Chuyển đổi 400,000 xe xăng sang xe điện: Cần giải pháp gốc lẫn ngọn!

date
21/05/2025 17:30

Chuyển đổi 400,000 xe xăng sang xe điện: Cần giải pháp gốc lẫn ngọn!

Tại cuộc họp ngày 17/05 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khẳng định chuyển đổi xanh là xu thế và nhu cầu bắt buộc, tạo ra giá trị lớn và động lực mới để thành phố phát triển bền vững.

Ông chỉ đạo các cơ quan tham mưu sẽ hoàn thiện kế hoạch tổng thể chuyển đổi toàn bộ xe máy của tài xế công nghệ sang phương tiện chạy điện trong tháng 6 để lấy ý kiến chuyên gia, lộ trình thực hiện cụ thể được công bố vào tháng 7.

Trước đó, một cuộc khảo sát đã được tiến hành, xác định nhu cầu triển khai, địa điểm nghỉ ngơi kết hợp với trạm sạc điện cho tài xế công nghệ. Dự kiến sẽ có khoảng 400,000 chiếc chuyển đổi sang xe điện.

Với chiến lược xanh hóa giao thông thì các chính sách ưu đãi và lộ trình chuyển đổi cho các loại phương tiện như taxi, xe công nghệ, ôtô khách và xe thuộc cơ quan công, doanh nghiệp là hướng đi tất yếu. TP.HCM hiện là thị trường hoạt động của nhiều nền tảng gọi xe, giao hàng, đồ ăn và chuyển phát bằng xe hai bánh. Nhưng chỉ mới tài xế Xanh SM dùng hoàn toàn xe điện, còn các nền tảng khác như Grab, be đều cho phép tài xế chủ động chọn loại phương tiện sử dụng xăng hoặc điện.

Hội thảo chính sách cho vay ưu đãi với tài xế công nghệ và nhân viên giao hàng trên địa bàn TP.HCM của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM mới đây đã đưa những thách thức cho sự chuyển đổi này. Đó là tâm lý ngại thay đổi từ chính tài xế, nguồn lực các đơn vị và cá nhân để triển khai, điểm tín dụng tài xế sau Covid-19 đi cùng rủi ro tín dụng và khả năng trả nợ, dung lượng pin và mạng lưới trạm sạc.

Tuy nhiên, các giải pháp đã được các đại biểu cũng là những “đối tác” đã và đang tiếp cận, hoặc đồng hành thí điểm chuyển đổi xanh giao thông (với vai trò chính của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC và Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc - UNDP).

Ông An Đình Nhã, Giám đốc điều hành Công ty GG Charging cho biết phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện hai bánh ở TP.HCM không chỉ là một nhiệm vụ kỹ thuật mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, cần quy hoạch trạm sạc đúng vị trí, gần các địa điểm công cộng; ứng dụng công nghệ sạc nhanh và đổi pin…

Hay một chính sách được đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển phối hợp với Motor Selex đồng thiết kế cho thấy tính khả thi cao khi thiết lập 3 trong 1 lợi ích bao gồm: lợi ích cho tài xế là tiết kiệm năng lượng, lợi ích cho cộng đồng là đảm bảo không khí sạch, lợi ích cho chính quyền là mục tiêu giảm phát thải. Từ đó, nhóm này đề nghị đồng trách nhiệm thực thi của HFIC (Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM) đại diện chính quyền sẽ tài trợ 1/2 tiền lãi vay, thu hồi một phần thông qua bán tín chỉ carbon trong 10 năm. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xe điện, trạm sạc thì tài trợ lãi vay tối thiểu 5% giá xe, các công ty nền tảng thì hỗ trợ công nghệ thu nợ, truyền thông, cho vay gói lớn hơn 100 xe, tăng lợi ích cho khách hàng. Chính quyền cũng tìm cách kết nối các tổ chức quỹ thành phố, quốc gia, quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật, vốn thí điểm (thông qua quỹ CEP hay ngân hàng thương mại, BSSC…)

Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề đặt ra cần phải giải quyết thấu đáo. Đó là trước hết những nhà hoạch định chính sách lẫn điều hành cần truy vấn nguồn gốc tạo dòng điện của xe điện. Bức tranh tuyệt đối hóa “hễ xe điện là giao thông xanh” mà không truy vấn nguồn tạo ra năng lượng ấy, trong đó ở Việt Nam vẫn đang duy trì, phát triển nhiệt điện từ than đá vốn là một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Số liệu 10 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng điện toàn hệ thống đạt 258.7 tỷ kWh. Trong đó, nhiệt điện than chiếm 48.7%, tức khoảng 125.99 tỷ kWh. Như vậy, gần một nửa lượng điện mà người dân và doanh nghiệp đang sử dụng - trong đó có cả điện sạc cho xe điện - đến từ việc đốt than đá.

Từ nguồn phát điện đến truyền tải điện, phân phối chất lượng của các phương tiện sử dụng điện đều phải được xem xét ngưỡng hoạt động để đảm bảo có một hệ sinh thái xanh bền vững trong nền năng lượng - giao thông xanh ở Việt Nam. Đó mới chính là “giá trị cốt lõi” chứ không phải là sự chuyển đổi bao nhiêu chiếc xe xăng sang điện.

Sau đó, theo quy trình, với những gì thách thức đặt ra đều có thể giải quyết. Như về tín dụng và khả năng xử lý rủi ro hay thu hồi nợ thì đại diện của tổ chức tài chính vi mô CEP cho biết, trước đây, đơn vị đã cho khoảng hơn 80 tài xế công nghệ vay lãi suất từ 8-16%/năm. Việc cho vay được triển khai thông qua nghiệp đoàn tài xế công nghề quận Bình Tân. Tỷ lệ thu hồi vốn tốt. Song, nếu tăng trưởng số lượng tài xế vay quá nhanh thì sẽ gặp thách thức lớn nhất là thu hồi tiền vay. Đặc biệt là các tài xế không có hộ khẩu tại TP. HCM. Do đó, nếu triển khai chương trình này, CEP sẽ có một số yêu cầu nhất định để làm hồ sơ vay vốn như có nơi ở ổn định, đăng ký cư trú hợp pháp tại các địa phương có chi nhánh của CEP…

Ở tầm Chính phủ, có thể xem xét giảm thuế nhập khẩu xe máy điện và các linh kiện liên quan nhằm hạ giá thành sản xuất và nhập khẩu. Việc cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc chương trình tín dụng với lãi suất thấp cũng được khuyến nghị để hỗ trợ người dân có nhu cầu mua xe máy điện nhưng không đủ khả năng chi trả ngay. Như một đề xuất của Viện Nghiên cứu Phát triển trong 2 năm qua là triển khai chương trình đổi xe cũ lấy xe điện mới để khuyến khích tài xế công nghệ và giao hàng thay thế các phương tiện cũ.

Quốc Học

FILI - 16:28:27 21/05/2025