Cơn bão trái phiếu toàn cầu: Lợi suất Mỹ vượt mốc 5%, Nhật Bản lên mức kỷ lục
Thị trường trái phiếu toàn cầu đang trải qua cơn bán tháo nghiêm trọng, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 30 năm vượt mốc 5% lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023. Đây là dấu hiệu cho thấy trái phiếu Chính phủ Mỹ đang mất dần vai trò trú ẩn an toàn lâu nay.
Đợt bán tháo tháng 5 của thị trường trái phiếu đã trở nên tồi tệ hơn sau khi trái phiếu dài hạn Mỹ bị bán mạnh trong ngày 21/05. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 30 năm đóng cửa ở mức 5.089%, đánh dấu mức cao nhất trong gần 18 tháng qua. Việc vượt mốc 5% đặc biệt đáng chú ý vì đây từng là mức trần vô hình trong suốt hai thập kỷ qua.
Không chỉ riêng trái phiếu 30 năm, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm cũng vượt ngưỡng tâm lý 4.5% lên mức 4.595%. Đợt bán tháo này diễn ra sau phiên đấu giá trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 20 năm đáng thất vọng và cơn bán tháo lịch sử trên thị trường trái phiếu Nhật Bản.
Thị trường Nhật Bản thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản 30 năm đã tăng vọt lên 3.1872%, thiết lập kỷ lục mới theo dữ liệu từ năm 2006. Lợi suất trái phiếu 40 năm của nước này cũng đạt mức cao kỷ lục trong ngày.
Ở phía bên kia Đại Tây Dương, lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh dài hạn cũng tăng, mặc dù mức độ yếu hơn và hiện đang ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 4/2025.
Để hiểu rõ nguyên nhân, cần nhìn vào mối quan hệ nghịch đảo giữa lợi suất và giá trái phiếu. Khi lợi suất tăng, giá trái phiếu sẽ giảm. Việc tăng lợi suất tạo cơ hội cho nhà đầu tư chốt được mức sinh lời cao hơn, nhưng đồng thời làm tổn hại đến những ai đang nắm giữ trái phiếu cũ.
Mặc dù mức 4.5% trên trái phiếu kỳ hạn 10 năm chưa tệ bằng lợi suất 5% từng xuất hiện năm 2007 và 2023, nhưng sự biến động mạnh trong thị trường trái phiếu năm 2025 đã làm xói mòn niềm tin vào trái phiếu Chính phủ Mỹ như một kênh đầu tư trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn.
Nguyên nhân thúc đẩy cơn bán tháo này bắt nguồn từ cả yếu tố cấu trúc lẫn lo ngại kinh tế vĩ mô. Các nhà đầu tư nhạy cảm với giá như quỹ phòng hộ và quỹ tương hợp gần đây đã thống trị thị trường trái phiếu, vượt qua những người mua ít quan tâm đến biến động giá như các ngân hàng trung ương. Điều này khiến trái phiếu Chính phủ Mỹ phải chịu những biến động giá mạnh hơn.
Về mặt kinh tế, dự luật thuế và chi tiêu của Tổng thống Donald Trump đang tiếp tục được thúc đẩy, dự kiến sẽ gia tăng 3.3 ngàn tỷ USD nợ công đến năm 2034. Tony Rodriguez, Trưởng bộ phận chiến lược thu nhập cố định của Nuveen, chia sẻ với Barron's: "Chúng ta không thấy Chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu gì cả".
Thuế quan là một yếu tố gây áp lực khác. Mặc dù được dự báo sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế Mỹ - thường sẽ khiến lợi suất giảm khi nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn - nhưng nền kinh tế chậm lại cũng có thể làm giảm nguồn thu thuế, từ đó gia tăng thêm gánh nặng nợ công. Mức thuế quan trung bình hiện là 17.8%, cao nhất kể từ năm 1934, bất chấp việc ông Trump đã điều chỉnh giảm một số mức thuế ban đầu.
Những lo ngại này đã đẩy phần bù kỳ hạn trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức 0.7581%, chỉ thấp hơn một chút so với kỷ lục 0.8439% thiết lập vào tháng 4. Phần bù kỳ hạn là phần lợi suất mà nhà đầu tư yêu cầu để nắm giữ trái phiếu trong một thập kỷ thay vì liên tục tái đầu tư vào các trái phiếu ngắn hạn.
Ở Nhật Bản, nhu cầu lợi suất cao hơn xuất phát từ sự thay đổi lớn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khi họ thu hẹp chương trình mua trái phiếu. Phiên đấu giá trái phiếu 20 năm yếu hơn dự báo trong tuần này đã làm dấy lên lo ngại về việc thiếu hụt nhu cầu để bù đắp khoảng trống mà ngân hàng trung ương để lại.
Nhóm nghiên cứu lãi suất và tiền tệ toàn cầu tại BofA Securities cho rằng đường cong lợi suất đang dốc hơn, khi lợi suất trái phiếu dài hạn tăng nhanh hơn nợ ngắn hạn. Họ nhận định: "Chúng tôi tin rằng xu hướng lợi suất trái phiếu dài hạn tăng mạnh nhất ở Mỹ, tiếp theo là Nhật Bản, khu vực Euro và Anh".
Tương phản với Mỹ và Nhật Bản, tình hình bán tháo trái phiếu ở châu Âu ít nghiêm trọng hơn, một phần do chi tiêu Chính phủ không đáng ngại. Mặc dù Đức đã công bố mức tăng chi tiêu lịch sử, các nhà đầu tư dường như không quá lo lắng vì tỷ lệ nợ của nước này chỉ chiếm 63% GDP - một trong những mức thấp nhất châu Âu. Trong khi đó, tổng nợ công của Mỹ đã lên tới 122% GDP.
Cho đến khi Mỹ kiểm soát được vấn đề chi tiêu, thị trường trái phiếu khó có thể trở lại trạng thái ổn định.
Vũ Hạo (Theo Barron's)