CPTPP có thể là cứu cánh cho Việt Nam trong thương chiến Trump 2.0
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy và Mỹ ưu tiên các thỏa thuận song phương thay vì đa phương, Việt Nam đứng trước thách thức lớn về thị trường xuất khẩu. Hiệp định CPTPP – vốn được định hình như một "luật chơi" thương mại tiêu chuẩn cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương – nổi lên như một cứu cánh tiềm năng giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của cuộc thương chiến mới và củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
CPTPP
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết năm 2018 bởi 11 quốc gia thành viên, bao gồm Việt Nam, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand, Singapore, Mexico, Peru, Chile, Malaysia và Brunei. CPTPP thực chất là phiên bản kế thừa của Hiệp định TPP trước đó, sau khi Mỹ rút lui vào năm 2017. Với sự vắng mặt của Mỹ, Nhật Bản cùng các nước còn lại đã dẫn dắt và hồi sinh hiệp định dưới tên gọi CPTPP, giữ nguyên phần lớn các cam kết "tiêu chuẩn vàng" ban đầu nhằm duy trì một trật tự thương mại tự do, minh bạch trong khu vực.
Mục tiêu cốt lõi của CPTPP là thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư ở mức độ cao, vượt xa các hiệp định thương mại truyền thống. Hiệp định này không chỉ xóa bỏ phần lớn thuế quan mà còn đặt ra các quy tắc tiến bộ về thương mại điện tử, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước và sở hữu trí tuệ. Động lực ra đời của CPTPP mang tính chiến lược địa kinh tế: một mặt, các nước thành viên muốn tăng cường tiếp cận thị trường lẫn nhau và hưởng lợi từ chuỗi cung ứng khu vực; mặt khác, hiệp định được xem như tấm chắn an toàn trước làn sóng bảo hộ của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump 1.0 và trước ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á. CPTPP từng được kỳ vọng sẽ "viết luật chơi" mới cho thương mại khu vực, ngăn chặn khoảng trống quyền lực mà Trung Quốc có thể lấp đầy sau khi Mỹ rút khỏi TPP.
Lợi ích của CPTPP đối với Việt Nam
Về thuế quan: CPTPP mang lại cho Việt Nam ưu đãi thuế quan chưa từng có. Tất cả các nước thành viên đều cam kết xóa bỏ 97% – 100% dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam theo lộ trình nhất định. Nhiều thị trường lớn mở cửa gần như hoàn toàn cho hàng Việt: chẳng hạn, Nhật Bản lần đầu cam kết xóa bỏ thuế đối với phần lớn nông sản, thủy sản của Việt Nam, với 86% dòng thuế được xóa ngay khi hiệp định có hiệu lực và khoảng 90% sau 5 năm. Canada xóa bỏ thuế cho 95% số dòng thuế (tương đương 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), đặc biệt 100% kim ngạch thủy sản và gỗ đều được miễn thuế. Các nước khác như Australia, New Zealand, Singapore, Chile... cũng tự do hóa trên 90% dòng thuế đối với hàng Việt. Nhờ vậy, các ngành xuất khẩu chủ lực (dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, điện tử...) có cơ hội lớn gia tăng thị phần nhờ giá cả cạnh tranh hơn.
Về phi thuế quan: Lợi ích của CPTPP không chỉ nằm ở ưu đãi thuế suất mà còn ở việc cải thiện môi trường thương mại và thể chế. Hiệp định đặt ra các tiêu chuẩn cao về thủ tục hải quan, minh bạch hóa và thuận lợi hóa thương mại, giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Đồng thời, CPTPP thúc đẩy cải cách thể chế nội địa. Khi tham gia hiệp định, Việt Nam phải sửa đổi luật pháp theo hướng minh bạch, thông thoáng hơn, từ đó giúp doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp hơn và nâng cao uy tín quốc gia, thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Như vậy, CPTPP mang lại lợi ích trực tiếp về thương mại (tăng xuất khẩu, giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu, đa dạng hóa thị trường) tạo ra lợi ích gián tiếp dài hạn thông qua việc nâng cấp cấu trúc kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sau gần 5 năm thực thi, Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong việc tận dụng hiệu quả CPTPP. Dù ghi nhận kết quả tích cực về xuất khẩu sang các thị trường trong khối với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 100 tỷ USD vào năm 2024, Việt Nam vẫn được đánh giá là chưa khai thác hết tiềm năng của CPTPP. Thứ nhất, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp Việt còn rất thấp so với trung bình các FTA khác (có thể do chưa xin chứng nhận xuất xứ hoặc không đáp ứng quy tắc xuất xứ nên buộc phải chịu thuế tối huệ quốc). Hai, tăng trưởng xuất khẩu sang CPTPP chưa vượt trội so với mức trung bình, cho thấy CPTPP chưa tạo đột phá mạnh mà chủ yếu hỗ trợ thêm cho đà tăng trưởng xuất khẩu sẵn có. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp thuần nội địa hầu như đứng ngoài tác động của CPTPP do không tham gia xuất khẩu hoặc chưa đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
CPTPP trong chiến lược Trump 2.0 và khả năng Mỹ quay lại
Ngay từ khi còn là TPP, hiệp định này được xem là trụ cột kinh tế trong chiến lược "xoay trục châu Á" của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, nhằm kiềm chế ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách thương mại của Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu thể hiện sự hoài nghi sâu sắc đối với các hiệp định đa phương, coi chúng là bất lợi cho Mỹ. Vì vậy, ngay trong tuần đầu cầm quyền năm 2017, ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP và lựa chọn cách tiếp cận song phương, nơi Mỹ có ưu thế sức mạnh và có thể đàm phán các điều khoản có lợi hơn với từng đối tác riêng lẻ. Đây cũng là phương thức mà chính quyền Trump 2.0 có thể tiếp tục ưa chuộng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên là đối thủ chính – mục tiêu trực diện của Mỹ trong thương chiến mới – việc tiếp tục đứng ngoài CPTPP có thể khiến Mỹ bị gạt khỏi cấu trúc kinh tế khu vực, trong khi Trung Quốc có thể tận dụng sức mạnh kinh tế để lôi kéo các thành viên CPTPP nhượng bộ, từng bước định hình luật chơi theo hướng có lợi cho họ. Việc Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9/2021 cho thấy tham vọng của họ nhằm để mở rộng ảnh hưởng. Trong nội bộ Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng nếu quay lại CPTPP, Mỹ có thể ngăn Trung Quốc gia nhập hoặc ít nhất đặt ra các tiêu chuẩn mà Trung Quốc khó đáp ứng, từ đó kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Như vậy, dù không ưa chuộng đa phương, một khối CPTPP vững mạnh vẫn phù hợp với mục tiêu chiến lược dài hạn của Mỹ là giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu vào Trung Quốc. Thực tế, ngay từ năm 2018, ông Trump từng bất ngờ yêu cầu cấp dưới xem xét khả năng tái gia nhập TPP nếu đạt được "thỏa thuận tốt hơn".
Việt Nam cần tận dụng tốt hơn CPTPP
Trước biến động khó lường của thương mại toàn cầu và nguy cơ thay đổi chính sách từ các cường quốc, Việt Nam cần có chiến lược chủ động để khai thác CPTPP như một lợi thế cạnh tranh và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Trong ngắn hạn, Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác CPTPP nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm thặng dư với Mỹ và giảm áp lực từ thương chiến Trump 2.0, cụ thể:
Trong dài hạn, CPTPP là cơ hội cải cách thể chế, nâng cao tiêu chuẩn nội địa, hướng tới môi trường kinh doanh và lao động minh bạch hơn, chuẩn bị cho khả năng đàm phán các FTA song phương với Mỹ hoặc G7. Đặc biệt, Việt Nam sẵn sàng cho kịch bản Mỹ quay lại CPTPP. Với TPP trước đây, Việt Nam đã từng chấp nhận nhiều cam kết sâu như công đoàn độc lập trong 5 năm, mở cửa lĩnh vực tài chính... Những điều khoản đó có thể được đặt lại trên bàn đàm phán, đánh giá kỹ tác động, xây dựng phương án thương lượng hợp lý để vừa bảo vệ lợi ích cốt lõi, vừa tạo điều kiện cho Mỹ gia nhập thuận lợi vì lợi ích chung của khối. Mỹ quay lại CPTPP cũng đồng nghĩa hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ sẽ tăng sức cạnh tranh đáng kể so với các đối thủ như Trung Quốc, Bangladesh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải mở cửa sâu hơn cho hàng hóa và đầu tư từ Mỹ. Do đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại là điều kiện tiên quyết.
Kết luận
Trong cơn sóng lớn của thương chiến Mỹ - Trung, CPTPP như một "con thuyền lớn" mà Việt Nam may mắn là thành viên sáng lập. Hiệp định này không phải cây đũa thần, nhưng đang mang lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam: mở rộng thị trường, cải cách thể chế, nâng cao vị thế. Quan trọng hơn, CPTPP là phương án dự phòng chiến lược khi trật tự thương mại toàn cầu biến động: nếu Mỹ - Trung đối đầu, Việt Nam còn CPTPP làm điểm tựa; nếu Mỹ muốn quay lại, Việt Nam ở vị trí trung tâm để đón cơ hội. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào nội lực và sự chủ động của Việt Nam: cần chèo lái con thuyền CPTPP vững vàng, khai thác tối đa luồng gió thuận để vượt qua những cơn bão thương mại trên hành trình hội nhập.
LH