Chủ tịch DDG: Điện sinh khối giàu tiềm năng, nhưng cần làm đúng cách mới hiệu quả
Với những thuận lợi về chính sách, không quá lời khi nói điện sinh khối đang đứng trước cơ hội phát triển lớn nhất từ trước tới nay. Dù vậy, để điện sinh khối có hiệu quả thì cần làm đúng cách, theo như chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (HNX: DDG).
Khởi đầu bằng Nghị định 57/2025/NĐ-CP ngày 03/03/2025 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) dành cho điện tái tạo (gồm cả điện sinh khối), đến việc Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện cho các nhà máy điện sinh khối năm 2025 vào ngày 14/04. Đến ngày 15/04, Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) điều chỉnh được thông qua, trong đó nêu rõ sự ưu tiên phát triển điện sinh khối cùng các loại hình điện tái tạo khác.
* Ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện sinh khối năm 2025
* Đề xuất điện sinh khối được bán trực tiếp tới người dùng
Với những thuận lợi về chính sách, có lẽ không sai khi nói điện sinh khối năm 2025 đang đứng trước cơ hội phát triển lớn nhất từ trước tới nay.
Là doanh nghiệp đứng ra nghiên cứu, vận hành và thực hiện các dự án liên quan đến điện sinh khối, CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine, HNX: DDG) nằm trong số những đơn vị hiểu rõ ưu, nhược điểm của loại hình phát điện này.
Người viết gần đây đã có cơ hội trò chuyện cùng ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT DDG, để rồi nhận ra câu chuyện về điện sinh khối dù đang rất tiềm năng nhưng còn tồn tại nhiều hạn chế và cần phải làm đúng cách để các dự án đạt hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch DDG xuất thân là dân kỹ thuật, là tiến sĩ kỹ thuật nhiệt điện, từng là nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Dresen, Đức và hiện đang là giảng viên Trường đại học Bách Khoa TPHCM. Vậy nên, ông cũng là người hiểu rất rõ về câu chuyện của điện sinh khối hiện tại.
Sinh khối là những chất có nguồn gốc từ cellulose và có tính tái sinh, tức là gốc từ gỗ. Hiện tại, ở Việt Nam có khá nhiều nguồn như gỗ băm từ các nhà máy chế biến gỗ, trấu từ sản xuất lúa gạo hoặc phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp như mùn cưa, vỏ hạt điều, vỏ cà phê… Ngoài ra, rác sinh hoạt cũng được liệt kê vào sinh khối.
Đánh giá chung về chính sách, Chủ tịch DDG cho rằng: Chính phủ đã làm việc rất kịp thời để nhóm sản xuất điện sinh khối có cơ hội được DPPA cho hộ tiêu thụ. Chính sách sẽ khuyến khích những nhà phát triển sinh khối lớn, tạo ra cơ hội để các nhà phát triển điện sinh khối tận dụng. Tuy nhiên, còn tồn tại những hạn chế nhất định, như việc phải đi qua đường dây của EVN thay vì làm được đường dây riêng. Ngoài ra, sinh khối tại Việt Nam thực tế đã được dùng hết.
“Hiện tại, sinh khối đã được sử dụng hết để sản xuất năng lượng, chủ yếu là nhiệt trong lò hơi công nghiệp, một phần xuất khẩu (viên nén gỗ, viên nén trấu…). Các nhà máy đường cũng đã sử dụng để phát điện và được phép bán lên lưới phần điện dư”, trích lời ông Quang.
Việc đã sử dụng hết sinh khối cũng là nguyên nhân hạn chế sự phát triển của điện sinh khối trước kia.
“Nếu tách hẳn điện rác ra riêng, điện sinh khối từ các loại còn lại tương đối khó phát triển. Trước đây, giai đoạn các chất sinh khối có giá thấp, các nhà máy điện sinh khối vẫn hiệu quả vì chi phí sản xuất điện chấp nhận được. Thứ hai, dù nói sinh khối ở Việt Nam dồi dào, nhưng hiện tại cũng đang sử dụng hết rồi, cho các nhà máy công nghiệp đốt trong lò hơi”, ông nói thêm.
Ông Quang nhận định, để làm được nhà máy điện sinh khối thì phải đáp ứng một số yêu cầu, quan trọng nhất là lượng sinh khối phải đủ lớn, trong khi sinh khối thực tế lại tương đối tản mạn và chi phí cao hơn, dẫn đến việc đầu tư dự án trở nên kém hấp dẫn về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, các nhà máy sinh khối lớn (từ 30MW) phải tính chuyện trồng rừng để làm nguyên liệu đầu vào và điều này tạo ra bài toán khó về chi phí.
Một vấn đề khác là kỹ thuật. Trước kia, có ý kiến cho rằng, phân loại rác chưa triệt để là một trong những nguyên nhân khiến điện rác tại Việt Nam khó thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Quang, thực tế đã có một số dự án đốt rác trực tiếp để phát điện (tại Cần Thơ và Hà Nội) dù hiệu suất chưa thể bằng việc có phân loại. “Vấn đề quan trọng nhất là các nguồn phát sinh ra rác tương đối thấp như huyện, tỉnh nhỏ. Yêu cầu là phải có công nghệ như thế nào để xây dựng nhà máy vận hành có hiệu quả. Kỹ thuật trước kia tôi cho là chưa đầy đủ”, ông nêu vấn đề.
So với các loại hình năng lượng tái tạo khác, điện sinh khối có ưu điểm lớn về mục đích sử dụng. Việc xử lý được phụ phẩm sản xuất cho phép các doanh nghiệp giải quyết được bài toán phát triển bền vững hiện nay.
“Điện sinh khối ngoài sản xuất điện còn kết hợp để xử lý vấn đề về môi trường, ví dụ như sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, rác để phát điện. Nói cách khác, loại hình này mang tác dụng kép”, ông Quang cho biết.
Chiều ngược lại, các nhược điểm khi vận hành cũng lộ rất rõ. Theo ông Quang, suất đầu tư của điện sinh khối có thể tương đương với các loại hình khác, nhưng chi phí vận hành, sửa chữa lớn hơn, yêu cầu kỹ thuật cũng cao hơn.
“Như với điện mặt trời, người ‘không biết gì’ vẫn có thể làm năng lượng mặt trời được, chỉ cần mua và lắp đặt. Điện sinh khối lại yêu cầu phải hiểu kỹ thuật của nhà máy để vận hành, rồi bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa... Xét về tổng thể, điện sinh khối tốn chi phí nhiều hơn mà hiệu quả thấp hơn so với các loại điện tái tạo khác”, Chủ tịch DDG so sánh.
Thêm nữa, vì các hạn chế của sinh khối (tản mạn, đã dùng hết), sản lượng sinh khối thực tế cũng khó đủ lớn để tạo ra các nhà máy quy mô. “Khoảng 30MW điện sinh khối đã là rất lớn, nhưng với điện mặt trời hay điện gió có thể lên đến vài trăm MW”.
Bên cạnh đó, ông Quang cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách làm rõ hơn. “Về nguyên tắc, các doanh nghiệp phát lên lưới rồi EVN mới cung cấp điện cho khách hàng, sau đó sẽ bù trừ chứ chưa thể lấy một đường dây dẫn riêng để bán cho khách hàng. Điều này có nghĩa là phải có chính sách làm rõ về chi phí tải điện để xác định những con số phù hợp”.
“Nếu làm nhà máy sinh khối để phát điện độc lập thì không hiệu quả. Trồng rừng để tạo sinh khối phục vụ phát điện thì lại thêm chi phí trồng rừng. Như vậy, sau này chắc chắn phải thêm một số chính sách để phục vụ mục tiêu tiến tới Net Zero. Ngoài giá điện đối với khách hàng, theo tôi, cần thêm một số chính sách như tiền dành cho chứng chỉ giảm phát thải để bù đắp cho các nhà máy.
Có nghĩa, phải có sự kết hợp của các tổ chức cấp chứng nhận giảm khí nhà kính khi làm điện sinh khối để bù đắp thêm cho giá điện. Thực tế, thị trường carbon tại Việt Nam mới đang thử nghiệm. Nếu kết hợp với nhau, các nhà phát triển điện sinh khối có thể lấy được từ 2 nguồn thu thì sẽ tăng hiệu quả với các dự án”.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Quang tiết lộ: DDG đang tham gia 2 dự án về điện sinh khối. 1 dự án đốt rác phát điện, công suất khoảng 4.5MW, gần như đã hoàn thành, đang ở giai đoạn cuối, chuẩn bị đưa vào vận hành. Dự án thứ 2 đã được đưa vào QHĐ8 là Đồng phát nhiệt điện từ sinh khối công suất 12.5MW.
“DDG đã theo đuổi dự án từ cách đây gần 5 năm, nhưng chính sách từ QHĐ7 sang QHĐ8, rồi thị trường nhiên liệu sinh khối bắt đầu biến động đã khiến chúng tôi phải suy xét lại, có thể cân nhắc giảm công suất để hiệu quả hơn”, theo vị chuyên gia
Với vai trò là nhà nghiên cứu, phát triển điện sinh khối, DDG cũng đã làm việc cùng một số đối tác để thực hiện các dự án điện rác công suất nhỏ. “Các dự án có thể giải quyết từ 300-600 tấn rác/ngày đêm. Thiết kế cơ sở, kỹ thuật, DDG đều có và cũng đã đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ về công nghệ phát điện, trong đó đưa ra giải pháp khác biệt so với các nhà phát triển khác, thậm chí với thế giới, để dù chưa phân loại rác nhưng vẫn có thể phát điện một cách hiệu quả”.
Bên cạnh đó, ông Quang cho biết, Doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác để thực hiện các nhà máy điện trấu. Dù trấu của Việt Nam tương đối nhiều, nhưng để điện trấu hiệu quả thì phải kết hợp với một số công nghệ khác liên quan để mang lại doanh thu nhiều hơn.
“Các công nghệ này, DDG đã nghiên cứu thực nghiệm và đã có những kết quả nhất định. Các dự án sắp phát triển chủ yếu đang đợi tìm đối tác, đồng thời chờ chính sách của Nhà nước thuận lợi hơn để phát triển”.
Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, đã có những ý kiến lo ngại về chính quyền Trump 2.0 sẽ gây cản trở các chính sách liên quan đến khí hậu và phát triển xanh. Trong nhiệm kỳ trước đó, ông Trump thúc đẩy khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống để làm giảm chi phí cho dầu mỏ, diesel, điện năng… và mang đến lợi ích rõ rệt cho người tiêu dùng nước này. Đánh đổi, các chính sách của ông Trump gây ra tác động tiêu cực đến môi trường.
Thực tế, sau khi tái cử, chính quyền ông Trump đã thể hiện thái độ khá “phản xanh” khi tập trung vào việc cắt giảm quy định và thúc đẩy ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Ông Trump đã ký sắc lệnh khuyến khích mua ống hút nhựa, ủng hộ phong trào “quay lại với nhựa”. Thậm chí, ở thời điểm trước khi nhậm chức, nhiều ông lớn tài chính Mỹ đã lập tức rút lui khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero (NZBA).
Dù vậy, vị tiến sĩ gốc Quảng Ngãi tin rằng các chính sách này không đại diện cho xu thế chung, trong bối cảnh các vấn đề về biến đổi khí hậu ngày càng cấp bách.
“Tôi thấy đó không phải xu thế. Trong khoảng một vài năm nữa thôi, thế giới sẽ quay lại xu thế không được sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ông Trump có thể muốn khai thác dầu, than nhiều hơn, nhưng cũng chỉ là hướng hiện tại của Tổng thống Mỹ chứ không phải là xu thế của thế giới”.
Theo Chủ tịch DDG, xu thế hạn chế các nhiên liệu hóa thạch để giảm khí nhà kính là không thể đảo ngược. “Nếu như nhiệt độ Trái đất tăng lên khoảng 0.5-1 độ C là đã gây ra bao nhiêu vấn đề rồi. Đến cuối thế kỷ này, phải giảm dưới 2 độ C, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Hiện tại, đã có rất nhiều quốc gia, nhà môi trường phản đối chính sách như thế rồi. Còn Việt Nam đã có lời hứa tại COP26 để tiến tới Net Zero - cũng đang là một thách thức rất lớn”.
Châu An
Thiết kế: Tuấn Trần