Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu đến gần bờ vực sụp đổ

date
14/05/2025 12:30

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu đến gần bờ vực sụp đổ

Cuộc chiến thuế quan giữa hai siêu cường kinh tế đã gây ra những tác động nghiêm trọng chưa từng có đối với ngành sản xuất toàn cầu.

Số liệu mới nhất cho thấy thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đưa ra vào đúng thời điểm then chốt - khi mức thuế quan của Tổng thống Donald Trump bắt đầu gây tổn hại nặng nề cho các nhà sản xuất ở cả hai bờ Thái Bình Dương.

Theo chỉ số biến động chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCV) của GEP, hoạt động mua sắm trong tháng 4 đã giảm mạnh đột ngột. Điều này xảy ra ngay sau giai đoạn các doanh nghiệp tăng tốc độ tích trữ nguồn cung với quy mô chưa từng thấy.

"Việc tạm dừng áp thuế mang lại sự nhẹ nhõm cho các nhà sản xuất ở cả Mỹ và Trung Quốc", John Piatek, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận tư vấn của GEP, chia sẻ. Ông tiết lộ rằng chỉ số GSCV đang vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại: Nhu cầu sản xuất tại Trung Quốc sụt giảm mạnh, trong khi các nhà sản xuất Mỹ đang điên cuồng tích trữ nguyên liệu đầu vào để tạo "vùng đệm" chống lại những cơn sóng thuế quan.

Chưa dừng lại ở đó, ông Piatek cảnh báo rằng thỏa thuận thương mại chỉ là giải pháp tạm thời. Nỗi lo âu của giới sản xuất Mỹ về rủi ro dài hạn từ Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn. "Khi các doanh nghiệp cố gắng điều chỉnh chiến lược để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, bối cảnh thay đổi chóng mặt và sự bất định đang khiến họ do dự trong các quyết định đầu tư quan trọng", ông phân tích.

Chỉ số GSCV theo dõi mọi khía cạnh từ điều kiện nhu cầu, tình trạng thiếu hụt, chi phí vận chuyển đến hàng tồn kho và đơn hàng tồn đọng dựa trên cuộc khảo sát hàng tháng với 27,000 doanh nghiệp.

"Những đòn đầu tiên của cuộc chiến thuế quan đã nện vào các nhà sản xuất toàn cầu", ông Piatek cho biết. Vị này nhấn mạnh rằng dữ liệu hiện tại nên được xem như hồi chuông cảnh báo cho những gì sẽ đến nếu thỏa thuận tạm thời 90 ngày không được chuyển thành giải pháp lâu dài.

Hình ảnh "đường cong gậy khúc côn cầu" - cách Piatek mô tả xu hướng tăng trưởng trong tháng 4 - cho thấy các công ty Bắc Mỹ đang tích lũy hàng tồn kho với tốc độ "đáng lo ngại". Đồng thời, thị trường bắt đầu xuất hiện những tín hiệu đầu tiên về việc các nhà sản xuất dự báo nhu cầu sẽ giảm và nguồn cung sẽ khan hiếm.

Châu Á, trung tâm sản xuất của thế giới, cũng không thoát khỏi cơn bão này. Hoạt động mua sắm của các nhà sản xuất trong khu vực đã chạm đáy kể từ tháng 12/2023.

Giữa bức tranh u ám, châu Âu nổi lên như tia sáng le lói. Lục địa già đang bước ra khỏi tình trạng suy thoái công nghiệp, với Đức và Pháp dẫn đầu đà phục hồi. Tuy nhiên, Vương quốc Anh - quốc gia tiên phong ký thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ - lại ghi nhận hoạt động sản xuất yếu đi, với hoạt động nhà cung cấp gần chạm mức thấp kỷ lục trong hai thập kỷ.

Dữ liệu GEP cũng tiết lộ một xu hướng đáng chú ý: Công suất dự phòng đang tăng lên khắp châu Á trong tháng 4, với Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc dẫn đầu.

Trong cuộc trò chuyện với CNBC, Stephen Edwards, CEO Cảng Virginia, cho biết nếu tương lai ít phụ thuộc Trung Quốc và hướng nhiều hơn đến Đông Nam Á, Nam Á và châu Âu, cảng Virginia đã chuẩn bị cho điều đó.

Trong 4 năm qua, tăng trưởng nhanh nhất của cảng này đến từ Ấn Độ, theo sau là Việt Nam và châu Âu. Trong khi đó, hoạt động thương mại từ Trung Quốc - vẫn là khối thương mại lớn thứ hai sau EU - vẫn đi ngang.

"Đây vẫn là một quốc gia lớn", ông Edwards cho biết. “Nhưng nếu xu hướng dịch chuyển đang diễn ra, chúng tôi tin rằng tương lai sẽ ít hàng hóa từ Trung Quốc hơn và nhiều hơn từ Đông Nam Á và châu Âu. Chúng tôi đang ở vị trí khá thuận lợi”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI - 11:28:30 14/05/2025