Chuỗi cung ứng thực phẩm zero carbon: Từ nông trại đến bàn ăn trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu

date
03/05/2025 11:02

Chuỗi cung ứng thực phẩm zero carbon: Từ nông trại đến bàn ăn trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu

Chuỗi cung ứng thực phẩm đang đứng trước yêu cầu giảm phát thải và minh bạch hóa lượng khí nhà kính ở các khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng. Khái niệm “zero carbon” đang được nhiều bên quan tâm như một cách tiếp cận mới trong sản xuất, phân phối và huy động nguồn lực, nhất là trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến ngành thực phẩm.

Tác động của chuỗi cung ứng thực phẩm đến khí hậu toàn cầu

Trong tổng thể phát thải khí nhà kính toàn cầu, chuỗi cung ứng thực phẩm được xem là một trong những lĩnh vực có mức phát thải đáng kể và cần được quan tâm trong các nỗ lực giảm phát thải hiện nay. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), hệ thống thực phẩm toàn cầu đã phát thải khoảng 16.2 tỷ tấn CO₂ tương đương (CO₂eq) vào năm 2022, tương ứng với 29.7% tổng lượng phát thải GHG toàn cầu[1].

Nguồn phát thải không chỉ đến từ sản xuất nông nghiệp mà còn trải dài trên toàn bộ chuỗi cung ứng: chế biến, vận chuyển, bảo quản lạnh, đóng gói và tiêu dùng. Cụ thể, nông nghiệp trong phạm vi trang trại chiếm 48% tổng phát thải (tương đương 7.8 Gt CO₂eq), trong khi các hoạt động trước và sau sản xuất như xử lý, chế biến và logistics chiếm 33%, tức khoảng 5.3 Gt CO₂eq[2]. Báo cáo AR6 của IPCC (2023) cho thấy nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU) đóng góp khoảng 13–21% phát thải GHG toàn cầu giai đoạn 2010–2019[3]. Dù là một nguồn phát thải lớn, AFOLU cũng đồng thời là bể hấp thụ carbon đáng kể, hấp thụ gần 1/3 lượng CO₂ phát sinh từ các hoạt động của con người[4].

Xét theo từng khâu cụ thể, tiêu dùng chiếm tỷ trọng phát thải lớn nhất (35%), kế đến là xử lý và bảo quản (17%), phân phối (15%), chế biến (14%). Riêng vận chuyển thực phẩm phát thải khoảng 0.5 Gt CO₂eq mỗi năm[5]. Những con số này cho thấy nếu không cải tổ triệt để, chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ trở thành rào cản lớn trong hành trình hướng tới Net Zero 2050 của thế giới.

Xu hướng “zero carbon” trong nông nghiệp và chuỗi cung ứng: Cơ hội hay thách thức?

Trước yêu cầu giảm phát thải hướng đến mục tiêu Net Zero 2050, một số tập đoàn thực phẩm toàn cầu đã bắt đầu triển khai các chiến lược liên quan đến chuỗi cung ứng carbon thấp. Các doanh nghiệp như Nestlé, Unilever hay Walmart đã đưa ra cam kết cắt giảm phát thải, đặc biệt tập trung vào Scope 3 – gồm các hoạt động gián tiếp như vận chuyển, sản xuất nguyên liệu và bao bì.

Unilever đặt mục tiêu giảm 30.3% phát thải khí nhà kính từ rừng, đất và nông nghiệp trong Scope 3 vào năm 2030 so với mức năm 2021, 42% từ năng lượng và công nghiệp[6]. Để hiện thực hóa, các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào ba nhóm công nghệ chính:

Nông nghiệp tái sinh (regenerative agriculture): cải thiện sức khỏe đất, giảm hóa chất, tăng đa dạng sinh học. Theo nghiên cứu gần đây, mô hình này giúp giảm chi phí đầu vào chỉ sau một năm nhờ tiết giảm phân bón, cải thiện đất[7].

Nông nghiệp thông minh (precision agriculture): ứng dụng cảm biến, drone, GIS để tối ưu tài nguyên. Các nghiên cứu cho thấy công nghệ này giúp giảm phát thải và đồng thời cải thiện năng suất, dù hiệu quả tài chính (ROI) vẫn phụ thuộc vào quy mô, điều kiện cụ thể.

Blockchain: giúp minh bạch chuỗi phát thải carbon. Thị trường blockchain nông nghiệp dự báo tăng trưởng CAGR 36% giai đoạn 2024-2032, nhờ nhu cầu truy xuất nguồn gốc[8].

Tuy nhiên, thách thức không nhỏ. Chi phí đầu tư cao, thiếu tiêu chuẩn đo carbon xuyên chuỗi cung ứng, hạn chế về dữ liệu và cơ sở hạ tầng - đặc biệt ở các nước đang phát triển – đang gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi. Các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong triển khai công nghệ do thiếu tài chính, kỹ năng, kỹ thuật. Một ví dụ điển hình là chương trình ABC+ tại Brazil, chính sách quốc gia về nông nghiệp phát thải thấp, đang hỗ trợ nông dân ứng dụng các mô hình tái sinh, công nghệ nông nghiệp thông minh. Nhưng để nhân rộng, cần thêm sự hỗ trợ tài chính, thể chế từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Ảnh minh hoạ

Từ “nông trại” đến “bàn ăn”: Cần một chuỗi cung ứng khép kín và minh bạch về carbon

Trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững, khái niệm “Farm-to-Fork Carbon Traceability” (truy xuất phát thải carbon từ nông trại đến bàn ăn) đang trở thành tiêu chuẩn mới của các quốc gia và doanh nghiệp tiên phong. Mục tiêu không dừng lại ở việc giảm phát thải, mà hướng tới xây dựng một hệ thống phân phối thực phẩm minh bạch, có thể xác thực mức độ tác động môi trường tại từng khâu: từ sản xuất, vận chuyển, chế biến đến tiêu dùng.

Công nghệ đóng vai trò then chốt, các giải pháp như IoT, Blockchain và hệ thống MRV - Measurement, Reporting, Verification đang được triển khai để đảm bảo tính chính xác và minh bạch. Ví dụ, IoT giúp theo dõi các thông số môi trường theo thời gian thực, trong khi Blockchain tạo ra chuỗi dữ liệu không thể thay đổi, tăng độ tin cậy trong báo cáo carbon[9] [10].

Tại Anh, Tesco đã triển khai dán nhãn Carbon Label (Nhãn phát thải carbon) cho các sản phẩm tươi sống nhằm cung cấp thông tin phát thải đến người tiêu dùng và thúc đẩy lựa chọn tiêu dùng bền vững[11]. Trong khi đó, Unilever hợp tác với Google Cloud để theo dõi phát thải theo thời gian thực từ khoảng 300 nhà cung cấp, giúp cải thiện khả năng kiểm soát Scope 3 emissions (phát thải Phạm vi 3 - tức phát thải gián tiếp trong chuỗi cung ứng)[12].

Hiện nay, các tiêu chuẩn phổ biến như GHG Protocol và ISO 14067 đang được áp dụng rộng rãi để hướng dẫn doanh nghiệp trong việc theo dõi và báo cáo phát thải. Tuy vậy, các quốc gia đang phát triển vẫn gặp nhiều rào cản như thiếu dữ liệu, hệ thống số hóa yếu,chi phí đo lường cao. Để khắc phục, cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức tài chính - kỹ thuật quốc tế.

Tại châu Âu, các chính sách như “Farm to Fork Strategy” và “Carbon Border Adjustment Mechanism” đang tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải minh bạch hóa dấu chân carbon. Đây là yêu cầu tuân thủ, lợi thế cạnh tranh trong tương lai chuỗi cung ứng toàn cầu[13].

Vai trò của người tiêu dùng và hành vi tiêu dùng “carbon thông minh”

Hành vi tiêu dùng “carbon thông minh” - ưu tiên sản phẩm bền vững và phát thải thấp - ngày càng phổ biến, đặc biệt ở các thế hệ trẻ như Gen Z, Millennials. Theo khảo sát của McKinsey (2023), 49% người tiêu dùng Gen Z và 48% Millennials tại châu Âu và Bắc Mỹ sẵn sàng chi trả cao hơn cho thực phẩm có dấu hiệu bền vững hoặc carbon thấp[14]. Tại Anh, 10% người tiêu dùng trẻ chấp nhận trả thêm tới 41-50%, và 6% sẵn sàng chi thêm 51-60% cho các sản phẩm bền vững[15]. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ sẵn sàng trả thêm tiền cho thực phẩm bền vững trong nhóm Gen Z lên tới 72%[16].

Bên cạnh đó, các xu hướng như plant-based diet (chế độ ăn thuần thực vật), sử dụng thực phẩm địa phương và giảm lãng phí thực phẩm đang lan rộng. Đây là các hành vi góp phần trực tiếp vào việc cắt giảm phát thải trong chuỗi cung ứng. Tại Mỹ và châu Âu, nhu cầu sản phẩm thay thế thịt đang tăng mạnh, trong khi tại Đông Nam Á, khuyến khích tiêu dùng nội địa được xem là giải pháp cắt giảm phát thải từ vận chuyển.

Khái niệm “Carbon food literacy” (Hiểu biết về dấu chân carbon trong thực phẩm) ngày càng được nhấn mạnh. Các hệ thống nhãn carbon như chương trình dán nhãn “Carbon Label” của Tesco (Anh) giúp người tiêu dùng nhận diện và lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường dễ dàng hơn.

Tác động từ người tiêu dùng buộc các doanh nghiệp phải thích ứng. Dù theo BCG, chỉ 10% người tiêu dùng xem tính bền vững là yếu tố số 1 khi mua hàng, nhưng có tới 55% ưu tiên các thuộc tính liên quan đến sức khỏe, chất lượng - những yếu tố gắn liền với sản phẩm carbon thấp[17]. Điều này cho thấy vai trò của người tiêu dùng ngày càng rõ nét hơn trong việc định hướng chuỗi cung ứng thực phẩm theo hướng giảm phát thải carbon.

Khuyến nghị chính sách và hệ sinh thái hỗ trợ chuỗi cung ứng thực phẩm zero carbon

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang chuỗi cung ứng thực phẩm zero carbon, cần có một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, trong đó các chính sách công, tài chính xanh, hợp tác đa bên. Đặc biệt, nông dân nhỏ lẻ - nhóm dễ bị bỏ lại phía sau - cần được tiếp cận vốn, đào tạo kỹ thuật và các chương trình trợ giá để áp dụng mô hình sản xuất carbon thấp.

Tại châu Âu, Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) 2023–2027 yêu cầu các quốc gia thành viên phân bổ ít nhất 25% hỗ trợ trực tiếp cho các chương trình sinh thái, tạo động lực tài chính cho nông dân chuyển đổi sang các thực hành thân thiện với khí hậu[18]. Ở Mỹ, Đạo luật Giải pháp Khí hậu đang Phát triển (GCSA) thông qua cuối năm 2022 đã mở rộng khả năng tham gia thị trường carbon cho nông dân, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho các hoạt động giảm phát thải[19].

Tài chính xanh trở thành đòn bẩy quan trọng cho quá trình chuyển đổi. Các tổ chức như World Bank, ADB hay IFC đã và đang rót hàng tỷ USD vào các dự án nông nghiệp bền vững. Tại châu Á, Quỹ Hỗ trợ Nông nghiệp Bền vững của ADB và chương trình LATM tại Brazil đang giúp nông dân nhỏ và vừa tiếp cận các khoản vay dài hạn để áp dụng mô hình sản xuất carbon thấp[20].

Song song đó, các mô hình hợp tác công - tư (PPP) cũng tạo hiệu ứng lan tỏa. Tại Đông Nam Á, ASEAN-CRN đã phối hợp với khu vực tư nhân để đưa nông dân nhỏ lẻ vào thị trường tín chỉ carbon[21]. Các công ty ở Mỹ như Agoro Carbon Alliance và Indigo đang làm việc trực tiếp với nông dân để tạo ra tín chỉ carbon từ các thực hành nông nghiệp thông minh.

Ở cấp chính sách toàn cầu, các sáng kiến như EU Green Deal, Farm to Fork Strategy hay Carbon Border Adjustment Mechanism (CBAM) đang đặt ra tiêu chuẩn mới cho chuỗi cung ứng thực phẩm. Đây vừa là công cụ điều tiết môi trường, vừa là cơ chế cạnh tranh thương mại mang tính chiến lược.


[1] https://openknowledge.fao.org/server/api/core/bitstreams/111b7ee8-282b-42ff-ad95-cccecd90f8ea/content

[2] https://openknowledge.fao.org/server/api/core/bitstreams/111b7ee8-282b-42ff-ad95-cccecd90f8ea/content

[3] https://www.ipcc.ch/report/ar6/wg3/downloads/report/IPCC_AR6_WGIII_Chapter07.pdf

[4] https://www.ipcc.ch/report/ar6/wg3/downloads/report/IPCC_AR6_WGIII_Chapter07.pdf

[5] https://foodforwardndcs.panda.org/food-supply-chains/reducing-emissions-from-energy-use-in-food-storage-cold-chains-transport-and-processing/

[6] https://www.unilever.com/files/8b5df5f6-cb90-40fd-9691-38d06905d81d/unilever-climate-transition-action-plan-updated-2024.pdf

[7] https://ieep.eu/wp-content/uploads/2024/07/The-costs-and-benefits-of-transitioning-to-sustainable-agriculture-IEEP-2024.pdf

[8] https://www.globalagtechinitiative.com/digital-farming/agricultures-new-era-blockchain-technology-as-a-game-changer/

[9] https://tracextech.com/supply-chain-emissions-mapping-measurement-strategies/

[10] https://www.frontiersin.org/journals/sustainable-food-systems/articles/10.3389/fsufs.2023.1294829/full

[11] https://www.strategic-risk-global.com/esg-risks/tesco-trials-carbon-label/1371477.article

[12] https://supplychaindigital.com/sustainability/unilever-driving-supply-chain-decarbonisation

[13] https://www.eurocommerce.eu/app/uploads/2024/06/eurocommerce-report-june-18-web.pdf

[14] https://www.mckinsey.com/featured-insights/sustainable-inclusive-growth/charts/buying-into-sustainability

[15] https://www.specialityfoodmagazine.com/news/gen-z-and-millennial-shopping-habits

[16] https://www.statista.com/statistics/1477446/apac-willingness-to-pay-more-for-sustainable-products-by-generation/

[17] https://www.bcg.com/publications/2023/whetting-consumers-appetite-for-sustainable-foods

[18] https://www.consilium.europa.eu/en/policies/cap-funding-rules-2023-2027/

[19] https://www.usda.gov/about-usda/news/press-releases/2023/10/23/usda-releases-assessment-agriculture-and-forestry-carbon-markets

[20] https://www.climatefinancelab.org/wp-content/uploads/2023/03/LATM_Instrument-Analysis.pdf

[21] https://asean-crn.org/wp-content/uploads/2023/08/2023_Carbon-Trading-and-Smallholder-Rice-Farmers-in-Southeast-Asia.pdf

Nguyễn Nhiều Lộc

FILI - 10:00:00 03/05/2025