếu ở định giá rẻ vẫn mang lại hiệu quả tốt.

Các nhà kinh tế học, gồm Eugene Fama và Ken French, định nghĩa một cổ phiếu giá trị là tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách thấp. Nếu sử dụng biện pháp này, cổ phiếu giá trị của Mỹ đã đánh bại cổ phiếu tăng trưởng, với tỷ lệ giá trên sổ sách cao, tức 2.5% mỗi năm kể từ năm 1926. Cổ phiếu giá trị cũng hoạt động vượt trội hơn ở hầu hết thị trường nước ngoài khác, theo cuốn Niên giám lợi nhuận đầu tư toàn cầu của UBS.

Tuy nhiên, “cuộc vui” ấy đã kết thúc vào đêm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2020, cổ phiếu tăng trưởng hoạt động tốt hơn cổ phiếu giá trị. Cổ phiếu giá trị đã phục hồi một phần vào năm 2020, nhưng giảm trở lại khi cổ phiếu công nghệ “cất cánh” vào cuối năm 2022.

Điều quan trọng cần lưu ý là giá trị sổ sách lại không phải là thước đo mà các nhà đầu tư giá trị đương đại dựa vào.

“Chiến hữu” của tỷ phú Warren Buffett, ông Charlie Munger, đã dạy ông cách xem xét vị thế cạnh tranh của một công ty. Nếu một doanh nghiệp liên tục đạt được tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cao hơn mức trung bình, các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu của công ty đó một cách an toàn, kể cả là với mức giá cao hơn nhiều lần so với phần còn lại của thị trường. Hơn nữa, giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán của một công ty không phải là thước đo giá trị đáng tin cậy, vì nó loại trừ nhiều tài sản vô hình như nghiên cứu và phát triển. Việc mua lại cổ phiếu và sáp nhập càng làm sai lệch giá trị sổ sách kế toán.

Tuy nhiên, vẫn còn những điều khác cần xem xét. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, vốn đã đánh bại các đối thủ lớn hơn trong lịch sử và là tài sản săn lùng ưa thích của các nhà đầu tư giá trị, cũng từng có một chuỗi ngày ảm đạm.

Thị trường chứng khoán toàn cầu, cả phát triển và mới nổi, đều bị đánh bại bởi hiệu suất phi thường của cổ phiếu Mỹ. Theo UBS, từ 2010 đến đầu năm nay, cổ phiếu Mỹ đã mang lại lợi nhuận hàng năm là 10% sau khi tính đến lạm phát. Trong cùng kỳ, các thị trường chứng khoán khác mang lại mức lợi nhuận tổng cộng 2.6% một năm sau khi tính đến lạm phát. Các thị trường mới nổi thậm chí có mức lợi nhuận chỉ bằng một nửa con số đó.

Howard Marks, nhà đầu tư giá trị kỳ cựu và đồng chủ tịch của Oaktree Capital Management, than thở rằng: “Mọi chuẩn mực đã bị đảo lộn”.

Thời kỳ khó khăn đối với chiến lược đầu tư giá trị có thể được giải thích bằng nhiều yếu tố khác nhau.

Đầu tiên, lãi suất cực thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm tăng sức hấp dẫn của các cổ phiếu tăng trưởng. Các cổ phiếu giá trị lúc này tương đối bất lợi.

Thứ hai, các nhà đầu tư giá trị bị ảnh hưởng trước sự mở rộng nhanh chóng của các quỹ đầu tư chỉ số. Gần 60% thị trường chứng khoán Mỹ đang được nắm giữ bởi các quỹ theo dõi thụ động. Goldman Sachs dự báo rằng từ năm 2014 đến 2026, tổng dòng tiền rút khỏi các quỹ chủ động ở Mỹ và chảy vào các quỹ thụ động sẽ đạt khoảng 3 ngàn tỷ USD. Khi các quỹ thụ động phát triển, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu giá trị và vốn hóa nhỏ để chuyển sang quỹ theo dõi S&P 500.

Warren Buffett, người không tham gia vào cơn sốt thị trường đó, được cho là cũng không thể hiểu nổi chuyện gì xảy ra. Nhưng khi “bong bóng” đó vỡ và mức độ tập trung trên thị trường giảm, giống như đã xảy ra vào năm 1975 và 2000, cổ phiếu giá trị lại hoạt động vượt trội trong nhiều năm sau đó.

Vậy, liệu các nhà đầu tư giá trị có thể sắp bước vào một chuỗi chiến thắng nữa không?

Sự hỗn loạn trong những tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump có thể là “điềm báo” cho sự thay đổi như vậy.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư giá trị London ngày 14/05, ông Richard Oldfield của Oldfield Partners cho biết chính quyền ông Trump, với lời đe dọa về thuế quan, đang gây ra rủi ro cho Mỹ. Nếu dòng vốn chảy vào Mỹ bắt đầu đảo ngược, các thị trường chứng khoán phát triển và mới nổi khác sẽ hưởng lợi. Các đợt tăng của cổ phiếu giá trị liên tục giảm trong những năm gần đây nhưng, ông Oldfield cho rằng lần này sẽ khác.

Những trở ngại từng cản trở các nhà đầu tư giá trị trong thập kỷ qua có thể sắp tan biến.

Ba năm qua, lãi suất đã trở lại mức bình thường hơn. 7 công ty công nghệ lớn nhất thị trường Mỹ đang chạy đua đầu tư vào trí tuệ nhân tạo. Thời gian sẽ trả lời liệu khoản chi tiêu vốn khổng lồ của họ có mang lại lợi nhuận thỏa đáng hay không. Những cổ phiếu tăng trưởng với vốn hóa lớn này thực ra đang hoạt động kém hiệu quả trong năm nay. Ngược lại, các cổ phiếu giá trị và vốn hóa nhỏ ở Mỹ và những nơi khác đang mang lại những cơ hội đầu tư tiềm năng.

Kim Dung (Theo Reuters)

FILI